Dịch vụ tang lễ: Nghề "hot" ở Đài Loan
16:40', 22/1/ 2010 (GMT+7)

Thân nhân có thể tới chứng kiến lễ liệm xác, thường kéo dài khoảng 2 tiếng đồng hồ.

Người ta vẫn tưởng kỹ thuật viên, chuyên gia công nghệ thông tin hoặc thiết kế chip máy tính là những công việc được ưa thích ở Đài Loan, một trong những cổng công nghệ hàng đầu của châu Á. Nhưng tất cả đã nhầm, bởi nghề được ưa thích tại hòn đảo này lại là dịch vụ tang lễ.

Gần đây, khi nhà tang lễ Lung Yen Life Service ở Đài Loan đăng tin quảng cáo tuyển dụng 10 nhân viên liệm xác mới, họ đã nhận được đơn xin việc từ khoảng 2.000 người. Hiện tượng đặc biệt này bắt nguồn từ một lý do “xưa như trái đất”: tiền bạc. Cụ thể, một nhân viên liệm xác có bằng đại học làm việc tại Lung Yen mỗi tháng có thể kiếm được tới 1,2 triệu đô-la Đài Loan (TWD), tương đương 37.500 USD. Số tiền này bằng với khoản lương của một kỹ sư trẻ tuổi và nhiều gấp đôi thu nhập của thợ gội đầu. Nó cũng gần bằng thu nhập trung bình của người hành nghề liệm xác ở Mỹ.

Người Đài Loan sẵn lòng làm nghề liệm xác còn vì mấy năm gần đây, ngành dịch vụ tang lễ ở hòn đảo này chịu khó quảng cáo để thay đổi định kiến dư luận rằng công việc của họ, vốn liên quan tới những người đã khuất, thường mang lại sự xúi quẩy. “Trong quá khứ, nếu bạn kể với cha mẹ rằng mình đang làm việc tại một nhà tang lễ, có thể họ sẽ xỉu tại chỗ” - Fung Chia Li, một nữ quản lý tại nhà tang lễ Chin Pao San, nói - “Giờ đây, dịch vụ tang lễ được xem là một công việc tử tế, dù không nhận được nhiều sự trọng vọng của xã hội như giáo viên hoặc kỹ sư”.
Tang lễ là một hoạt động khá xa xỉ ở Đài Loan, thường liên quan tới nhiều tuần tổ chức những buổi lễ, các đám đưa ma với đội kèn lớn và nhiều người khóc mướn. Theo Cơ quan quản lý các vấn đề nội địa Đài Loan, ngành dịch vụ tang lễ ở hòn đảo với 23 triệu dân này mang lại doanh thu 50 tỷ TWD trong năm ngoái. Số tiền đó tương đương với việc người Đài Loan chi 12.000 USD cho mỗi đám tang, bằng 75% thu nhập thường niên và cho thấy họ thực sự coi trọng việc ma chay. “Tiến trình tang lễ là một phần độc đáo của văn hóa Trung Hoa, một cách thể hiện đạo làm con cháu, với niềm tin linh hồn tiền nhân có thể bảo vệ, ban phước lành cho các thế hệ hậu duệ” - Fung nói.

Ngoài ra, nhà quản lý Samantha Niu của Lung Yen đánh giá rằng người Đài Loan sử dụng nhiều dịch vụ tang lễ còn nhờ tác động của bộ phim Nhật mang tên Departures. Tác phẩm đoạt giải Oscar 2009 Phim tiếng nước ngoài xuất sắc nhất này kể về một nghệ sĩ cello đi tìm lại phẩm giá và mục đích sống bằng cách làm một người liệm xác.

