Jakarta: Cho tiền người ăn xin cũng bị phạt
17:6', 4/11/ 2009 (GMT+7)

Một cậu bé trong bộ quần áo rách rưới đứng giữa những làn xe cộ ở đèn đỏ tại một ngã tư ở Senayna, Tây Jakarta, Indonesia.

Khi bắt gặp một người đi xe máy, cậu chìa tay ra xin. Người lái xe nhích từng bước qua cậu bé giữa con đường đông đúc. Những người đi xe máy và ô tô khác lảng tránh ánh mắt của cậu bé.

Một số người dân Jakarta đã thôi không cho tiền người ăn xin, bởi họ tin rằng, việc này không giúp giảm tình trạng nghèo, cũng không có tác dụng kích thích người nghèo đi làm. Karima, một công chức nhà nước 27 tuổi cho biết, cô đã không còn cho tiền những người ăn xin trên đường phố từ vài tháng nay. Nhưng thay vào đó, cô đóng góp tiền cho các tổ chức từ thiện.   

“Tôi đã thôi không cho tiền từ khi đọc được tấm biểu ngữ khuyên mọi người không nên cho tiền người ăn xin treo trước cửa trung tâm đào tạo lao động của Chính phủ tại Cijantung. Đại khái biểu ngữ này nói, điều đó khiến người ta lười đi”, cô nói. 

Karima cho biết, sau khi suy nghĩ nhiều về chuyện này, cô quyết định sẽ chuyển hướng làm từ thiện qua những cách khác. Theo cô, người ta có thể làm từ thiện bằng cách tặng tiền cho các trại trẻ mồ côi hoặc nhà thờ Hồi giáo. 

Hằng năm, vào tháng ăn chay Ramadan, hàng loạt người ăn xin và vô gia cư từ các thành phố khác đổ về Jakarta. Để tránh tình trạng trên, chính quyền Jakarta đã có biện pháp xử lý thẳng tay đối với người ăn xin hoặc vô gia cư từ khi tháng Ramadan bắt đầu. Budihardjo, Giám đốc Cơ quan Phúc lợi xã hội Jakarta cho biết, từ khi tháng Ramadan năm nay bắt đầu diễn ra (tháng 9 Âm lịch của người Ả rập), cơ quan này đã tiến hành các cuộc kiểm tra bất ngờ tại 53 địa điểm ở Jakarta và đưa 1.271 người vô gia cư trên đường phố về tạm trú tại các trung tâm tái định cư xã hội ở Kedoya hoặc Cipayung. Cơ quan này cũng tìm kiếm những người đứng đầu các băng nhóm tổ chức ăn xin.

Năm nay, các cuộc kiểm tra bất ngờ hơi khác so với những năm trước. Lần đầu tiên kể từ khi đạo luật cấm ăn xin năm 2007 được ban hành, chính quyền đã xử phạt cả những người cho tiền ăn xin. Trong tháng Ramadan, có ngày chính quyền thành phố xử phạt tới 12 người do bị bắt gặp cho tiền người ăn xin trên đường phố. Những người này bị phạt từ 20.000 - 70.000 rupee.

Ông Budihardjo cho biết, ông được ủy thác để thực hiện đạo luật số 8 ban hành năm 2007, theo đó cả người ăn xin trên phố lẫn người cho tiền đều bị phạt. Đạo luật quy định, những người cho tiền từ thiện có thể bị phạt tiền lên tới 20 triệu rupee hoặc bị kết án 3 tháng tù.

Theo ông Budihardjo, Cơ quan Phúc lợi xã hội Jakarta tiến hành các cuộc kiểm tra bất ngờ hằng ngày trong tháng Ramadan và phạt tiền người vi phạm ngay tại chỗ. Ông cho rằng, sẽ tốt hơn khi mọi người chuyển hướng làm từ thiện cho những người dân ở các vùng lân cận nơi họ sống. 

“Bạn hãy quan tâm đến những người dân cần được giúp đỡ trong vùng lân cận nơi bạn sinh sống. Nếu vùng lân cận của bạn khá giàu có, bạn có thể chuyển hướng đóng góp cho các tổ chức từ thiện như Dompet Dhuafa, tổ chức Bazis do thành phố quản lý hay các nhà thờ Hồi giáo nơi có những thanh niên theo đạo Hồi năng động”, ông nói.

Ale Abdullah, Phó giám đốc chi nhánh Jakarta của tổ chức từ thiện đạo Hồi Bazis cũng khuyên mọi người nên chuyển hướng sang đóng góp tiền cho Bazis hoặc các tổ chức từ thiện khác thay vì cho tiền người ăn xin trên phố.

Karima cho biết, cô có thể hiểu được lý do vì sao chính quyền Jakarta ngăn cấm việc cho tiền người ăn xin trên phố. Theo Karima, một số người ăn xin do người đứng đầu các băng nhóm tổ chức ra. Một phụ nữ có thể đi ăn xin bằng cách mang theo một đứa bé không phải con của mình. Tuy nhiên, cô cho rằng, chính quyền cũng nên thông báo rộng rãi hơn nữa với người dân về việc cấm cho tiền người ăn xin trên phố trước khi xử phạt. 

. Theo Van Hoa Online/Jakartapost

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cụ ông 112 tuổi lấy thiếu nữ 17  (30/10/2009)
Cặp tình nhân suýt chết khi bị ôtô đè trong phòng ngủ  (30/10/2009)
Ăn sáng tập thể trên cầu cảng Sydney  (26/10/2009)
Cô bé có làn da kỳ dị  (25/10/2009)
Người có ngón tay khỏe nhất thế giới  (22/10/2009)
Chuyện về một bức thư tình lưu lạc 64 năm  (20/10/2009)
Dịch vụ ly hôn thử  (20/10/2009)
Người phụ nữ ngáy to hơn máy bay phản lực  (19/10/2009)
Lễ cưới tập thể lớn nhất thập kỷ  (15/10/2009)
Chàng trai nặng 4,5 kg "thèm" lấy vợ  (14/10/2009)
Không phân loại rác, bị phạt nặng  (14/10/2009)
Thần đồng 2 tuổi  (12/10/2009)
Họp chính phủ dưới nước  (09/10/2009)
Nông dân biểu tình cùng bò cái  (08/10/2009)
Những phát minh “tức cười” nhất trong năm  (06/10/2009)