Mùa cưới nói chuyện chiếc phong bì ở Hàn Quốc
15:40', 25/11/ 2009 (GMT+7)

Khách mời với những chiếc phong bì cầm tay tham dự một đám cưới ở Seoul (Ảnh Nytimes).

Khi con gái của một nhà điều hành tài chính hàng đầu Hàn Quốc kết hôn, người ta thấy thiếu thứ gì đó truyền thống: đó là những chiếc phong bì tiền mặt thay quà mừng.

Trước khi bước vào tiệc cưới, thông thường, những vị khách mời thường cầm theo những chiếc phong bì, bỏ vào "hộp trái tim" và đăng ký tên tuổi, và tổng số những "món quà" sẽ được ghi lại trong cuốn sổ bìa nhung đầy trang trọng. Trong thực tế, đôi khi một số thiệp mời còn kèm theo cả số tài khoản ngân hàng, giúp cho những người không trực tiếp tới tham dự tiệc vẫn gửi được tiền mừng.

“Vấn đề là với truyền thống này, phong bì mừng có thể bị lạm dụng trở thành hình thức hối lộ", Kim Jong-chang, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính - điều hành công nghiệp ngân hàng và chứng khoán Hàn Quốc - cho biết. “Ở vị trí của tôi, sẽ có rất nhiều quan chức ngân hàng mang quà mừng tiền mặt. Để rồi sau đó họ tự hỏi liệu tôi có bực mình khi chiếc phong bì họ mang theo không đủ dày hay không?".

Ông nhấn mạnh: “Thật không dễ gì để nói rõ về sự khác biệt giữa hối lộ và quà mừng chân thành, đích thực trong một buổi tiệc cưới".

Chiếc phong bì phản ánh một nét văn hóa mà ở đó, mừng tiền ai được xem như một cách tự nhiên khi con người muốn nói lên sự chúc mừng. Chiếc phong bì trắng quen thuộc tới mức gần như "bắt buộc" có trong tiệc sinh nhật đầu tiên của một em bé, hay thậm chí là mừng một người bạn khai trương cửa hàng mới.

Gánh nặng tài chính

Theo Văn phòng Thống kê quốc gia, những chiếc phong bì trên đã góp phần đáng kể vào việc giúp bạn bè thanh toán cả tiệc cưới lẫn đám tang mà tổng chi phí lên tới 6,9 tỉ USD trong năm ngoái.

Các gia đình thường ghi lại những khoản tiền mừng cụ thể họ nhận được để chờ dịp đền đáp. Việc "thất lễ" có thể phá hỏng một tình bạn.

“Đôi khi bạn nhận được lời mời từ một người không thân thuộc lắm", ông Kim nói. "Khi đó thiệp mừng giống như một hóa đơn báo thuế vậy".

Tuy nhiên, trong vài tháng nay, tiền mừng đám cưới và thói quen mời đông khách tham dự đã bị chỉ trích là đắt đỏ, là dẫn tới việc mua quan bán chức, hay hối lộ.

Trong tháng 5, sau hàng loạt thông tin chỉ trích tổ chức những đám cưới xa hoa ở khách sạn năm sao trong bối cảnh kinh tế suy thoái đăng tải, Tổng thống Lee Myung-bak đã hô hào tầng lớp giàu có, quyền lực của đất nước trở thành tấm gương mẫu mực trong cuộc chiến chống lại sự "hão huyền và phung phí" của văn hóa tiệc cưới.

Một số người như ông Kim đã làm theo đề nghị của Tổng thống, không chỉ từ chối nhận quà mừng tiền mặt mà còn giảm bớt danh sách khách mời - từng có thể lên tới vài nghìn người - xuống còn tương đối ít. Ông Ban Ki-moon, Tổng thư ký LHQ người Hàn Quốc, chỉ mời vài người bạn thân nhất cùng người thân tham dự tiệc cưới của con trai hồi tháng 5. Ngoại trưởng Yu Myung-hwan cũng làm như vậy khi con gái ông kết hôn vào tháng 4. Hồi tháng 10, Chung Jung-kil, chánh văn phòng của ông Lee cũng quyết định tương tự.

Nhưng ở một đất nước có quan niệm coi vị thế xã hội đánh giá bằng chiều dài danh sách khách mời, những bữa tiệc xa xỉ, số tiền bỏ ra tổ chức thì kiểu tiệc cưới "khiêm tốn" kể trên lại bị xem là "khác người".

“Ở đây, đám cưới với ý nghĩa hoạt động chúc mừng không lớn bằng quan niệm là dịp để gia đình thể hiện vai vế", Lee Yoon-ji, người điều hành một công ty tổ chức đám cưới và studio chụp hình tại quận Kangnam, Seoul cho biết. "Ví dụ, nếu gia đình cô dâu có ít khách hơn gia đình chủ rể, thì đó là điều gây mất thể diện".

Mỗi năm, khoảng 330.000 đôi uyên ương Hàn Quốc chi trung bình từ 13.000-17.000USD cho một đám cưới, Lee Woong-jin, phụ trách Sunoo, một công ty tổ chức đám cưới đã thực hiện cuộc thăm dò hằng năm về chi phí cho sự kiện này, nói. Mức giá thậm chí có thể vượt quá 40.000USD cho tiệc cưới ở khách sạn.

