|
Người thực hiện mô hình kinh thành Huế bằng đá đầu tiên. |
Anh Nguyễn Thanh Tùng đã tìm tòi, nghiên cứu mất hết 5 năm để hoàn thành "Huế thu nhỏ" sinh động và hiện thực đến từng chi tiết.
Từ tình yêu Huế và mong muốn giữ lại nét đẹp văn hóa kiến trúc Cố đô xưa mà anh Nguyễn Thanh Tùng, người con xứ Huế nhưng lại lớn lên ở miền Nam đã tìm tòi, nghiên cứu mất hết 5 năm (2002-2007) để hoàn thành "Huế thu nhỏ" sinh động và hiện thực đến từng chi tiết.
Mô hình "Kinh thành Huế" là một phần của "Huế thu nhỏ" được anh Tùng tái hiện lại trên khu đất có diện tích 1.000m2 tại số 504 - 506 đường Hoàng Hữu Nam, quận 9, thành phố Hồ Chí Minh. "Huế thu nhỏ" là toàn bộ Kinh thành Huế, sông Hương, Chùa Linh Mụ, Cầu Trường Tiền, Lăng Vua Gia Long, Lăng Vua Minh Mạng, Lăng Vua Tự Đức, Lăng Vua Khải Định, nhà rường 3 gian 2 chái Huế, nhà lục giác Huế... Những nguyên vật liệu để làm nên chúng là gỗ kiền kiền rừng Nam Đông - Huế, đá Thanh và bột đá.
Riêng phần "Kinh thành Huế" có diện tích 64 m2 (Diện tích thật của Kinh thành Huế là 520ha - 5 triệu 200 ngàn m2). Nó được xây dựng theo lối kiến trúc Vauban (đột giác) là một trong những kiểu kiến trúc phòng thủ tấn công hiện đại bậc nhất lúc đó trên thế giới (đầu thế kỷ XIX). Trong Kinh Thành có Hoàng Thành với Cổng chính đi vào là Ngọ Môn nằm trên trục Dũng Đạo. Trên trục chính này từ cửa ngọ Môn đi vào có cầu Thái Dịch, Điện Thái Hòa (nơi thiết đại triều), Đại cung môn, điện Cần Chánh, điện Càn Thành, điện Khôn Minh,... Hai bên trục Dũng Đạo là gần 100 kiến trúc khác được xây dựng lên cho Thái Hoàng Thái hậu, Hoàng Thái Hậu, Công chúa , hoàng tử, lính ngự lâm ở và sinh họat; cũng như các kiến trúc đền thờ, các kiến trúc phục vụ sinh họat hàng ngày cho Vua và gia tộc.
Xây dựng một "Huế thu nhỏ" không chỉ để "cho Mạ, cho Ba, cho Chị, cho Anh, cho gia đình, cho bà con và bạn bè mà còn cho những con người ở đất phương Nam", như lời anh Tùng chia sẻ. Nhiều người đến với "Huế thu nhỏ" của anh trong đó có những em nhỏ là học sinh tiểu học, trung học; những du khách nước ngoài; những người nghệ sĩ; và những ai yêu Huế đều được anh làm "hướng dẫn viên" tận tình mà không phải trả cho anh đồng nào cả.
. Theo 24h.com
|