Phân luồng học sinh sau THCS:
Còn nhiều việc phải làm
21:53', 26/10/ 2012 (GMT+7)

Thời gian qua, việc thực hiện chủ trương phân luồng học sinh sau THCS tại Bình Ðịnh gặp rất nhiều khó khăn vì tâm lý “sính bằng cấp”, “chuộng thầy hơn thợ”. Năm học 2012-2013, Sở GD-ÐT quyết tâm đẩy mạnh thực hiện việc này; nhưng thực tế cho thấy còn rất nhiều việc phải làm.

Chủ trương phân luồng học sinh sau THCS được định hướng vào bốn luồng chính là: học tiếp lên THPT (dành cho học sinh có năng lực tốt, có thiên hướng nghiên cứu chuyên môn cao và có nguyện vọng học lên đại học, cao đẳng); học lên trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề (dành cho học sinh có năng lực trung bình khá và có thiên hướng kỹ thuật, thực hành); vừa làm vừa học tiếp THPT theo chương trình giáo dục thường xuyên (còn gọi là học bổ túc); trực tiếp đi làm kiếm sống (có thể học qua các chương trình sơ cấp hoặc sẽ học tiếp lên cao hơn, sau một số năm lao động).

 

Phân luồng học sinh sau THCS không phải là triệt tiêu cơ hội học lên của học sinh, mà là đa dạng hóa phương thức học, luồng học.

- Trong ảnh: Học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Huệ (TP Quy Nhơn).

Nỗ lực khơi thông bế tắc

4 tiết học ngày 26.10 của lớp 10 bổ túc tại Trung tâm Giáo dục Thường xuyên-Hướng nghiệp (GDTX-HN) huyện Tây Sơn diễn ra rất nghiêm túc. Trong số 23 học viên của lớp có 12 học sinh vừa tốt nghiệp THCS. Ngồi ở bàn đầu, thường xuyên giơ tay phát biểu, Nguyễn Văn Tặng, cựu học sinh Trường THCS Võ Xán, tỏ ra hài lòng với lựa chọn của mình khi theo học ở Trung tâm GDTX-HN. Tặng cho biết: “Không vào được trường THPT công lập, tôi đăng ký học bổ túc. Ở đây, các giáo viên giảng dạy nhiệt tình, chương trình học phù hợp với trình độ của học viên, không thu học phí và tạo nhiều điều kiện học tập”.

Theo ông Nguyễn Phải, Giám đốc Trung tâm GDTX-HN huyện Tây Sơn, những năm học trước, Trung tâm chỉ có 1-2 học sinh tốt nghiệp THCS đăng ký học. Năm học này đã có tín hiệu vui khi có đến 12 học sinh diện này.

Năm học 2012-2013, Trung tâm GDTX tỉnh và Trung tâm GDTX-HN huyện Phù Cát là hai đơn vị đón số học viên vừa tốt nghiệp THCS đông nhất. Ông Hồ Nghĩa, Giám đốc Trung tâm GDTX-HN huyện Phù Cát, nhẩm tính, tổng số học viên vào lớp 10 của trung tâm là 150 em, biên chế thành 4 lớp học tại Trung tâm, Trường THPT số 2 Phù Cát và Trường THPT số 3 Phù Cát. Ông Nghĩa tỏ ra phấn khởi: “Lớp học ở Trường THPT số 3 Phù Cát có 47 học viên. Tuần rồi họp phụ huynh, 44 phụ huynh học sinh của lớp tham gia cuộc họp và rất tha thiết Trung tâm tổ chức dạy phụ đạo. Cũng theo yêu cầu của phụ huynh, ngoài 7 môn học theo quy định chương trình bổ túc THPT của Bộ GD-ĐT, chúng tôi còn dạy thêm môn Anh văn”.

Tương tự các trung tâm GDTX, GDTX-HN, năm học 2012-2013, các trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề trong tỉnh cũng đón số học sinh tốt nghiệp THCS vào trường đông hơn mọi năm, với các ngành nghề: mộc, may, cơ khí… Ông Hoàng Đức Lân, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bình Định (thị xã An Nhơn), cho biết: “Mọi năm, Trường chỉ có vài học sinh tốt nghiệp lớp 9 theo học, còn năm nay có tới hơn 40 em, chủ yếu theo học ngành khuyến nông - lâm”.

