10 cây kỳ lạ nhất thế giới
9:21', 23/3/ 2007 (GMT+7)

Trên thế giới có hàng trăm nghìn loài cây kỳ lạ và dưới đây là một số hình ảnh tiêu biểu của 10 cây được xếp vào hàng kỳ lạ nhất.

Vị trí thứ 10: Cây bách đơn độc ở bán đảo Monterey (Mỹ)

Cây bách đơn độc. Ảnh: mikemac29

Dù bị nhiều cơn gió lạnh từ Thái Bình Dương vùi dập nhưng cây bách đơn độc lởm chởm ở bãi biển Pebble trên bán đảo Monterey, California (Mỹ) vẫn hiên ngang tồn tại. Nó không phải là một cây lớn nhưng vẫn hấp dẫn nhiều người, đặc biệt là giới nhiếp ảnh, vì dáng vẻ cô liêu nổi bật của nó giữa khung cảnh mây trời lồng lộng tuyệt đẹp bên bờ Thái Bình Dương.

 

Vị trí thứ 9: Nhóm cây “làm xiếc”

Axel Erlandson đứng dưới gốc một trong những tác phẩm cây cảnh của mình. Ảnh Cabinet Magazine

Một nông dân tên Axel Erlandson rất đam mê uốn tỉa cây cảnh. Ông đã kỳ công tạo ra một bộ sưu tập cây cảnh kỳ thú với nhiều hình thù độc đáo và đặt tên là “Nhóm cây làm xiếc”. Để tạo ra cây trắc bá có thân lỗ chỗ tổ ong, Erlanson đã trồng 6 cây con quanh một vòng tròn và ghép chúng lại với nhau để tạo kiểu như mong muốn. Đó là tất cả những gì người ta biết về kỹ thuật tạo dáng cây độc đáo của Erlandson vì ông này nhất định không tiết lộ bí quyết của mình. Thậm chí, Erlandson còn cất giấu “Nhóm cây làm xiếc” rất kỹ để tránh những con mắt dòm ngó của …gián điệp! Erlandson chết và mang theo bí mật của mình xuống mồ còn những tác phẩm kỳ lạ của ông đã được nhà tỉ phú Michael Bonfante mua và trồng lại trong công viên giải trí Bonfante của ông này tại Gilroy vào năm 1985.

 

Vị trí thứ 8: Cây củ tùng khổng lồ

Cây củ tùng khổng lồ. Ảnh: Humpalumpa

Xét về mặt thể tích, đây là cây lớn nhất thế giới với chiều cao 83,8m, nặng hơn 600 tấn và có thể tích 1.486m3. Cây tùng khổng lồ này đã xấp xỉ 2.200 tuổi và chỉ mọc ở Sierra Nevada, bang California (Mỹ).

 

Vị trí thứ 7: Cây gỗ đỏ cao nhất thế giới

Với chiều cao 115m, cây gỗ đỏ này được xem là cây cao nhất thế giới hiện nay. Nó thuộc họ củ tùng (tên khoa học là sequoia sempervirens), được nhà nghiên cứu Chris Atkins và nhà tự nhiên học nghiệp dư Michael Taylor phát hiện ở rừng Quốc gia Redwood (Mỹ) vào năm ngoái. Vì e ngại du khách biết được và kéo đến tham quan làm hỏng mất bộ rễ cây cho nên các nhà khoa học đã giấu kín không cho biết vị trí nơi cây mọc.

Ngoài chiều cao ấn tượng, loài cây gỗ đỏ còn có kích thước rất lớn. Người ta đã phát hiện có 4 cây ở rừng gỗ đỏ thuộc California (Mỹ) lớn đến mức một chiếc ô tô có thể chạy qua được. Một trong 4 số đó là cây gỗ đỏ được đặt  tên “Đèn chùm” (“Chandelier”). Người ta đã khoét một lỗ gần gốc cây để làm lối cho xe cộ chạy qua.

