Hiện có nhiều chương trình cho thanh niên (TN) vay vốn như: Chương trình 120, hỗ trợ hộ nghèo, cho vay vốn sản xuất kinh doanh, cho học sinh - sinh viên vay, vay qua chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, hộ TN dân tộc ít người... Lãnh đạo của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và Tỉnh đoàn đều thừa nhận nguồn vốn cho TN vay là không hạn chế. Tuy nhiên, với TN nghèo, đa số đều phàn nàn mức vay còn quá thấp.
Theo ý kiến của một số bí thư xã đoàn thì nhu cầu vay vốn làm ăn của TN ở các xã rất lớn. Tuy nhiên do mức vay thấp, lãi suất lại cao nên số lượng đoàn viên, TN vay qua tổ chức Đoàn không thể bằng được các tổ chức khác trên cùng địa bàn. “Hiện nay, mức cho vay đã tăng lên 7 triệu đồng, cho vay hộ nghèo đến 20-30 triệu còn đỡ, chứ từ năm 2008 về trước TN chỉ vay được 2-3 triệu, thậm chí 5-10 triệu là hiếm lắm”, một bí thư xã đoàn ở huyện Phù Cát bộc bạch.
Nhiều cán bộ Đoàn thừa nhận, việc hỗ trợ TN vay vốn qua tổ chức Đoàn gặp những vướng mắc, khó khăn nhất định. Đầu tiên là TN không có tài sản thế chấp. Nhiều TN sống chung với gia đình và trong gia đình chỉ một người được vay vốn, bởi ngân hàng cho vay để thực hiện nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo cho một hộ gia đình chứ không riêng cá nhân nào. Cái khó thứ hai là do đặc thù tuổi còn trẻ nên TN thường là những người thiếu kinh nghiệm sẽ có nguy cơ đối mặt với rủi ro. Gặp thất bại, nhiều bạn trẻ sẽ nản và nợ ngân hàng cũng khó trả. Cái khó thứ ba là, tổ chức Đoàn cần phải tạo được lòng tin của chính quyền địa phương để giao vốn cho TN.
Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh luôn mong 4 tổ chức chính trị xã hội làm ủy thác có dư nợ bằng nhau nhưng để làm được điều đó, tổ chức Đoàn còn cần phải có những chuyển biến mạnh hơn nữa trong công tác nhận ủy thác, phát huy nội lực của mình. Đặc biệt là các xã ở vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn, vì chưa có tổ tiết kiệm và vay vốn do Đoàn quản lý khiến kết quả nhận ủy thác thấp.
|