Kiến thức từ phần Tiểu dẫn bao gồm giới thiệu về tác giả, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm là nền tảng định hướng học sinh làm tốt bài văn - đó là lý do để thạc sĩ Lê Huy Hoàng (ảnh), Phó hiệu trưởng Trường THPT Lý Tự Trọng, huyện Hoài Nhơn, thực hiện sáng kiến kinh nghiệm thu hút học sinh học môn Văn.
Đề tài sáng kiến kinh nghiệm của thầy Lê Huy Hoàng về “Cách khai thác và tổ chức dạy học phần Tiểu dẫn trong giờ đọc hiểu văn bản ở trường THPT đạt hiệu quả cao” đã gây ấn tượng tốt với hội đồng giám khảo, bởi sự mới mẻ về nội dung và giải pháp đưa ra khá thuyết phục. Ông Đặng Cao Sửu, chuyên viên Sở GD-ĐT, thành viên của Hội đồng giám khảo, cho biết: “Phần Tiểu dẫn làm sáng tỏ những vấn đề liên quan đến văn bản, gợi hứng thú cho học sinh và giúp cho học sinh có những cảm thụ sâu sắc hơn về tác phẩm. Từng là giáo viên và hiện là phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn, thầy Hoàng đã xác định đúng đắn về tầm quan trọng của phần Tiểu dẫn trong tiến trình của tiết dạy đọc hiểu văn bản”.
Theo thầy Hoàng, cần thiết phải khai thác đầy đủ và có chiều sâu những thông tin xoay quanh tiểu sử, sự nghiệp sáng tác văn học của tác giả và thông tin khái quát về văn bản đọc hiểu. Giáo viên hướng dẫn học sinh đọc sách giáo khoa ở nhà và xác định những nội dung cơ bản cần triển khai trong phần Tiểu dẫn, sau đó lập dàn ý về tác giả và tác phẩm vào bài soạn.
Về tác giả, học sinh phải nắm rõ những đặc điểm về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp sáng tác, phong cách nghệ thuật, những đánh giá về tác giả đó. Về tác phẩm là yêu cầu học sinh phải biết rõ hoàn cảnh ra đời, thể loại và những nhận định về nội dung, nghệ thuật của tác phẩm. Trên cơ sở những nội dung cơ bản được đề cập trong phần
Tiểu dẫn, giáo viên xây dựng một hệ thống câu hỏi tái hiện, phát hiện, nêu vấn đề để học sinh lần lượt nắm bắt vấn đề.
Để tạo sự đa dạng, phong phú trong dạy - học, giáo viên có thể dùng những hình ảnh liên quan đến quá trình sống, làm việc của tác giả hoặc chuyển hóa thông tin thành dạng sơ đồ, biểu đồ, hình vẽ, biểu tượng. Các phương pháp này sẽ tránh tình trạng “độc diễn” của giáo viên; đồng thời phát huy tư duy sáng tạo và tích cực hoạt động học tập của học sinh.
Để thu hút học sinh, giáo viên cũng có thể sưu tầm và kể cho học sinh nghe những giai thoại văn học liên quan về tác giả, tác phẩm, hay sử dụng công nghệ thông tin để đưa các đoạn phim liên quan về tác giả và những thông tin cần thiết khác. Ông Đặng Cao Sửu đánh giá, các giải pháp thầy Hoàng đưa ra có thể áp dụng cho tất cả học sinh, giúp phần chuẩn bị bài có hiệu quả góp phần giải mã tác phẩm đúng và sâu sắc hơn. Giáo viên phổ thông có thể sử dụng sáng kiến này như một tài liệu phục vụ giảng dạy vì dễ áp dụng và có hiệu quả cao.
nhiều năm qua, Trường THPT Lý Tự Trọng đã áp dụng cách khai thác dạy Tiểu dẫn, giúp học sinh đạt kết quả tốt nghiệp môn Văn. Năm nào, Trường cũng có học sinh giỏi cấp tỉnh, được chọn vào đội tuyển Văn tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi toàn quốc.
|