 

Vị trí thứ 6: Cây sồi nhà thờ ở Allouville-Bellefosse (Pháp)

Bản thân cái tên cũng đã nói lên đặc tính đặc biệt của cây sồi nổi tiếng nhất nước Pháp này. Nó không đơn thuần là một cây sồi mà còn là một công trình xây dựng đồng thời là di tích tôn giáo. Vào năm 1669, Tu viện của thị trấn Detroit và Cerceau đã quyết định xây một nhà nguyện bên trong thân cây sồi 500 tuổi (vào thời điểm đó). Họ đã tạo một hốc cây và đóng nhẹ bu-lông vào thân cây để đặt bàn thờ Đức mẹ Đồng trinh Mary nhỏ vào đó. Sau này, người ta xây tiếp một nhà nguyện thứ hai và làm thêm bậc thang để lên xuống.

Ngày nay, nhiều phần của cây sồi đã chết. Nhiều mảng vỏ cây đã bị tróc ra vì cây quá già. Vì vậy, người ta phải lấy ván ép bằng gỗ sồi để bảo vệ thân cây, lấy cọc và dây để chằng giữ. Mặc dù cây sồi này chẳng còn sống được bao lâu nữa nhưng nó sẽ vẫn mãi là biểu tượng muôn thưở của thị trấn Allouville-Bellefosse (Pháp).

 

Vị trí thứ 5: Cây dương lá rung Pando

Cây dương lá rung Pando ở Utah thật ra là một nhánh của họ dương lá rung có tên khoa học là Populus tremuloides. Tất cả các cây dương của họ này giống hệt nhau như thể được nhân giống vô tính từ một cây mẹ. Thật vậy, cả một rừng dương lá rung mà ta thấy trên mặt đất đều là một mắt của một sinh vật sống có bộ rễ khổng lồ ngầm dưới lòng đất. Trong tiếng Latin, Pando có nghĩa là “Tôi bò rộng ra”. Loài cây này có khoảng 47.000 mắt bò rộng hết 107 ha đất. Ước tính trọng lượng của nó lên đến 6.600 tấn. Dù mỗi mắt cây chỉ sống đựơc 130 năm nhưng toàn bộ cây có thể sống đến 80.000 năm.

 

Vị trí thứ 4: Cây bách tháp canh

Cây bách khổng lồ có tên khoa học là Taxodium mucronatum mọc ở gần thành phố Oaxaca (Mexico). Nhánh lớn nhất của cây bách này có chu vi 58m, đường kính 11,3m. Năm 1994, khi cây bách khổng lồ vốn là niềm tự hào của người dân Mexico có dấu hiệu bị bệnh và sắp chết (lá vàng, nhánh héo khô), người ta đã tức tốc gọi “bác sĩ” đến “chẩn đoán” bệnh cho nó. “Bác sĩ” đã kê đơn: phải tưới nước vì cây đang khát! Một chương trình tưới nước cho cây đã được đưa ra và tuân thủ nghiêm ngặt. Kết quả thật hiệu nghiệm: cây bách này lại trở nên tươi tốt như xưa.

 

Vị trí thứ 3: cây đa tên Sri Maha Bodhi– cây trồng lâu năm nhất trên thế giới

Điều đặc biệt của loài cây này nằm ở chỗ nó có chùm rễ giả rất khỏe và mọc nhiều đến nỗi người ta tưởng như đó là tấm mành khổng lồ và kỳ diệu. Một trong những cây đa nổi tiếng nhất trên thế giới là cây đa có tên Sri Maha Bodhi ở Anuradhapura (Sri Lanka). Tương truyền cây đa này đã mọc lại từ gốc một cây đa cũ mà Đức phật Thích ca Mâu ni đã từng ngồi và ngộ ra giáo lý của đạo Phật vào thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên. Được trồng vào năm 228 trước Công nguyên, cây đa này là cây lâu năm nhất còn sống trên thế giới do con người trồng nên.