Để giảm bớt gánh nặng này, phần lớn trông chờ vào tiền mừng. Han Seung-ho, 33 tuổi, một thợ ảnh tổ chức đám cưới hồi tháng 10 với 370 khách tham dự khẳng định: "Tôi không thấy gì sai lầm với việc này. Mọi người chia sẻ và sẽ được giúp đỡ trở lại. Không có tiền mừng, đám cưới của tôi sẽ là một gánh nặng tài chính nghiêm trọng với tôi".

Bất khả thi

Lo lắng tiền mừng trở thành hình thức hối lộ đã dẫn tới việc sửa đổi Luật Bầu cử Hàn Quốc năm 2004, trong đó nghiêm cấm các chính khách tặng phong bì tiền, ngoại trừ trong đám cưới, lễ tang người thân.

Ba ứng viên cho các vị trí tại văn phòng điều phối nông nghiệp và nghề cá ở một tỉnh hồi tháng 9 và tháng 10 đã bị buộc tội vì mang quà mừng tiền mặt tới đám cưới của cử tri. Danh sách khách mời quá lớn cũng bị giám sát chặt chẽ. Một quan chức giáo dục tỉnh đã trở thành tâm điểm chỉ trích của báo chí hồi tháng 4 sau khi có thông tin ông đã mời 2.000 người, bao gồm hiệu trưởng của toàn bộ 460 trường thuộc phạm vi ông quản lý, tới dự đám cưới con trai.

Theo Chung Woo-jin, 50 tuổi, Chủ tịch Q&Q Medi, một công ty cung cấp y tế thì, rất nhiều khách mời "miễn cưỡng" tham dự tiệc cưới, họ e ngại không đi sẽ có thể mất hợp đồng kinh doanh hay quảng cáo. "Vì thế, họ cố chứng tỏ đã tới tiệc, đưa phong bì, ăn uống vội vã và thậm chí không nhìn qua cô dâu chú rể.

Ông Chung nói rằng, ông cảm thấy bị ép buộc phải đi tới 40, 50 đám hiếu hỉ trong một năm của bạn bè, nhân viên, đối tác kinh doanh với số tiền mừng trung bình khoảng 85USD. Nhưng, ông khẳng định, đã từ chối nhận phong bì trong đám tang mẹ ông hồi tháng 6.

Nhiều đôi uyên ương cũng tỏ thái độ phản đối văn hóa tiệc cưới mà thế hệ lớn tuổi đưa ra. Cha mẹ cô dâu, chú rể do phải đối mặt với những khoản thanh toán khổng lồ khi tổ chức tiệc cưới cho con, nên đã gửi thiệp mời, rồi thu phong bì, nên nhiều khi số khách mời của cha mẹ còn nhiều hơn khách của cô dâu chú rể.

“Một số người bạn của tôi thấy thất vọng, và tự hỏi đám cưới của họ là cho họ, hay vì cha mẹ", Lee Eun-jeong, 35 tuổi, người làm việc tại một công ty xuất bản ở Seoul nói. Cô đã hạn chế số khách mời cho lễ tân hôn của mình hồi tháng 6 còn 135 người và không nhận tiền mừng. “Chúng tôi không thích việc một người bạn chả liên lạc với mình trong nhiều năm, đột nhiên lại gặp mình trước đám cưới của cô ấy, rõ ràng là muốn tận thu".

Trong quá khứ, Hàn Quốc đã thực hiện chiến dịch tiết kiệm cưới hỏi, nhưng không mang lại nhiều thành công. Năm 1973, Park Chung-hee cố gắng nghiêm cấm việc viết thiệp mời, gửi hoa và quà cho mỗi đám hiếu hỉ. Ông tin là những phong tục ấy cản trở chiến dịch hiện đại hóa của mình.

Tuy nhiên, lệnh cấm ít khi được thực hiện, và bị dỡ bỏ năm 1999, mở đường cho các khách sạn năm sao, công ty hôn nhân tiến vào thị trường tổ chức đám cưới.

. Theo VNN/Nytimes

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Căn bệnh kỳ dị biến cơ thể bé gái thành tinh thể  (19/11/2009)
Cụ bà 125 tuổi  (17/11/2009)
Thiếu nữ 16 trong hình hài em bé 12 tháng tuổi  (16/11/2009)
0,6kg kim loại trong dạ dày   (14/11/2009)
Cô gái "người rừng" trở về sau gần 10 năm mất tích   (13/11/2009)
Mustansiriya - Trường đại học cổ xưa nhất thế giới  (12/11/2009)
Vợ chồng tình cờ hội ngộ sau 60 năm xa cách  (11/11/2009)
Thang máy rơi tự do, 8 người nhập viện  (11/11/2009)
Bà mẹ 71 cm mang bầu lần 3  (10/11/2009)
Cây lạ mang hình người  (08/11/2009)
Jakarta: Cho tiền người ăn xin cũng bị phạt  (04/11/2009)
Cụ ông 112 tuổi lấy thiếu nữ 17  (30/10/2009)
Cặp tình nhân suýt chết khi bị ôtô đè trong phòng ngủ  (30/10/2009)
Ăn sáng tập thể trên cầu cảng Sydney  (26/10/2009)
Cô bé có làn da kỳ dị  (25/10/2009)