Bí ẩn chiếc máy bay dưới đáy đại dương
17:21', 6/4/ 2011 (GMT+7)

Sau 3 lần tìm kiếm vô cùng tốn kém nhưng không thành công, cuối cùng nhà chức trách Pháp đã xác định được vị trí chiếc máy bay mang số hiệu 447 của Hãng hàng không Air France gặp nạn ở Đại Tây Dương cách đây 2 năm. Bí ấn nằm sau một trong những thảm họa hàng không lớn nhất, tàn khốc nhất thế giới, nhờ đó có thể sẽ sớm được sáng tỏ.

 

Hình ảnh các mảnh vỡ do rô bốt Remus 6000 mang về

 

Chiếc máy bay Airbus A330- 200 xấu số đã bất ngờ gặp nạn vào ngày 1.6.2009, khi nó vừa đi tới rìa ngoài rađa giám sát của Brazil và đang chuẩn bị vào không phận do Senegal kiểm soát, khiến toàn bộ 228 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.

Nhiều xác người trong mảnh vỡ máy bay

Sau 3 cuộc tìm kiếm thất bại trong vòng gần 2 năm, tiêu mất hơn 28 triệu USD vào việc thuê mướn các chuyên gia và sử dụng thiết bị thăm dò đáy biển hết sức hiện đại, nhà chức trách Pháp cuối cùng đã tìm thấy chiếc máy bay gặp nạn ở độ sâu hơn 3.000m dưới đáy Đại Tây Dương.

Tại một khu vực nằm cách điểm chuyến bay số 447 phát tín hiệu cuối cùng khoảng 10km về phía Bắc, các máy quét âm sonar gắn trên tàu ngầm không người lái Remus 6000 đã tìm thấy một “cánh đồng” đầy những mảnh vỡ kim loại. Vài giờ sau đó, một tàu ngầm Remus 6000 khác đã chuyển về nhiều hình ảnh khác quan trọng hơn: 2 động cơ của chiếc Airbus, phần cánh bị xé rách khỏi thân, các phần bánh và một phần thân khá lớn thuộc về khoang chứa hành khách của máy bay.

Qua các cửa sổ của khoang chứa máy bay, người ta thấy có nhiều thi thể các nạn nhân, thân họ vẫn cột chặt dây an toàn. “Chiếc máy bay không vỡ hoàn toàn. Có một mảnh lớn của khoang chứa hành khách vẫn nguyên vẹn và nhiều thi thể nằm trong nó” - Bộ trưởng Giao thông vận tải và Môi trường Pháp Nathalie Kosciusko- Morizet nói.

Giới chức Pháp cho biết sẽ phải mất vài tuần hoặc vài tháng trước khi người ta có thể kiểm đếm chính xác số nạn nhân nằm trong xác chiếc máy bay A330-200.

Một số thân nhân của những người thiệt mạng đã tỏ ra phẫn nộ khi biết rằng mảnh vỡ máy bay nằm không xa so với địa điểm nó xuất hiện lần cuối trên màn hình rađa. “Tôi không hiểu sao họ lại không kiểm tra khu vực này trước” - Robert Soulas, người mất con gái và con rể trong vụ tai nạn và giờ đang đại diện cho gia đình 60 nạn nhân trong vụ tai nạn, nói. Ông cho rằng nếu sớm sục sạo khu vực này, nhà chức trách Pháp hẳn đã có các câu trả lời cho vụ tai nạn.

Việc tìm thấy mảnh vỡ của chiếc máy bay số 447 đã làm tăng cao hy vọng về một đáp án giúp xóa bỏ các bí ẩn xung quanh vụ tai nạn. Do các mảnh vỡ của máy bay tập trung trong một khu vực tương đối hẹp, chỉ có diện tích chừng 600x200m nên Jean-Paul Troadec, Giám đốc Cơ quan Điều tra và Phân tích Pháp nói rằng, nhà chức trách rất tin tưởng vào khả năng tìm thấy các hộp đen của máy bay và với nó người ta hy vọng sẽ làm rõ lý do vì sao chuyến bay số 447 gặp nạn.

 

Phần đuôi chiếc máy bay được trục vớt hồi năm 2009

 

Trục vớt tử thi, nhiệm vụ khó khăn

Đã có những ý kiến cho rằng việc trục vớt và nhận dạng các thi thể nằm trong xác máy bay có thể khép lại những đau đớn cho gia đình các nạn nhân trong chuyến bay số 447. Nhưng các nhà quan sát nghi ngờ chuyện này sẽ không diễn ra một cách suôn sẻ và sẽ không đem lại tác dụng hàn gắn quá khứ mà người ta mong muốn.

