Trước khi cây cầu chính đầu tiên Volga-I nối hai bờ tả ngạn và hữu ngạn của con sông Volga ở địa phận thành phố Volgograd được khánh thành và đưa vào hoạt động từ ngày 10.10.2009, chỉ có hai phương tiện để vượt sông Volga trong địa phận tỉnh Volgograd là bến phà ngang và con đập của Nhà máy thủy điện Volzhskaya.
Cây cầu Volga-I dài 8.213,4 mét, trong đó hai đầu dẫn có tổng chiều dài 7.000m và đoạn cầu bắc qua sông Volga dài 1.213,4m. Kinh phí xây dựng cầu lên tới 13,5 tỷ rúp (khoảng 450 triệu USD). Việc đưa cây cầu Volga vào hoạt động sau gần 13 năm xây dựng (1994-2009, nhưng tạm đình chỉ gần hai năm do thiếu kinh phí) đã mang lại niềm vui vô tận cho dân chúng tỉnh Volgograd và các tỉnh, thành khác ở khu vực sông Volga vì từ nay họ sẽ không phải đi đường vòng thêm 20km qua con đập thủy điện hoặc vất vả chờ bến phà ngang.
Volga-I đã tiết kiệm rất nhiều thời gian và tiền của cho nhà nước và dân chúng Nga. Tuy nhiên, từ ngày 20.5 vừa qua, cầu Volga-I bắt đầu "nhảy múa."
Lái xe taxi tuyến, ông Evgheny Strepetov nhớ lại: "Đó là vào buổi chiều gió to như bão. Tôi lái xe qua cầu. Tôi mới đi được vài trăm mét đã thấy cầu lắc lư như đưa võng, tôi nghe rõ tiếng nghiến của các trụ cầu và xe tôi nhảy từng mét một. Không còn cách nào khác, tôi phải ghì tay lái và thầm nhủ sống chết có số. Khi xe 'nhảy' tới gần bờ bên kia, tôi thấy ở phía ngược lại có một chiếc xe minibus bị cầu 'hất tung' trở lại vạch xuất phát. Tôi không tin nổi mình đã lái xe qua bờ bên trót lọt."
Sáng hôm sau, có tin giao thông qua cầu Volga-I đã bị tạm ngừng và tin này đã được xác nhận qua tuyên bố của Thanh tra trưởng Cảnh sát giao thông tỉnh, ông Vyacheslav Kolokolsev: "Chừng nào chưa có bảo đảm về an toàn 100% cho xe cộ và dòng người qua lại thì cầu Volga-I chưa được hoạt động trở lại."
Ngay ngày hôm sau, Tổng thống Dmitry Medvedev đã chỉ thị cho Phủ Tổng thống và Viện Tổng Công tố Nga thành lập một Ủy ban điều tra đặc biệt, với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu về giao thông-vận tải, xây dựng cầu đường và Viện Nghiên cứu - Thẩm định của Bộ Tình trạng Khẩn cấp Nga cũng như các đại diện hữu quan của tỉnh Volgograd để thẩm định và đề xuất biện pháp khắc phục hiện tượng cầu Volga-I "nhảy múa."
Sau một thời gian kiểm tra và thẩm định kỹ càng, ủy ban này đưa ra kết luận đầu tiên là cầu được xây dựng đúng thiết kế và hiện trong trạng thái bảo đảm giao thông. Sau sự cố chiều 20/5, cầu không bị lún, không bị nứt hoặc biến dạng.
Nguyên nhân làm Volga-I "nhảy múa" là do cộng hưởng gió và động lực khí động học của cầu. Nếu gió đạt vận tốc 15-17 m/giây thì biên độ dao động của cầu vào khoảng 0,4m. Trong chiều 20.5, cầu Volga-I đã dao động trong biên độ gần 1-2m do gió quá to.
Cầu không cần phải sửa chữa. Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng Volga-I "nhảy múa" cần phải gắn thêm vào cầu các thiết bị điều hòa phong thủy lực và các bộ ngắt gió để điều chỉnh kết cấu phong thủy lực của cầu.
Đồng thời, cần phải lắp đặt bổ sung hệ thống giám định và cảnh báo về biên độ dao động của cầu để kịp thời thực thi những biện pháp phòng ngừa, kể cả cấm giao thông qua cầu, khi có giông bão lớn.
Trong khi ủy ban trên và các nhóm chuyên trách đang tiếp tục công tác điều tra thì ngày 28.7, Tổng Kiểm toán Liên bang Nga, ông Sergey Stepashin đã báo cáo với Tổng thống Medvedev rằng trong quá trình xây dựng cầu Volga-I, 152 triệu rúp (hơn 5 triệu USD) đã bị sử dụng sai mục đích và kinh phí xây dựng cầu đã tăng gần 1,5 tỷ rúp (khoảng 50 triệu USD), từ mức 12 tỷ rúp theo thiết kế đã tăng lên gần 13,5 tỷ rúp.
Tổng thống Medvedev đã chỉ thị tiếp tục điều tra để làm rõ đúng sai trong công trình xây dựng cầu Volga-I, xử lý nghiêm khắc những trường hợp vi phạm, nhưng điều chủ yếu là đề xuất các giải pháp hữu hiệu để tiếp tục khai thác an toàn và hiệu quả Volga-I, chấm dứt vĩnh viễn tình trạng "nhảy múa" của cây cầu này.
. Theo Vietnam+
|