Chim bồ câu chuyển dữ liệu nhanh hơn cả Internet? Ở Nam Phi, đây hoàn toàn không phải là chuyện tiếu lâm. Và câu chuyện không chỉ dừng lại ở đó.
|
Winston, chú chim câu vừa "hạ nhục" dịch vụ Internet ở Nam Phi
|
Chim câu đua với Internet
Mới đây Unlimited Group, một doanh nghiệp Nam Phi, do quá chán chường với tốc độ Internet “rùa bò” trong nước, đã quyết định làm một thí nghiệm nho nhỏ. Họ sử dụng chú chim bồ câu đưa thư tên là Winston để chuyển chiếc thẻ nhớ chứa 4GB dữ liệu tới một thành phố nằm cách trụ sở của mình 80km. Cùng lúc, một chuyên viên máy tính của Unlimited Group sử dụng máy tính để chuyển dữ liệu tới cùng địa chỉ, thông qua Internet.
Kết quả là chú chim câu Winston đã thắng cuộc với sự chênh lệch về thời gian khiến mọi người kinh ngạc. “Winston tới đích sau 2 giờ, 6 phút và 57 giây” - Kevin Rolfe, Trưởng phòng Công nghệ thông tin của Unlimited Group, hoan hỷ tuyên bố với báo giới. Trong khoảng thời gian đó, chiếc máy tính mới chỉ chuyển được khoảng 100MB dữ liệu.
Lẽ dĩ nhiên Unlimited Group không có ý định ngừng sử dụng Internet và chuyển qua dùng chim đưa thư, một hình thức liên lạc đã có từ thời Thành Cát Tư Hãn (thế kỷ 13) và trước nữa. Nhưng thông qua cuộc thi chim câu - Internet, họ đã thành công trong việc “bêu riếu” các công ty dịch vụ Internet nội địa. Thực tế, theo tờ Christian Science Monitor, cả lục địa Đen hiện đang phải trả phí Internet ở mức cao nhất trong khi chỉ nhận được chất lượng dịch vụ ở mức thấp nhất.
Chậm như… mạng châu Phi
Tại phần lớn châu Phi, dịch vụ Internet được cung cấp thông qua đường kết nối vệ tinh, một lựa chọn đắt đỏ và không ổn định. Đi tới bất kỳ quán “net” nào ở Kinshasa (CHDC Congo) hoặc Khartoum (Sudan), người ta có thể thấy hàng tá sinh viên, doanh nhân đang viết thư điện tử, nhấn nút “gửi” và rồi... cầu nguyện để quán không bị mất điện trước khi mail của họ được gửi đi.
Về lý thuyết, vấn đề của châu Phi đang được giải quyết. Một tuyến cáp ngầm dưới biển trị giá 650 triệu USD nối liền cảng Mombasa của Kenya với các tuyến cáp biển có công suất lớn hơn ở châu Á đã đi vào hoạt động từ cuối tháng 7 năm nay. Tuyến cáp này đã giúp phần lớn các thành phố ở Đông Phi lần đầu tiên được nếm trải cảm giác Internet tốc độ cao.
Một số quốc gia châu Phi đã cố gắng tận dụng những lợi ích do tuyến cáp nói trên mang lại. Rwanda là một ví dụ. Quốc gia này đã triển khai các mạng cáp quang kết nối tốc độ cao tới mọi tỉnh, thành trong cả nước với hy vọng sẽ chuyển mình thành một cổng công nghệ thông tin như Singapore. Các quốc gia khác như Nam Phi đã cải thiện được tốc độ Internet, nhưng họ vẫn không thể đáp ứng nổi nhu cầu khổng lồ ở trong nước.
Bực mình với trò “xỏ xiên” của Unlimited Group, Telkom, công ty viễn thông lớn nhất Nam Phi, đã thông báo với Hãng thông tấn Nam Phi (SAPA) rằng họ không có lỗi trong việc đường truyền Internet của Unlimited Group bị chậm.
Với Rolfe, cuộc thi chim câu - Internet không nhằm để khích bác một cá nhân, tổ chức cụ thể nào mà chỉ muốn nói lên thực trạng chung của Nam Phi là tốc độ Internet quá chậm. Unlimited Group phải chuyển khoảng 500MB dữ liệu mỗi ngày, thế nên việc kết nối Internet chậm và không ổn định là thảm họa đối với họ. “Chúng tôi không đổ lỗi cho Telkom, Neotel hay bất cứ nhà cung cấp dịch vụ Internet nào khác ở Nam Phi” - Rolfe nói - “Các nhà cung cấp đã làm rất tốt công việc của họ. Nhưng chúng tôi muốn nói rằng hãy làm cách gì đó để cải thiện hoạt động viễn thông của Nam Phi”.
|
Kevin Rolfe và phương tiện chuyển dữ liệu ưa thích của anh
|
“Lời nhắn” của chú chim câu
Xét về tốc độ và tính chất hiện đại trong việc chuyển tải thông tin thì những con chim câu thực ra không sánh được với Internet nói chung. Song trong lịch sử, chúng từng là một công cụ liên lạc rất hiệu quả. Chim câu đưa thư đã được người Ba Tư và Ai Cập sử dụng từ cách đây hơn 3.000 năm. Vào thế kỷ 19, Paul Julius Reuter (sáng lập viên hãng tin Reuters) đã dùng chim câu để gửi thông tin từ thành phố Aachen (Đức) tới Brussels (Bỉ). Cho tới tận Thế chiến I, người Anh vẫn dùng chim câu để chuyển thông tin chiến trường. Hoạt động này hiệu quả và tin cậy tới mức người Đức phải huấn luyện chim cắt để chặn đường liên lạc của quân Anh.
Sau cuộc thi mang đầy màu sắc giật gân nói trên, Winston bỗng trở thành “người nổi tiếng”. Thậm chí nó còn có cả website dành cho người hâm mộ trên mạng xã hội đình đám Facebook. Và trong thời kinh tế khó khăn như hiện nay, Winston sẽ không phải lo tới chuyện “thất nghiệp”. Rolfe cho biết chú chim này sẽ được sử dụng mỗi khi đường kết nối Internet của Unlimited Group bị hỏng. “Liên tục sử dụng chim câu không phải là phương án tối ưu” - Rolfe bông đùa - “Nhưng thi thoảng chúng tôi sẽ dùng Winston để nó có chút thời gian vận động ngoài trời”.
. Theo Thể thao & Văn hóa
|