|
Phố cổ Hà Nội là một trong những đề tài của các bức tranh từ “sợi giấy” mà gia đình chị Tâm đang sản xuất. |
Những sợi giấy thật nhỏ, mỏng manh được cắt ra từ những tấm giấy màu, qua tài năng sáng tạo và đôi tay khéo léo của một người phụ nữ đã trở thành những bức tranh tĩnh vật, tranh phong cảnh quê hương đất nước hữu tình, thơ mộng.
Biết bao du khách trong và ngoài nước đã tìm đến tận nhà chị để chiêm ngưỡng tài năng, ngắm nhìn những bức tranh mang đậm truyền thống văn hóa dân tộc của người Việt như "Hứng dừa", "Chăn trâu thổi sáo" hay những bức tranh phong cảnh của Thủ đô Hà Nội như "Khuê Văn Các", "hồ Gươm", "chùa Một Cột."
Nhiều người đã đặt hàng, mua sản phẩm với số lượng lớn mang về làm quà lưu niệm cho bạn bè, người thân.
Người phụ nữ tài năng ấy chính là chị Đặng Minh Tâm, 50 tuổi ở thôn Khúc Thủy, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội.
Mới chỉ bắt tay vào nghề làm tranh và con giống, đồ lưu niệm bằng sợi giấy từ năm 2002 đến nay nhưng những sản phẩm do chị Tâm cùng một số người thợ thủ công ở làng Khúc Thủy làm ra đã thực sự trở thành những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, có mặt ở nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Sa Pa và một số nước trên thế giới.
Đến thăm xưởng sản xuất của gia đình chị Tâm vào một buổi trưa, chúng tôi vẫn thấy vợ chồng chị tất bật xén giấy thành sợi, bó thành bó nhỏ theo từng màu sắc, kiểm tra lại mấy bức tranh thợ đang làm dở để sang đầu giờ chiều còn khẩn trương hoàn thiện, kịp giao cho khách hàng. Chị Tâm tâm sự giờ chị chỉ lo không có sản phẩm để giao cho khách kịp hợp đồng.
Mấy chủ cửa hàng bán đồ lưu niệm trên phố Hàng Gai, phố Đinh Tiên Hoàng bên bờ hồ Gươm đang giục để có hàng kịp giao cho họ, bởi ngày càng có nhiều du khách đến Việt Nam thích tìm mua những bức tranh tĩnh vật hoặc phong cảnh được làm nên chỉ từ những sợi giấy màu.
Vốn có nghề truyền thống của gia đình là sản xuất những tấm bưu thiếp từ hoa cỏ khô, năm 2002, trong một dịp tình cờ được tặng một quyển sách hướng dẫn làm hoa bằng giấy, chị Tâm ngồi kiên trì, tỉ mẩn cắt giấy màu, rồi vẽ sẵn đường nét lên một tấm xốp, sau đó dùng những sợi giấy nhỏ xíu đã cắt, quấn lại theo từng đường nét để kết thành một bức tranh tĩnh vật hoa cúc.
Một lần rồi hai lần, cứ vừa làm vừa rút kinh nghiệm, cuối cùng chị đã thành công. Cơ duyên đến với nghề làm tranh, đồ lưu niệm từ giấy của chị Tâm được bắt đầu từ đó.
Theo chị Tâm, để làm được một bức tranh phong cảnh bằng sợi giấy quấn mất rất nhiều thời gian, bởi tất cả mọi công đoạn đều làm thủ công và khâu nào cũng đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ ở đến từng chi tiết, đường nét.
Với mỗi bức tranh, bao giờ chị Tâm cũng cùng chồng phải vẽ mẫu, phối màu rồi trực tiếp làm mẫu thấy đạt yêu cầu mới hướng dẫn cho thợ làm theo. Với bức tranh phố cổ Hà Nội khổ 70x80cm, chị cùng những người thợ phải miệt mài làm trong năm ngày mới xong.
Đầu tiên, những tấm giấy đủ màu sắc được chị đưa vào máy xén thành từng sợi nhỏ từ 0,3 đến 0,5cm, sau đó thiết kế mẫu, vẽ đường nét, phối màu lên khung tranh cho thật ưng ý, hoàn hảo và dùng keo gắn các sợi giấy đã được quấn lại sao cho thật khéo.
Đối với một bức tranh làm bằng giấy quấn, có được mẫu thiết kế hợp lý để từ đó gắn từng lọn giấy đã cắt lên là điều không đơn giản. Bởi lẽ, như chị Tâm cho biết, có những bức tranh vẽ bằng sơn dầu, lụa, thậm chí thêu nhìn rất đẹp nhưng nếu áp dụng y nguyên đường nét, màu sắc như thế cho một bức tranh giấy quấn lại không thể chấp nhận được.
Vì vậy, dù là những bức tranh dân gian đã quá quen thuộc như "Đám cưới chuột", "Hứng dừa", "Đánh ghen" hay những bức tranh tĩnh vật hoa, quả, đồ vật, đều đòi hỏi người thợ thủ công phải có sự sáng tạo trong quá trình gắn từng sợi giấy theo mỗi đường nét và cả cách phối màu trên bức tranh.
Năm 2010 này, nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, xưởng sản xuất của gia đình chị Tâm đang tập trung sản xuất một loạt các bức tranh, đồ lưu niệm với chủ đề về phong cảnh và con người Hà Nội như phố cổ, chợ hoa Hà Nội ngày Tết.
Tâm huyết với nghề nghề làm tranh, sản phẩm lưu niệm từ giấy, lại có sự nhanh nhạy trong kinh doanh nên từ năm 2002 đến nay, xưởng sản xuất tranh từ sợi giấy quấn của chị Tâm liên tục nhận được những đơn đặt hàng với số lượng lớn.
Mỗi năm xưởng sản xuất của gia đình chị đưa ra thị trường Hà Nội, các thành phố lớn và một số nước trên thế giới hàng vạn sản phẩm gồm những bức tranh tĩnh vật, tranh dân gian, tranh phong cảnh và cả những chú búp bê, những thiên thần nhỏ xinh làm hoàn toàn bằng sợi giấy quấn mà du khách nước ngoài rất thích mua với số lượng lớn để trang trí lên cây thông Noel trong dịp năm mới.
Hiện nay, ngoài lao động trong gia đình, xưởng sản xuất tranh và các sản phẩm lưu niệm, trang trí từ giấy quấn của chị Đặng Minh Tâm đang giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương với mức lương bình quân 1,7 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ là một nghề mưu sinh, những sáng tạo trong nghề làm tranh từ sợi giấy của chị Đặng Minh Tâm đang góp phần làm nên nét tài hoa, khéo léo thật đáng khâm phục của những người thợ thủ công trên mảnh đất Thăng Long-Hà Nội hôm nay.
. Theo TTXVN/Vietnam+
|