Những trạm tỉnh rượu này được lập ra để thu dung những đệ tử của lưu linh
Vào mùa đông giá rét, trên các vỉa hè hay ngõ hẻm ở Nga, người ta thường bắt gặp cảnh những kẻ say rượu nằm vật vạ vì không nhớ đường về nhà mình.
Tuy nhiên, không phải bây giờ ở nước Nga mới có các trạm tỉnh rượu. Lịch sử của nó bắt đầu từ thời Sa hoàng Nicolas Đệ Nhị. Vào năm 1902, trạm tỉnh rượu đầu tiên đã ra đời, các sâu rượu được miễn phí khi phải đưa vào đây để cấp cứu, giải rượu hoặc chạy chữa. Hồi đó, các trạm tỉnh rượu ngoài chạy chữa, giải rượu cho các sâu rượu, còn đón con cái họ đến để chăm nuôi. Điều lý thú là, các bác sỹ và các phu xe chính là nhân viên thường trực của các trạm này. Hằng ngày, các phu xe đi đến mọi ngóc ngách phố phường để tìm những kẻ say rượu đưa về trạm giải rượu. Mấy năm sau, các trạm tỉnh rượu khác liên tiếp mọc lên. Dưới thời Khrutchev, các trạm này được mở cửa trở lại, đến thời Brejnev và Gorbachev, nhất là trong thời kỳ thực thi phong trào cấm uống rượu, các trạm tỉnh rượu mọc lên như hoa mùa Xuân.
Ngày nay, các trạm tỉnh rượu đã khác thời Sa hoàng. Giờ đây, nó là một kiểu kết hợp giữa đồn cảnh sát với cơ sở điều trị y tế. Nhân viên phục vụ tại đây là các cảnh sát và y bác sỹ. Cứ vào mùa đông là các trạm tỉnh rượu lại trở nên nhộn nhịp.
Thường là mỗi sáng, hai nhân viên cảnh sát lên đường tuần tra để tìm những kẻ say rượu trên đường phố, quán ăn hay ở các ngóc ngách mang về trạm. Sau khi thẩm vấn để tìm hiểu tên tuổi, địa chỉ từng người ghi vào hồ sơ, cảnh sát liền lột bỏ quần áo, giày dép của họ, rồi đưa vào nằm trong một phòng ngủ tập thể. Khi phát hiện ai bị ngộ độc rượu nghiêm trọng, các thầy thuốc sẽ đưa đến trung tâm cấp cứu để chạy chữa, sau đó cho vào phòng kín nhốt cho đến khi tỉnh rượu hẳn. Các nhân viên của trạm cho biết: “Suốt 365 ngày trong năm chẳng ngày nào chúng tôi rảnh rỗi, bình quân mỗi ngày chúng tôi phải tiếp nhận tới 30 người”.
Qua tìm hiểu, được biết các sâu rượu được đưa về đây, có người là dân thường, thỉnh thoảng vớ được bữa quá chén, có kẻ là sâu nghiện quen thuộc, ngày nào cũng là khách của trạm, có người là khách vãng lai. Trong các dịp nghỉ lễ và thời điểm kinh tế suy thoái, các trạm tỉnh rượu thường chật kín. Để giúp họ thư giãn, các bức tường của trạm tỉnh rượu thường được sơn màu xanh nhạt để tạo cảm giác gần gũi với thiên nhiên.
Các nhân viên cho biết, nếu chỉ bị ngộ độc rượu mức nhẹ, các nhân viên sẽ giáo dục tư tưởng, sau đó sẽ đưa họ về nhà. Nếu phát hiện hàm lượng cồn trong máu người say vượt quá giới hạn cho phép, răng miệng không sạch, đi đứng không vững, họ sẽ bị giữ lại qua đêm cho đến khi tỉnh hẳn. Những người này phải trả tiền cho việc tắm giặt, chạy chữa, ăn ở và các dịch vụ khác khi ở lại trạm. Nếu là những người vô gia cư, không xu dính túi, trạm đành phải thả cho đi.
Các nhân viên ở đây cho biết, các trạm tỉnh rượu được mọi người đánh giá cao. Nhiều người quậy phá ở đây nhưng về nhà thì không quậy nữa, không đánh vợ con nữa. Việc cảnh sát đưa những người say rượu về trạm, nhất là vào mùa đông, còn giúp họ thoát được chết cóng. Chính vì thế, những nhân viên của trạm thường xuyên nhận được thư cảm ơn của những người đã được cứu giúp trong thời gian ở trạm tỉnh rượu.
. Theo TPO |