|
Màn ngậm dao ngoạn mục của ông Râu. |
Những câu chuyện thoạt nghe tưởng như hoang đường nhưng có "mắt thấy tai nghe" mới dám tin đó là sự thật. Những ngày có mặt ở hai xã Thượng Trạch và Tân Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) tôi đã được nghe, được chứng kiến rất nhiều câu chuyện kỳ bí.
Bộ đội cũng ngạc nhiên
Khi vừa đặt chân đến hai xã Tân Trạch và Thượng Trạch tôi đã được thiếu tá Hoàng Văn Đức, cán bộ tăng cường cho xã Thượng Trạch, người đã gắn bó với mảnh đất này hàng chục năm tiết lộ: "Người dân ở đây còn khó khăn trăm bề thế nhưng trong đời sống của họ có nhiều điều bí ẩn, nhiều điều kỳ lạ rất khó lý giải. Tôi ở đây nhiều năm nhưng đến giờ có nhiều chuyện tôi cũng không thể giải thích được, những chuyện thật khó tin đó là sự thật".
Người sở hữu câu chuyện lạ đầu tiên chẳng phải ai xa lạ mà chính là "đương kim" chủ tịch xã Thượng Trạch, ông Đinh Hợp. Theo thiếu tá Đức, ông Hợp là người chữa bệnh rất giỏi, cách chữa của ông rất đặc biệt, ông dùng con dao rựa nung vào bếp lửa, bao giờ dao đỏ thì ông đưa ra ngậm vào miệng, hít lấy hơi nóng đó thổi vào chỗ đau của người bệnh.
Một cán bộ đồn biên phòng cách đây mấy tháng không tin ông Hợp có khả năng đặc biệt đó nên đã cá cược. Ông Hợp đã thực hiện thành thục, ngậm con dao cháy đỏ đi mấy vòng trước sự chứng kiến của nhiều người.
"Chủ tịch xã không biểu diễn"
Ngay khi tôi vừa gặp, ông Hợp đã khẳng định là ông có khả năng đó. Theo ông, đây là bài thuốc bí truyền có từ lâu đời. Khởi nguồn bài thuốc là từ nước bạn Lào. Cũng theo ông Hợp, xã Thượng Trạch chẳng riêng gì bản thân ông mà có đến 4 - 5 người học được bài thuốc này.
Ông Hợp cho biết, ngậm dao nung đỏ chữa được nhiều bệnh nhưng hiệu nghiệm nhất vẫn là chữa gãy xương. Ở hai xã vùng cao trên này đi lại khó khăn nên từ trước đến nay gãy xương hầu như chẳng ai đến bệnh viện. Ai không may bị gãy xương chỉ sau mấy lần ngậm dao thổi xương sẽ lành rất nhanh.
Khi chúng tôi ngỏ ý muốn xem ông Hợp biểu diễn một lần nhưng ông đã từ chối bởi theo ông, chủ tịch xã... không nên biểu diễn! Ông Hợp đã nhiệt tình dẫn chúng tôi đến các bản làng để tìm người có thể làm được. Thật không may, đây đang là mùa rẫy, người dân đi lên rẫy cách cả chục cây số nhiều ngày mới về nên tôi không gặp được ai.
Tận mắt và... sợ
Không còn cách nào khác, thiếu tá Đức đã dẫn chúng tôi vượt 20km đường rừng xuống xã Tân Trạch gặp ông Đinh Râu, người cũng nổi tiếng với bài chữa bệnh bằng cách ngậm dao thổi. Ông Râu đã vui vẻ nhận lời biểu diễn ngậm dao cho chúng tôi xem.
Bởi đây là việc làm rất nguy hiểm nên trước khi ông Râu ngậm dao, tôi đã yêu cầu sự có mặt đầy đủ của cán bộ kiểm lâm, bộ đội biên phòng, cán bộ xã. Sau khi có sự đảm bảo từ những cán bộ địa phương tôi mới đồng ý để ông Râu thực hiện. Mấy miếng trầu cau, thẻ hương, chai rượu được bày lên bàn thờ tổ tiên. Với vẻ mặt nghiêm trang, ông Râu lầm rầm đọc bài thần chú. Mấy phút sau ông quay lại báo tin vui: "đã được phép thực hiện".
Dứt lời, ông Râu mang con dao rựa dắt trên vách cho vào bếp than đang rực hồng. Hàng chục người hồi hộp chờ đợi. Mấy phút sau, khi con rựa đã cháy đỏ, ông lôi từ bếp than ra, đưa lên ngắm nghía trong tích tắc rồi cho vào mồm ngậm ngon lành. Khi dao nguội, ông lại cho vào bếp và lần này là liếm lên dao.
Lưỡi ông đưa đi đưa lại trên lưỡi dao đỏ lừ khiến những người chứng kiến ú tim. Lưỡi đưa đến đâu khói bốc lên ngùn ngụt, hết liếm ông lại cọ lên chân, tay mình. Mùi khét lẹt từ da ông khiến mọi người hoảng sợ. Thế nhưng, sau khi chúng tôi kiểm tra, miệng lưỡi, tay chân ông chẳng hề hấn gì. Cao hứng, ông Râu lại cho dao vào bếp "khuyến mại" thêm một lần ngậm dao rồi lại liếm dao. Mọi người sợ nhắm mắt còn ông thì cười nghiêng ngả.
Chưa biết bài thuốc của ông Râu, ông Hợp và nhiều người khác nữa hiệu nghiệm đến đâu nhưng nhìn cách ngậm dao nung đỏ, cho dao lên người mà chẳng bị thương quả thật là điều phi thường. Ông Râu bảo, không phải lúc nào cũng có thể làm được.
Trước khi ngậm dao ông phải niệm chú và ông sẽ biết được hôm đó ngậm được dao hay không. Ông cũng khuyến cáo: "Không được thử bởi rất nguy hiểm, không biết gì ngậm sẽ cháy lưỡi ngay lập tức".
. Theo Bee.net.vn |