Tại những công ty khó tính, nơi nhân viên bị cấm truy cập Internet trong văn phòng, tỷ lệ và tần suất sử dụng nhà vệ sinh cao vọt một cách bất thường, một cuộc nghiên cứu mới nhất của mạng di động T-Mobile cho biết.
Khi các ông sếp tỏ ra kiên quyết ngăn cấm nhân viên dưới quyền lướt Net, chat chit qua mạng Internet trong giờ làm, họ không thể ngờ rằng: "Cái khó ló cái khôn".
Nhờ sự phát triển của công nghệ Internet di động, các nhân viên công sở đã tìm thấy một giải pháp tình thế tuyệt vời: Chui vào toilet rồi ung dung truy cập Internet qua ĐTDĐ mà trời không biết, đất chẳng hay.
Theo mạng T-Mobile, có tới hơn một phần tư số người được hỏi cho biết công ty của họ chặn truy cập Internet một cách tuyệt đối. Tuy nhiên, có tới quá nửa tiết lộ họ vẫn sử dụng điện thoại di động để vào mạng trong giờ làm và 15% thú nhận họ buộc phải làm công việc đó trong khi "giải quyết nhu cầu".
Trong nhóm những nhân viên được công ty "thông thoáng hơn", chỉ có khoảng 23% cho biết họ bị cấm truy cập các mạng xã hội ảo kiểu như MySpace hay Second Life mà thôi.
11% bị cấm sử dụng dịch vụ Webmail bên ngoài công ty. Với 7% thiểu số, Google cũng nằm trong danh mục bị cấm.
Trở ngại duy nhất với nhiều người khi dùng điện thoại để vào mạng là "không biết cách sử dụng như thế nào". Bất chấp những nỗ lực không mệt mỏi của các mạng di động trong việc khuyến khích khách hàng truy cập Internet thông qua điện thoại, có quá nửa trong số 2000 người được hỏi lắc đầu trước ý tưởng này, với lý do "cước phí quá đắt".
Một chi tiết thú vị: Trong khi T-Mobile làm hết sức để lôi kéo người dùng vào mạng qua di động, đồng thời tuyên bố: "Ai cũng có quyền tiếp cận Internet", thì chính một nhân viên dịch vụ khách hàng của hãng lại tiết lộ: "Nếu muốn online trong giờ làm, chúng tôi phải xin phép giám sát viên, và yêu cầu đó sẽ được duyệt trong vòng... 5 ngày làm việc".
Đúng là đôi khi lời nói với hành động chẳng bao giờ song hành với nhau.
. Theo VNN
|