Nhiều băn khoăn 

Chủ trương phân luồng học sinh sau THCS đã có từ lâu với mục tiêu đến năm 2020, phải thu hút khoảng 30% học sinh tốt nghiệp THCS vào học TCCN và học nghề. Tuy nhiên, đến nay tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề còn rất thấp, chỉ khoảng vài phần trăm. Theo thống kê của Sở GD-ĐT, đến nay toàn tỉnh mới có hơn 600 học sinh trong tổng số 25.782 học sinh vừa tốt nghiệp THCS theo học các lớp bổ túc.

Thực tế triển khai tại Bình Định cho thấy, rào cản lớn nhất của việc phân luồng là tâm lý “sính bằng cấp”, trong khi công tác hướng nghiệp trong các trường học chưa hiệu quả. Từ năm 2006, chương trình giáo dục hướng nghiệp được đưa vào giảng dạy cho học sinh lớp 9. Đến năm 2009 thì số tiết dành cho nội dung này đã bị cắt giảm từ 3 tiết học/bài xuống còn 1 tiết/bài, nên việc dạy và học của thầy và trò gần như chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”.

Nếu thực hiện phân luồng học sinh không tốt, việc này sẽ vô tình “đẩy” một bộ phận học sinh sau THCS yếu thế về học lực và hoàn cảnh, điều kiện gia đình không được tiếp tục học mà phải nghỉ học, phải tham gia lao động sản xuất khi không qua đào tạo nghề.

Mặt khác, không ít phụ huynh băn khoăn với việc phân luồng học sinh sau THCS, bởi tuổi còn nhỏ (15 tuổi) chưa phù hợp với việc học nghề xa nhà, hoặc lao động kiếm tiền. Các trường trung cấp chuyên nghiệp hay trung cấp nghề chưa có nhiều chính sách thu hút học viên, trong khi nhiều học sinh ra trường rất khó tìm được việc làm phù hợp. Ngay cả các trung tâm GDTX, GDTX-HN có sáng kiến “gởi” học viên vào các trường THPT công lập để tạo không khí học tập, nhưng nếu phụ thuộc quá nhiều vào giáo viên hợp đồng, thay đổi thường xuyên thời khóa biểu cũng làm học viên chán nản, dẫn đến nguy cơ bỏ học nửa chừng.

Một số giáo viên THPT nhìn nhận, phân luồng học sinh sau THCS không phải là triệt tiêu cơ hội học lên của học sinh, mà là đa dạng hóa phương thức học, luồng học. Nếu có nhu cầu, năng lực và quyết tâm, việc học lên hoàn toàn có thể bằng cách học liên thông, liên kết, từ xa hoặc vừa học vừa làm… Nhưng nếu thực hiện phân luồng học sinh không tốt, việc này sẽ vô tình “đẩy” một bộ phận học sinh sau THCS yếu thế về học lực và hoàn cảnh, điều kiện gia đình không được tiếp tục học mà phải nghỉ học, phải tham gia lao động sản xuất khi không qua đào tạo nghề.

Thiết nghĩ, ngành GD-ĐT cần phải nỗ lực nhiều hơn để công tác phân luồng học sinh sau THCS đạt kết quả tốt nhất. Trước hết là cần phải có kế hoạch cụ thể từ vài năm trước trong việc phổ biến rộng rãi quy chế với học sinh và hướng dẫn phụ huynh, học sinh đánh giá năng lực sở trường với yêu cầu đào tạo của xã hội.

  • NGỌC TÚ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cổng trường an toàn giao thông  (24/10/2012)
Thanh niên xây dựng làng, xã xanh, sạch, đẹp  (23/10/2012)
Tổng kết cuộc thi “Tìm hiểu Luật phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên”  (19/10/2012)
UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 2 sinh viên dũng cảm bắt trộm  (19/10/2012)
Phấn đấu đạt chuẩn khu vực và quốc tế một số ngành mũi nhọn  (19/10/2012)
Đến với bệnh nhân nghèo  (16/10/2012)
Thêm 2 trường THPT tham gia Chương trình GPOBA  (15/10/2012)
Nuôi trẻ khỏe, dạy trẻ ngoan  (15/10/2012)
Nhiều hoạt động nhân kỷ niệm Ngày truyền thống Hội LHTN Việt Nam  (14/10/2012)
Kỷ niệm 56 năm Ngày truyền thống Hội LHTN Việt Nam   (14/10/2012)
80 suất học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo học giỏi  (12/10/2012)
Học giỏi, hoạt động đội cũng cừ !  (12/10/2012)
Hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn động viên sinh viên Hồ Công Danh  (10/10/2012)
Những căn nhà của lòng nhân ái  (09/10/2012)
Công trình thanh niên “Vì bình yên hải đảo” đạt hiệu quả thiết thực  (09/10/2012)