 

Vị trí thứ 2: Cây thông lá kim cứng-loài cây tự nhiên còn sống lâu nhất trên thế giới

Quán quân về tuổi thọ trong giới thực vật tự nhiên còn sống nói chung và trong giới thực vật sinh sản hữu tính còn sống nói riêng thuộc về loài thông lá kim cứng có tên là Methuselah (tên khoa học là Pinus longaeva) ở White Mountains thuộc bang California (Mỹ). Nó đã sống ở độ cao 335m so với mực nước biển suốt 4.838 năm nay và được Edmund Schulman phát hiện ra vào năm 1957.

Còn chức vô địch về thực vật sống thọ cho đến nay vẫn thuộc về cây Prometheus do Donald R. Currey phát hiện ra vào năm 1964. Sau khi khoan sâu vào thân cây Prometheus để lấy mẫu nghiên cứu, anh này đã xin Cục Lâm nghiệp Mỹ cho phép đốn hạ toàn bộ cây để tính toán chính xác tuổi của cây. Ngạc nhiên thay là Cục Lâm nghiệp Mỹ đã đồng ý. Và kết quả là cây lâu năm nhất trên thế giới (5.000 tuổi) đã bị chết vì quyết định không mấy sáng suốt của một nhà khoa học!

Ngày nay, các nhà chức trách ở Mỹ đã quyết định giữ bí mật về nơi có loài thông Methuselah sinh sống để bảo tồn loài thực vật quí hiếm này. 

 

Vị trí số 1: Cây baobab và cây “cô đơn” ở sa  mạc Sahara (Nigeria)

Cây “cô đơn” ở sa mạc Sahara vào năm 1970, trước khi bị tài xế xe tải đâm chết. Ảnh: Peter Krohn

Hai loài cây trên cùng chia sẻ vị trí đầu bảng trong danh mục 10 loài cây kỳ lạ nhất thế giới.

Một cây baobab thường cao 30m và rộng 11m. Thân cành của loài cây này thực chất là bộ phận chứa toàn nước. Một cây baobab có thể chứa đến 120.000 lít nước để giúp chúng chống chọi lại với hạn hạn khắc nghiệt của môi trường sống. Baobab có nguồn gốc từ Madagascar và được coi là cây quốc hồn quốc túy của nước này! Ngoài ra, người ta còn thấy loài cây này phân bố ở châu Phi lục địa và ở Australia.

Cây “cô đơn” nhất trên thế giới này chắc chắn là cây keo ở sa mạc Sahara vì người ta không thể tìm thấy một cái cây thứ hai nào sống quanh nó trong vòng bán kính 400km. Đó là cây keo duy nhất trong quần thể keo đã mọc từ thời vùng đất ngày nay là hoang mạc Sahara vẫn còn xanh tươi. Khi các nhà khoa học đào một cái lỗ gần cây keo này, họ đã phát hiện ra rễ của nó đã ăn sâu 36m dưới lớp nước. Tiếc thay, cây keo độc nhất vô nhị này hiện nay không còn nữa vì một tài xế xe tải người Libi đã đâm vào nó và khiến nó chết khô.

  • Tố Uyên (theo Neatorama)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Em bé sống trong... quả bóng  (20/03/2007)
Cảnh sát Ấn Độ: sẽ thơm như hoa   (16/03/2007)
“Hòn đảo” giữa lòng thành phố  (13/03/2007)
Cưa nhà với vợ  (12/03/2007)
Cưới người đã chết  (12/03/2007)
Bò ăn gà  (08/03/2007)
Tỉnh dậy sau 6 năm sống đời sống thực vật  (08/03/2007)
Trung Quốc phạt nhà giàu vi phạm chính sách một con  (05/03/2007)
Chú vịt biết uống bia và tuân theo mệnh lệnh chủ  (02/03/2007)
Điều khiển xe máy trong tư thế đứng, nằm và ngủ  (02/03/2007)
Pakistan: Tranh cãi nảy lửa vì việc thả diều  (01/03/2007)
“Quà tặng” bất ngờ của nụ hôn  (26/02/2007)
Nông dân Trung Quốc lên mạng tìm duyên  (26/02/2007)
111 ngày chạy qua Sa mạc Sahara  (22/02/2007)
2/3 phụ nữ Hàn Quốc muốn phẫu thuật thẩm mỹ  (22/02/2007)