Trở ngại đầu tiên là làm sao để nâng các phần thân của chiếc Airbus, với kích cỡ lớn, từ độ sâu 3.800m lên mặt nước. Giới chuyên môn nói rằng người Pháp chắc chắn sẽ phải cần tới các máy trục vớt điều khiển từ xa ROV, với khả năng làm việc ở độ sâu 4km. Các cỗ máy này sẽ lặn xuống và móc cáp vào từng mảnh vỡ của máy bay và kéo chúng lên từ từ. Hoặc ROV sẽ buộc những phần xác máy bay với các phao hơi đặc biệt và để chúng tự nổi lên trên mặt nước.

Khó khăn tiếp theo là việc trục vớt các thi thể, vốn đã có gần 2 năm nằm dưới nước. Do điều kiện nhiệt độ rất lạnh và độ sâu lớn của Đại Tây Dương nên các thi thể này hầu như đều được bảo quản tương đối tốt. Trong môi trường biển sâu, quá trình phân hủy xác chết sẽ chậm tới mức ngừng hoàn toàn bởi các vi khuẩn tham gia quá trình này đã bị ức chế không hoạt động. Ngoài ra, các sinh vật thủy sinh ăn xác chết cũng không có nhiều ở độ sâu lớn tới vậy. Thế nhưng không ai có thể đảm bảo các thi thể được trục vớt lên sẽ còn nguyên vẹn. Đó là chưa tính tới việc một số người sẽ bị bỏ lại, không thể đưa lên bờ được.

Thách thức cuối cùng là việc nhận diện các thi thể. Giới chuyên môn đánh giá trang phục của họ có thể sẽ còn nguyên sau tai nạn bởi chúng gồm phần lớn là sợi nhân tạo. Trong các túi quần, túi áo của nạn nhân có thể chứa những chiếc ví, vé máy bay hay hộ chiếu giúp nhận dạng họ. Nhưng nếu nạn nhân không có những thứ này, việc nhận dạng họ sẽ rất khó khăn.

Thi thể người đã bị ngâm nước quá lâu rất khó nhận dạng qua vân tay bởi lớp da ngoài cùng thường bị bong mất. Việc nhận dạng qua gene di truyền cũng được tính tới. Nhưng các trải nghiệm từ thảm họa động đất, sóng thần ở Indonesia 2004 cho thấy rằng ngay cả những phòng nghiên cứu hiện đại nhất cũng không thu được mẫu ADN hữu dụng từ khoảng 1/5 số người chết.

“Vấn đề là liệu việc trục vớt xác các nạn nhân có phù hợp không. Hiện tại xác chiếc máy bay là một nấm mồ dưới đáy biển và người ta hoàn toàn có thể chỉ cần tổ chức những buổi lễ thả vòng hoa cho người đã khuất” - GS Derrick Pounder ở Đại học Dundee nhận xét - “Nếu bạn cố thu hồi các thi thể, có khả năng sẽ dẫn tới việc bạn mở chiếc hộp Pandora, vốn không mang lại điều gì khác ngoài rắc rối và sự khổ đau”.

. Theo TT&VH

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Người hùng trong sóng thần ở Nhật  (05/04/2011)
Thoát chết thần kỳ khi lao xe từ tầng 6 xuống đất  (04/04/2011)
Thị trưởng yêu cầu bỏ tượng vì ngực quá to  (03/04/2011)
Muôn vẻ ngày cá tháng Tư trên Thế giới  (01/04/2011)
Một chú gấu bị đánh thậm tệ vì nhìn bạn khác giới  (31/03/2011)
"Người nhện" chinh phục tòa nhà cao nhất thế giới   (30/03/2011)
Chồng chết khi hô hấp cho vợ  (27/03/2011)
Bộ sưu tập búp bê có 1- 0 -2 trên thế giới  (26/03/2011)
Thụy Sỹ: Nhiều người mừng hụt vì tài khoản tiền tỷ  (25/03/2011)
Bất hạnh vì tìm thấy kho báu 100 tỷ đồng  (24/03/2011)
Nặng hơn 180kg vẫn chạy ma-ra-tông  (23/03/2011)
Hoàn thành chiếc chăn len 200m2 lớn nhất thế giới   (22/03/2011)
Phát hiện 11.688 viên sỏi trong túi mật bệnh nhân  (20/03/2011)
Mỹ xướng tên cụ bà nhiều tuổi nhất thế giới   (17/03/2011)
Trăn "đột tử" vì cắn phải ngực giả của người đẹp  (16/03/2011)