Khi nhận thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) vị thành niên ở giới trẻ, nhất là học sinh còn chưa đầy đủ thì hoạt động tuyên truyền, tư vấn trong trường học rất có ý nghĩa. Thông qua sinh hoạt ngoại khóa, các học sinh hiểu biết và có hành vi tích cực trong chăm sóc SKSS.
Đang ở độ tuổi cắp sách đến trường, cô gái đột ngột lên xe hoa về nhà chồng để giải quyết “hậu quả” sau lần trao thân cho người yêu. Nhưng, hạnh phúc mong manh do những cảm xúc bồng bột của lứa tuổi học trò sớm tan vỡ, khi người chồng lộ diện là kẻ vũ phu, bội bạc. Những giọt nước mắt của người vợ trẻ trong tiểu phẩm “Lá diêu bông” do học sinh Trường THPT Nguyễn Thái Học (Quy Nhơn) thể hiện, trong buổi sinh hoạt ngoại khóa, tư vấn về SKSS tổ chức đầu tháng 11.2012 khiến không ít người xem cảm thấy chua xót.
|
Nhiều học sinh cho rằng nên tổ chức thường xuyên hơn hoạt động tư vấn trực tiếp về SKSS trong trường học.
- Trong ảnh: Một buổi tư vấn trực tiếp tại Trường THPT Trưng Vương (Quy Nhơn), do Trung tâm Chăm sóc SKSS tỉnh và Trung tâm DS-KHHGĐ TP Quy Nhơn tổ chức vào ngày 13.11.2012. Ảnh: NGUYỄN MUỘI |
Đến gần hơn với học sinh
Đây là một trong những cách tuyên truyền, tư vấn về SKSS gần gũi với học sinh được các trường áp dụng trong thời gian qua. Theo đó, các trường phối hợp Trung tâm Dân số-Kế hoạch hóa gia đình tổ chức nói chuyện chuyên đề, tư vấn trực tiếp về chăm sóc SKSS lồng ghép với các hoạt động văn nghệ, nhằm đưa những kiến thức cơ bản SKSS đến với vị thành niên. Sau khi nói chuyện, các chuyên gia sẽ giải đáp một số thắc mắc của học sinh về vấn đề SKSS, đồng thời dành thời gian hỏi để học sinh trả lời.
Trong buổi tuyên truyền, tư vấn trực tiếp mới đây tại Trường Chuyên biệt Hy Vọng Quy Nhơn, các học sinh được tiếp cận với những kiến thức cơ bản về giới tính và SKSS thông qua những trò chơi: rung chuông vàng, xếp hình, chọn phương án đúng qua tranh, kết hợp trong trò chơi thổi và làm nổ bong bóng, cắn quả lê... Bà Huỳnh Thị Kim Anh, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Trẻ khuyết tật cũng trải qua giai đoạn dậy thì với những thay đổi về tâm sinh lý, với các thắc mắc về tình bạn, tình yêu và quan hệ tình dục, sinh con. Nhưng, đối với các trẻ khuyết tật, việc tiếp cận những thông tin này rất khó khăn. Vì thế, chúng tôi cố gắng chắt lọc những kiến thức SKSS cơ bản nhất, lồng ghép vào những hoạt động phù hợp để đến gần hơn với các em”.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, cán bộ truyền thông Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP Quy Nhơn, cho biết: “Điều đáng mừng là các trường đều đã mạnh dạn tổ chức các hoạt động liên quan đến giáo dục SKSS chứ không dè dặt như trước. Đến nay, các trường thuộc khối THCS ở 15 phường, xã trên địa bàn đã tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa về SKSS. Hiện, chúng tôi đang tổ chức chương trình tư vấn tại các trường THPT”.
Lắng nghe bạn trẻ nói
Việc phổ biến kiến thức về chăm sóc SKSS giúp vị thành niên có cái nhìn, hành động đúng đắn để tạo một cuộc sống lành mạnh. Ông Tuấn cho biết thêm: “Gần đây, chúng tôi tiếp nhận nhiều hơn những thắc mắc “khó nói” của các em, như: “Làm thế nào để kìm hãm được sự ham muốn?”, “Cách xử lý bao cao su bị thủng khi quan hệ tình dục?”…”.
Còn chị Phạm Thị Phương Lan, Bí thư Đoàn trường PTDT Nội trú tỉnh, cho biết: “Với đặc thù là trường có đối tượng học sinh là người miền núi và ở nội trú nên việc giáo dục giới tính cho các em rất được chú trọng. Hàng năm, vào tháng 10, chúng tôi đều tổ chức các buổi sinh hoạt về SKSS vị thành niên cho học sinh. Ngoài ra, trong những buổi chào cờ hoặc sinh hoạt nội trú hàng tuần, chúng tôi đều cố gắng lồng ghép, nhắc nhở thêm”.
Xu hướng thường thấy trong việc tìm hiểu, thỏa mãn những tò mò về SKSS, giới tính của học sinh hiện nay là tìm đến internet, nhưng nhiều thông tin chưa được định hướng đúng. Vì thế, những diễn đàn trực tiếp với các chuyên gia tư vấn SKSS tại các trường học trong thời gian qua là hết sức cần thiết.
Bạn Thanh Như, học sinh lớp 10T3, Trường THPT Trưng Vương, chia sẻ: “Những buổi tư vấn như thế này rất bổ ích với chúng tôi. Tuy nhiên, các hình thức tuyên truyền và tư vấn cũng cần đa dạng hơn, dễ nhớ hơn qua ngôn ngữ, hình ảnh, video, trò chơi…”.
Nhiều học sinh cho rằng nên tổ chức thường xuyên hơn hoạt động tư vấn trực tiếp về SKSS trong trường học, với sự tham gia của cán bộ làm công tác dân số. Trao đổi cùng chúng tôi qua cử chỉ, bạn Nguyễn Thị Hồng Thắm, 20 tuổi, học sinh khiếm thính lớp 5-1, Trường Chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn, cho biết: “Những hoạt động ngoại khóa về SKSS rất bổ ích với người khuyết tật, giúp chúng tôi hiểu đúng hơn về các vấn đề liên quan đến giới tính và SKSS. Như tôi, sau hội thi này đã biết “chuyện ấy” tốt nhất khi là vợ chồng”.
Bà Nguyễn Thị Phương Minh, Phó hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương (Quy Nhơn), cho biết: “Chúng tôi biết rằng những hoạt động về giáo dục SKSS hiện nay trong nhà trường chưa thể giải đáp hết những thắc mắc, sự quan tâm về vấn đề giới tính và SKSS của học sinh. Trong thời gian tới, nhà trường sẽ cố gắng tổ chức nhiều hơn những cuộc thi, hay diễn đàn về SKSS trên sóng phát thanh của trường”.
|