Đó là 10 cô giáo mầm non ở Trường mẫu giáo vùng cao Hoài Ân. Với tinh thần vượt khó, tấm lòng yêu trẻ, các cô giáo vùng cao này đã tới từng nhà vận động các em ra lớp, cùng nhiều giải pháp, hành động cụ thể để quyết tâm đưa trẻ đến trường.
Trường mẫu giáo vùng cao Hoài Ân được thành lập năm 2005, hiện có 10 giáo viên với 180 học sinh ở 10 điểm trường thuộc xã vùng cao Ân Sơn, Đăk Mang và Bok Tới. Gọi là trường, nhưng do đặc điểm địa hình vùng cao, lớp của các cô giáo ở các thôn khác nhau. Các cô thường gặp mặt nhau khi họp rút kinh nghiệm cuối tháng hoặc làm giáo án tại nhà cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Thanh Thúy.
|
Cô giáo Thoa đang hướng dẫn các em mẫu giáo ở xã Bok Tới học tập. |
Vượt khó đi dạy
Để bám lớp, ai cũng phải vượt qua những khó khăn về điều kiện sinh hoạt, hoàn cảnh gia đình, và quen với đường đi trắc trở... Các cô đã lập gia đình phải khéo léo thu xếp việc nhà để hài hòa việc công, việc tư. Còn các cô giáo trẻ lại phải tính đến giải pháp trong chuyện tình cảm… để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Ví dụ điển hình là trường hợp cô giáo Đinh Thị Nét, 26 tuổi. Hàng ngày cô Nét phải vượt đèo, dốc gần 25 km mới tới được lớp học của mình. Cũng như các cô giáo khác, cô Nét phải có mặt tại lớp từ 6 giờ sáng để đón các cháu; buổi chiều, đến 17 giờ 30 các cô mới được về nhà, cũng có hôm phải trông 1-2 cháu tới khi trời nhá nhem tối mới thấy phụ huynh các cháu đến đón con. Chỉ có một cách giải thích việc các cô đều đến lớp là do tình yêu trẻ con, không vì yêu nghề.
Theo cô Nguyễn Thị Thanh Thúy, trước đây, các lớp mẫu giáo ở 3 xã vùng cao này gặp rất nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất chật hẹp, xuống cấp; đồ dùng, đồ chơi cho trẻ thiếu thốn; đội ngũ giáo viên tuy có trình độ chuyên môn chuẩn, nhưng hầu hết là mới ra trường nên còn thiếu kinh nghiệm. Ở vùng cao, nhiều phụ huynh trẻ còn chưa quan tâm đến việc gởi trẻ… Mấy năm gần đây, mẫu giáo vùng cao Hoài Ân được quan tâm nhiều hơn. Đặc biệt nhờ chương trình 135, mỗi xã vùng cao được xây dựng một lớp mẫu giáo mới, khang trang ở gần trụ sở UBND xã. Cơ sở vật chất và trang thiết bị đồ dùng học tập cộng với sự hỗ trợ cho các cháu gồm 70.000 đồng/cháu/tháng theo Quyết định 112 nên tỉ lệ huy động học sinh mẫu giáo 5 tuổi ra lớp đã đạt 100% vào cuối học kỳ 1.
Cô giáo như mẹ hiền
Để huy động được 100% số trẻ trong độ tuổi ra lớp, các giáo viên đã triển khai thực hiện nhiều chuyên đề một cách hiệu quả. Với gần 99% trẻ là người dân tộc Bana, các cô giao tiếp xúc với các cháu bằng tiếng của các cháu rồi dần dần sử dụng song song với tiếng Việt. Thậm chí khi cần, các cô còn tự bỏ tiền riêng ra để mua vật liệu làm đồ dùng dạy học, làm đồ chơi, thiết kế các góc vui chơi, góc bản sắc văn hóa dân tộc… cho không gian lớp học thêm phong phú và thu hút các bé.
Cô giáo Phan Huỳnh Phương Thoa (24 tuổi), dạy ở xã Bok Tới, tâm sự: “Mỗi ngày, tụi em phải tổ chức cho các bé học mà chơi, chơi mà học, thật vui, thật cuốn hút. Tụi em còn phải dỗ dành, phải chăm sóc… Có thật vui, các cháu mới ham đến lớp”. Cùng với chăm sóc, nuôi dạy trẻ, các cô còn kết hợp với y tế để tuyên truyền phổ biến kiến thức nuôi dạy trẻ khoa học cho các bậc cha mẹ, kết hợp với Hội Phụ nữ tuyên truyền các nội dung “nuôi con khỏe, dạy con ngoan” tại gia đình, theo dõi cân đo trẻ để chấm biểu đồ tăng trưởng thể chất… 180 trẻ trong tất cả các điểm trường đều khỏe mạnh, nhanh nhẹn.
Ông Đinh Văn Á, Bí thư Đảng ủy xã Bok Tới, cho biết: “Cách đây mươi năm, bọn trẻ con trong thôn chỉ biết lê la nghịch đất quanh nhà khi người lớn đi làm vắng, có được đến lớp mẫu giáo như bây giờ đâu. Bây giờ, đồng bào chúng tôi gửi trẻ con lớp mẫu giáo được các cô chăm sóc sạch sẽ, vui vẻ để chúng tôi yên tâm đi làm. Không biết nói gì để cảm ơn chính sách của Đảng - Nhà nước và tấm lòng của các cô”.
Tấm lòng của 10 cô giáo mầm non ở Trường mẫu giáo vùng cao Hoài Ân đối với trẻ là coi con của đồng bào như chính con đẻ của mình, và hiệu quả là các bé luôn thích đi học, “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.
|