Những trò đùa hay đánh lừa trong ngày này không được gây hại cho ai nhưng mọi người đều có thể thấy vui
Ngày Cá tháng tư (April Fool’s Day) được kỷ niệm hằng năm vào ngày đầu tiên của tháng 4. Theo trang web novareinna.com, đây là thời gian để đánh lừa nhau cho vui. Nạn nhân của những trò đùa tinh nghịch này được gọi là người khờ dại tháng tư (April Fool).
Nguồn gốc
|
Ngày Cá tháng tư năm 2001 ở Đan Mạch: Một đầu xe điện ngầm ngoi lên khỏi mặt đất trước hội trường thành phố Copenhagen. Thực ra, đây là xe điện cũ của Stockholm, được cắt chéo, đặt trên nền gạch... Ảnh: WIKIPEDIA |
Nguồn gốc của tập quán nói trên, thoạt đầu, có thể liên quan đến sự kiện thiên nhiên “lừa” loài người bằng những thay đổi thời tiết bất ngờ và liên tục khi mùa xuân đến vào cuối tháng 3, như phút trước mưa rào, phút sau nắng to.
Tuy nhiên, những trò đùa lại bắt nguồn từ người La Mã cổ đại và những hành vi như thế là bộ phận không thể thiếu của lễ hội Hilaria tổ chức ngày 25.3 để tưởng nhớ Attis, vị thần cây, liên quan đến chu trình bốn mùa. Ở Anh, theo một truyền thuyết cổ xưa, ngày Cá tháng tư kỷ niệm con quạ đã được ông Noah phái đi để tìm đất liền sau trận đại hồng thuỷ.
Nói chung, người ta chấp nhận rằng truyền thống ngày Cá tháng tư khởi đầu ở Pháp vào thế kỷ 16, khi năm mới bắt đầu ngày 1.4 và cũng được kỷ niệm giống như ngày nay với tiệc tùng và nhảy múa thâu đêm. Khi ấy, hội hè tổ chức trong vòng một tuần, từ ngày 25.3, có cả việc tặng quà nhau.
Tuy nhiên, năm 1582, dưới triều đại vua Charles IX, Giáo hoàng Gregory đưa ra lịch sửa đổi với năm mới trùng vào ngày 1.1. Nhiều người phải mất một thời gian khá lâu, có thể là đến bảy năm, mới nghe nói về sự thay đổi này.
Ngoài ra, những người khác không chấp nhận sự cải cách này hoặc đơn giản là họ quên nên năm mới tiếp tục được chào đón vào ngày 1.4 ở nhiều khu vực.
Những người chấp nhận lịch mới đã chơi trò đánh lừa những người không chấp nhận và gọi các nạn nhân không may đó là người khờ dại, giao cho làm những việc hoài công vô ích, chẳng hạn mời dự bữa tiệc không tổ chức, hoặc cố làm cho họ tin điều có thật là không có thật.
Dần dần, thực tế này dẫn đến truyền thống chơi trò đánh lừa vào ngày 1.4 và du nhập vào Anh, Scotland hồi thế kỷ 18. Sau đó, nó lan truyền sang các thuộc địa của Anh và Pháp.
Truyền thống
Ở nhiều nền văn hoá, truyền thống quy định rằng thời gian đánh lừa phải kết thúc vào giữa trưa ngày 1.4 và bất kỳ trò đùa nào xảy ra sau giờ đó thì người gây ra đều phải gánh chịu sự xui xẻo. Thêm vào đó, những ai không biết phản ứng lại trước những trò đùa tinh nghịch cũng sẽ gánh chịu sự không may mắn.
Kéo dài bao lâu?
Theo truyền thống, ở một số nước như Anh, Áo, New Zealand, Canada, ngày Cá tháng tư kéo dài đến giữa trưa 1.4. Ai chơi trò đánh lừa sau trưa bị gọi là người khờ dại tháng tư. Trong khi đó, ở những nước khác như Ireland, Mỹ, Pháp, các trò đùa kéo dài cả ngày. |
Tuy nhiên, không phải tất cả mọi điều người ta tin vào ngày Cá tháng tư đều là tiêu cực cả đâu. Chẳng hạn, một chàng trai bị một cô gái đẹp chơi khăm được tin là số phận cho lấy cô gái đó làm vợ hoặc ít nhất cũng có một tình bạn đẹp với cô.
Kiểu cách đánh lừa nhau vào ngày Cá tháng tư đã thay đổi theo năm tháng. Thời gian đầu, người ta mời dự những bữa tiệc không có thực. Tuy nhiên, ngày nay, đây thường là thời điểm tổ chức nghi thức gia nhập câu lạc bộ hoặc nhóm, đặc biệt là của người lớn. Các trò lừa thời nay có khuynh hướng tập trung vào những cú điện thoại giả mạo và những trò đùa trên phương tiện thông tin đại chúng.
Tóm lại, ngày Cá tháng tư chỉ là một dịp chơi cho vui. Điểm bắt buộc cơ bản là những trò đùa hay đánh lừa trong ngày này không được gây hại cho ai nhưng mọi người có thể thấy vui.
|