|
Thử ly hôn thực sự có hiệu quả trong việc hàn gắn các cặp vợ chồng? |
Từ xưa đến nay, người ta chỉ nghe nói đến cưới thử, chung sống thử, chứ loại hình ly hôn thử thì quả là hiếm thấy. Vậy mà ở Trung Quốc, các “công ty ly hôn” lại đang làm ăn rất phát đạt nhờ loại hình dịch vụ này thu hút rất đông khách hàng.
Những cuộc thử nghiệm
Tháng 8.2009, Vương Sở Dung, một thương nhân sống ở Thượng Hải quyết định chấm dứt thỏa thuận, tái hòa hợp với người vợ Hoàng Nhan của mình. “Khi đó tôi đã dứt khoát ra tòa vì không chấp nhận thói trăng hoa của chồng” - Hoàng Nhan cho biết. Sau 5 năm chung sống, hai vợ chồng sinh được một bé gái dễ thương, nhưng tính “táy máy” của Vương Sở Dung không thay đổi, thậm chí còn đưa tình nhân về nhà khi vợ đi vắng, bị bắt quả tang. Không giải quyết được, hai người đã quyết định lập thỏa thuận “thử ly hôn” hồi tháng 2.2009. Sau nửa năm như người dưng nước lã, Vương Sở Dung đã nhận thấy “bồ” không thay thế được vợ, trong khi con còn nhỏ nên đã quyết định quay lại xin lỗi. Hoàng Nhan vốn đã nhất quyết ly hôn, nhưng nhờ có quãng thời gian thử nghiệm, được các chuyên gia về hôn nhân tư vấn, cũng chấp nhận tha thứ cho chồng.
Một trường hợp khác, Triệu Tình Liên, sinh năm 1980 và người chồng bằng tuổi Hồ Tuyên vốn là bạn học, điều kiện kinh tế gia đình rất tốt. Sau khi cưới, hai người sống cùng khu với bố mẹ chồng, bình thường chỉ qua ăn cơm, ít khi động chạm. Tuy vậy, mẹ chồng đột nhiên thay đổi tính nết, thường xuyên nói xấu con dâu trước mặt chồng và con trai, khiến Tình Liên thấy mất tự trọng. Ban đầu cô áp dụng chiến thuật im lặng với mẹ chồng, nhưng tới khi chồng cũng vì bênh mẹ mà mắng vợ thì không chịu nổi, quyết định dọn về nhà mẹ đẻ.
Mẹ đẻ Tình Liên vốn vẫn không ưa con rể vì đã nhắm trước một đám khác ưng ý hơn cho con gái nên nhất quyết không khuyên can cô quay về mà giữ lại hẳn nhà mình. Cuối cùng, lại chính là mẹ Hồ Tuyên đứng ra ký thỏa thuận “thử ly hôn” cho đôi trẻ. Sau 6 tháng, không có cách gì giải quyết mâu thuẫn, thỏa thuận thử kết thúc, hai người chuyển sang ly hôn thật.
Dịch vụ ngoài lề pháp luật
Do thủ tục hôn nhân hiện tại đơn giản hơn trước rất nhiều, cộng với tác động của xã hội hiện đại, không ít cặp vợ chồng coi nó như một trò chơi và sẵn sàng kết thúc khi nào mình muốn. Một kết quả điều tra cho thấy, có tới 35% các cặp vợ chồng ly hôn vì suy nghĩ bồng bột, nhất thời. Chính vì vậy, loại hình ly hôn thử ra đời, giúp người trong cuộc bình tĩnh lại để đi đến quyết định sáng suốt hơn.
Ngoài các thông tin như tên tuổi, nghề nghiệp, số chứng minh nhân dân, hộ khẩu… của hai vợ chồng, trong “Thỏa thuận thử ly hôn” được các công ty tư vấn cung cấp cho khách hàng còn có những mục như quen biết năm nào, tình yêu tự do hay ép buộc, kết hôn năm nào hay tình trạng con cái… Cuối cùng thường kết thúc bằng dòng “Tuy tình cảm chưa tới mức hoàn toàn đổ vỡ nhưng hai bên đã có ý định ly hôn.
Tạm thời chưa làm thủ tục ly hôn theo pháp luật, đồng ý làm thỏa thuận ly hôn thử”. Tùy yêu cầu của khách hàng, thời gian ly hôn thử kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm. Trong thời gian này, theo thỏa thuận: vợ tiếp tục sống trong căn nhà hiện tại, con cái theo mẹ, bố có thể đến thăm; hai bên không được can thiệp tự do của nhau; không công khai tình trạng ly hôn với người thân.
Dầu vậy, loại hình dịch vụ này cũng đang bị không ít người lên án. Thông thường, một thỏa thuận thử ly hôn có chi phí 1.000NDT; trong trường hợp cần hòa giải, tư vấn hỗ trợ thì khoản phí này dao động từ 5.000-10.000NDT và sẽ là 20.000-30.000NDT trong những “ca khó”. Trong khi đó, hiệu quả của loại hình dịch vụ này lại chưa được đánh giá tổng thể để xem có phù hợp với chi phí hay không.
Theo các luật sư, vì thỏa thuận “thử ly hôn” không được pháp luật bảo hộ nên các bên liên quan vẫn phải gánh vác quyền và nghĩa vụ của mình. Trái lại, một số chuyên gia xã hội học lại cho rằng đây cũng là một cách thức tốt nhằm củng cố nên tảng gia đình, nhưng sẽ tốt hơn nếu nó là hoạt động công ích chứ không phải dịch vụ kinh doanh như hiện tại.
. Theo Tin tức |