|
“Người vượn" Petrus Gonzales sinh tại quần đảo Canary vào năm 1556. |
Với 98% cơ thể bị phủ bởi lớp lông dày và dài, hai anh em Ramos Gomez người Mexico được chẩn đoán mắc căn bệnh "siêu lông" rất hiếm gặp. Từ thời trung cổ đến nay, sử sách chỉ ghi lại khoảng 50 trường hợp.
Victor “Larry” và Gabriel “Danny” Ramos Gomez được sinh ra trong một dòng họ người lông nổi tiếng ở Mexico. Từ xưa đến nay, dòng họ này đã có 5 thế hệ mắc căn bệnh “siêu lông”, tính ra cũng khoảng 20 người cả trai lẫn gái.
Larry và Danny nổi tiếng khắp các gánh xiếc rong với biệt danh “sói con” và những trò nhào lộn, bật lò xo, làm ảo thuật tài tình của họ. Ông nội của Larry và Danny hoàn toàn giống như người bình thường. Con trai của Larry cũng bình an vô sự, trong khi con gái 6 tuổi của Danny lại khốn đốn với lông tóc y hệt cha và bác mình.
Từ xa xưa, truyền thuyết về “người lông” đã được người đời dựng lên trong nhiều nền văn hóa khác nhau. Các tác giả thời trung cổ viết khá nhiều về những con người “lông phủ dày từ đầu đến chân”, sinh sống trong rừng sâu, chuyên ăn cỏ cây hoa lá và thịt sống. Có những câu chuyện kể rằng người lông sống biệt lập trên những hòn đảo ngoài khơi xa, chuyên ăn tim người rán trong nước sốt chanh.
Mãi đến cuối thế kỷ 19, y học hiện đại mới bắt đầu tìm hiểu về những con người kỳ quái này. Năm 1873, nhà bệnh lý học nổi tiếng người Đức Rudolf Virchow đã công bố một công trình viết về “người Nga có lớp lông bao phủ khắp người”.
Bẵng đi một thời gian, cho đến gần đây, trên báo chí lại xuất hiện những trường hợp người rậm lông mới được phát hiện. Tin về người lông Kent Morley được đăng trên tờ Weekly World News của Mỹ đã khiến các nhà khoa học trên thế giới đặc biệt quan tâm. Cha mẹ Morley là những người bình thường nhưng toàn bộ mặt ông, từ trán đến mũi, má, tai, cằm đều bị một lớp lông màu hung dài khoảng 10 cm bao phủ. Chỉ cặp mắt và đôi môi là ló ra dưới bộ lông dày. Hiện tượng kỳ lạ này đang được nghiên cứu tại Bệnh viện Mayo ở Minnesota (Mỹ).
Nhà nghiên cứu William Cramer của Bệnh viện Mayo cho biết: Morley có thân hình và bộ não của con người nhưng lại mang cái đầu với vẻ bề ngoài giống chó. Đặc điểm cư xử của ông mang tính chất của cả hai loài. Morley hiện kiếm được khá nhiều tiền nhờ làm nghề lập trình cho máy vi tính. Chỉ số thông minh của ông là 125.
|
Anh em "người vượn" Larry và Danny Ramos Gomez ở Mexico |
Tiến sĩ Luis Figuera - nhà di truyền học ở Trung tâm nghiên cứu Sinh hóa Mexico - đã nghiên cứu căn bệnh siêu lông suốt 20 năm qua. Bà khẳng định trường hợp siêu lông di truyền là rất hiếm, trên thế giới hiện chỉ có 2-3 gia đình mắc phải. Đó là một căn bệnh mang tính di truyền không liên tục.
Theo bà Figuera, nghiên cứu gene đã chỉ ra mối tương quan giữa bệnh “siêu lông” và nhiễm sắc thể X. Nghĩa là một phụ nữ mang trong mình loại gene này thì nguy cơ sinh con “người lông” là 50%, bất kể trai hay gái. Còn nếu là đàn ông ẩn gene thì 100% con gái sẽ bị siêu lông, trong khi con trai lại hoàn toàn được miễn nhiễm.
Ngoại trừ sự phát triển của lớp lông, những người này có thể trạng khỏe mạnh và tuổi thọ bình thường. Cách đây hơn 2 năm, các bác sĩ Kazakhstan phát hiện một bệnh nhân siêu lông khoảng 11 tuổi sống trong một vùng núi hẻo lánh gần biên giới Trung Quốc. Xét nghiệm cho thấy cậu phát triển hoàn toàn bình thường. Theo các bác sĩ, cậu bé hoàn toàn có thể hòa nhập vào cộng đồng, thậm chí có khả năng định hướng vượt trội so với những đứa trẻ cùng tuổi.
Hiểu biết của loài người về bệnh siêu lông đến nay vẫn rất ít ỏi. Bước đầu, giới khoa học xác định nguyên nhân tạo ra lớp lông này là một sai lệch về gene làm cơ thể không điều khiển được chu trình sinh trưởng của lông. Các lỗ chân lông vì thế hoạt động liên tục (thay vì có thời kỳ “nghỉ”). Sự sai lệch về di truyền này cực kỳ hiếm. Các chuyên gia ước tính cứ 1 tỷ người mới có 1 người mắc bệnh.
Sai lệch có thể xuất phát từ một gene có trong động vật tiền thân của con người. Theo các nhà khoa học, nhiều gene đó vẫn còn “ngủ” trong bộ gene của con người ngày nay. Trong quá trình tiến hóa, chúng chỉ bị “khóa” lại mà thôi. Dưới một tác động đột biến nào đó, một gene tiền sử như vậy bị đánh thức.
|
Đến nay các nhà khoa học vẫn chưa tìm được lời giải thuyết phục cho hiện tượng "người vượn". |
Các nhà y học và sinh vật học cho biết đã xảy ra không ít hiện tượng “phục sinh” đặc điểm động vật như vậy trong con người ngày nay. Đó là biểu hiện của hiện tượng “lại giống” mà các giáo trình sinh học phổ thông từng đề cập tới. Tuy rất hiếm, nhưng cũng đã có những đứa trẻ sơ sinh ra đời với nhiều núm vú trải dài từ vùng nách xuống ngang vùng thắt lưng như ở động vật có vú. Đôi khi cũng đã gặp trường hợp trẻ sơ sinh có đuôi - là một đoạn xương sống kéo dài. Hoặc có khi xuất hiện cả người có phổi dưới dạng mang như mang cá...
Tuy nhiên, lý thuyết về sự phục hồi các đặc điểm động vật trong cơ thể người không phải đúng trong mọi trường hợp “người lông”. Có trường hợp lông mọc cả ở những vùng trên cơ thể người, nhưng lại không mọc ở những vùng đó trên cơ thể vượn người hay khỉ, ví dụ như ở vùng mũi và mắt. Hiện tượng xuất hiện dần dần một lớp lông dày bao phủ toàn bề mặt cơ thể (theo kiểu thứ sinh, chứ không phải bẩm sinh) cũng có thể do những trục trặc của hệ tuần hoàn, do một căn bệnh nhất định nào đó như đa xơ cứng các cơ quan, mô hoặc do tác dụng phụ của một số loại thuốc gây ra.
. Theo Sức Khỏe & Đời Sống |