“Vườn ươm” những nhà nghiên cứu trẻ
19:50', 30/11/ 2012 (GMT+7)

Xác định nghiên cứu khoa học (NCKH) là hoạt động rất cần thiết và bổ ích với sinh viên, nhiều năm qua, Trường Ðại học Quy Nhơn đã nỗ lực đẩy mạnh hoạt động này.

TS Đinh Công Hướng, Phó Trưởng Phòng Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế (KHCN&HTQT), Trường Đại học Quy Nhơn, cho biết: “Hàng năm, trường xây dựng kế hoạch hoạt động nghiên cứu của sinh viên, bao gồm các nội dung: giao đề tài; triển khai thực hiện; tổ chức đánh giá; tổ chức hội nghị NCKH của sinh viên và các hình thức hoạt động khác như CLB khoa học sinh viên, hội thi nghiệp vụ...; tổ chức xét giải thưởng tài năng khoa học trẻ cấp trường; tuyển chọn đề tài xuất sắc dự Giải thưởng Tài năng khoa học trẻ Việt Nam; xuất bản tập san NCKH sinh viên”.

 

Hàng trăm đề tài nghiên cứu khoa học do sinh viên nhà trường thực hiện có giá trị thực tiễn, được ứng dụng trong học tập và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Trong ảnh: Giờ thực hành của sinh viên khoa Kỹ thuật - Công nghệ.

Trước khi kết thúc mỗi năm học, Trường triển khai việc đăng ký và tuyển chọn đề tài NCKH sinh viên ở các khoa. Vào đầu năm học mới, Phòng KHCN&HTQT bắt đầu tham mưu để Trường tuyển chọn các đề tài dựa trên đề xuất của các khoa. Căn cứ vào kết quả tuyển chọn, Hội đồng Khoa học và Đào tạo các khoa triển khai cho giáo viên hướng dẫn và sinh viên thực hiện đề tài, sau đó nghiệm thu theo đúng kế hoạch.

Năm học 2012-2013, Khoa Tài chính ngân hàng & Quản trị kinh doanh được Trường xét duyệt nhiều đề tài nhất (15 đề tài) so với tất cả các khoa còn lại. TS Hà Thanh Việt, Trưởng khoa Tài chính ngân hàng & Quản trị kinh doanh, cho biết: “Số lượng đề tài nộp lên khoa tăng dần từng năm, chất lượng cũng tốt dần. Ba năm học qua, khoa luôn có đề tài đạt giải Nhất cấp trường cùng 1 giải Ba và 2 giải Khuyến khích cấp Bộ. Đáng mừng là phần lớn sinh viên đăng ký đề tài có nội dung gắn với thực tế địa phương, xoay quanh vấn đề đáng quan tâm như: du lịch, chế biến gỗ, nguồn lao động, kinh tế biển, khu - cụm công nghiệp, cảng biển”.

Không rộn ràng với những đề tài đem lại hiệu quả, ứng dụng dễ thấy, sinh viên các khoa khoa học tự nhiên lặng lẽ hơn với những nghiên cứu đi sâu vào chuyên ngành, nhưng đạt được nhiều thành tích rất đáng nể. Tiêu biểu trong số này là khoa Toán với hàng chục đề tài đoạt giải cao trong các cuộc thi cấp trường và cấp Bộ. Năm 2005, công trình nghiên cứu “Một số vấn đề về giải tích p-ADIC” của sinh viên Lương Đăng Kỳ đã đoạt giải Nhất Cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Bộ. Năm 2010, sinh viên Sư phạm Toán K32 Thái Trung Hiếu giành giải Nhì tại Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Bộ…

Với sự động viên của thầy cô giáo và được Trường tạo điều kiện, từ năm 1991-2012, toàn trường có trên 1.000 đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên, trong đó có 69 đề tài đạt giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Bộ, 15 đề tài đạt Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam (Vifotec).

Thời gian tới, Trường Đại học Quy Nhơn sẽ tiếp tục nỗ lực khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất để thực sự trở thành “vườn ươm” những nhà khoa học trẻ.

  • KIM KHÁNH
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Sáng tạo để trưởng thành  (27/11/2012)
Ngày hội “Thanh niên với văn hóa giao thông”  (25/11/2012)
Hơn 17 tỉ đồng hỗ trợ học sinh, sinh viên 3 huyện nghèo  (25/11/2012)
Thiếu nhi 22 tỉnh sẽ được học kỹ năng phòng, chống thiên tai  (25/11/2012)
Cuộc bứt phá ngoạn mục của Võ Quốc Bảo  (23/11/2012)
Cán bộ đoàn làm kinh tế giỏi  (22/11/2012)
Cổng trường an toàn  (20/11/2012)
Lạ để thành công  (20/11/2012)
Biểu dương 586 sinh viên tiêu biểu  (18/11/2012)
Trao 116 suất học bổng Phạm Văn Trình  (17/11/2012)
Ðể đến gần hơn với học sinh  (17/11/2012)
6 đoàn viên Bình Định được trao giải thưởng Lương Định Của   (17/11/2012)
Trường THPT Quốc Học Quy Nhơn giành vé vào chung kết toàn quốc  (15/11/2012)
Phát huy sức trẻ trong xây dựng nông thôn mới   (14/11/2012)
Hiến máu tình nguyện trong học sinh, sinh viên: Cần những thay đổi  (13/11/2012)