Vài năm gần đây do chi phí mai táng đắt đỏ, nhiều gia đình đã chọn cách hỏa táng cho người thân quá cố của họ. Các nhà tang lễ vì thế mà bị sụt giảm doanh thu. Tuy nhiên, họ rất nhanh nhạy khi mở thêm nhiều dịch vụ mới, xây dựng thêm các công trình “tráng lệ” để chứa hũ đựng tro cốt của người chết. Đơn cử như công ty tang lễ của Fung hiện đang bán những hũ đựng tro cốt bằng kích cỡ hộp đựng giày với giá có thể lên tới 500.000 TWD. Những chiếc hũ này được đặt trong các tòa tháp nằm tại một khu nghĩa trang rộng 100ha với mặt hướng ra Thái Bình Dương. Khi thắp nến về đêm, các ngọn tháp này trông như những đài tưởng niệm lớn.

Điều quan trọng là dù qua hỏa táng, thi thể người chết vẫn phải được làm đẹp trong khâu liệm xác. Do đó nhu cầu về thợ liệm xác giỏi vẫn không ngừng giảm. Hiện có khoảng 1.100 thợ liệm xác có giấy phép hoạt động tại Đài Loan. Liệm xác là hoạt động khá phổ biến ở phương Tây. Nhưng các nhà tang lễ ở Đài Loan đã đưa hoạt động này lên một “tầm cao mới”. Tại các cơ sở như của Lung Yen, người đã khuất gần như được trải qua một giai đoạn trị liệu spa. Với chi phí 55.000 TWD, người đã khuất sẽ được gội đầu, massage bằng dầu thơm, sức nước hoa, trang điểm và làm tóc. Thân nhân được phép ngồi xem tiến trình làm đẹp người chết này.

Thu nhập lớn là một trong những nguyên nhân khiến Yuan Cheng Yi, 43 tuổi, tới làm việc tại Lung Yen cách đây 5 năm. Đó là khi cựu nhân viên của một thẩm mỹ viện này phát hiện ra rằng, phục vụ người chết còn kiếm được nhiều tiền hơn là làm việc với người sống.

Tuy nhiên, Yuan cho biết liệm xác không phải là công việc đơn giản. Việc chải chuốt cho người chết cần nhiều kỹ năng hơn một hoạt động tương tự thực hiện trên người sống. “Làn da của một xác người đã giá lạnh thường rất mỏng manh và có thể dễ dàng bong ra nếu xử lý không cẩn thận. Chỉ có việc tiến hành massage cực kỳ cẩn thận, tỷ mỷ mới có thể làm mềm lại một thi thể và khiến gương mặt người đã khuất trở nên thư thái” - Yuan nói.

Không nhiều kinh nghiệm như Yuan, Lin Yun Chi, 32 tuổi, là một nhân viên liệm xác mới được tuyển dụng vào Lung Yen. Dù vậy, cô tin rằng mình có đủ phẩm chất để làm tốt công việc. “Không phải vì tôi lớn gan hơn những người khác” - cô nói - “Chỉ vì tôi muốn người đã khuất trông thật đẹp đẽ khi họ thực hiện hành trình cuối cùng đi vào cõi vĩnh hằng” .

. Theo TT&VH

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nữ sinh “lĩnh án” 90 roi vì mang điện thoại tới trường  (21/01/2010)
Ngắm con hổ nhỏ hơn lỗ kim  (20/01/2010)
“Dị nhân” và hòn đảo Búp Bê ma kinh hãi   (19/01/2010)
Tự chặt tay để khẳng định mình vô tội  (15/01/2010)
Cao thủ cờ bạc mở trung tâm cai "bác thằng bần"  (13/01/2010)
Những chú “chó” thượng khách ở New York  (12/01/2010)
Con cá chép nặng gần nửa tạ  (12/01/2010)
Một phụ nữ Italy sinh sáu  (11/01/2010)
Nhảy dù từ tòa nhà cao nhất thế giới  (08/01/2010)
Khạc nhổ có thể mất nhà  (07/01/2010)
Kỳ dị cột sắt 1.500 năm không han gỉ  (05/01/2010)
Tìm thấy xác máy bay nằm ở Nam Cực gần 100 năm  (04/01/2010)
Bắt được “quái thú” ăn thịt người  (03/01/2010)
Bị bắt vì kế hoạch vượt ngục quá... phức tạp  (03/01/2010)
Bí ẩn không thể lý giải về “người lai vượn”  (01/01/2010)