Phương pháp dạy học tích cực luôn đề cập đến việc lấy học sinh làm trung tâm, nhưng trên thực tế, học sinh ngày càng lười phát biểu xây dựng bài. Hầu như cả buổi học sinh chỉ chăm chú lắng nghe và ghi chép, thi thoảng trả lời đồng thanh theo kiểu “hiểu” hoặc “chưa”.
Khá nhiều giáo viên than thở, ở nhà học sinh không chịu xem bài trước, không làm bài tập nên lười phát biểu. “Có khi hỏi tới hỏi lui 2-3 lần vẫn không có cánh tay nào giơ lên. Tôi phải tự trả lời và tiếp tục bài giảng đến hết tiết. Là một giáo viên trẻ, tôi luôn mong có sự cộng hưởng trong quá trình dạy-học, nhưng thực tế học sinh cứ ngồi im thin thít. Vậy mà giờ ra chơi, tôi để ý thấy các em bàn tán sôi nổi chuyện sao này sao nọ, vụ đánh ghen quay clip trên mạng nọ mạng kia, cảm giác hụt hẫng và thất vọng tràn ngập”, một thầy giáo trẻ chia sẻ.
Theo nhiều nghiên cứu, việc lười phát biểu dễ nảy sinh tâm lí thụ động, lâu ngày tạo thành thói quen thiếu tự tin, hạn chế tính tư duy sáng tạo của người học. Theo đó, trí nhớ giảm sút, học lực giảm, không phát huy ưu điểm, khắc phục được nhược điểm, thậm chí còn ảnh hưởng đến khả năng diễn đạt, giao tiếp, ứng xử của học sinh trong cộng đồng.
Một số giáo viên có thâm niên cho rằng, học sinh không phát biểu trong giờ học có phần lỗi lớn thuộc về giáo viên vì đã không khơi gợi, giúp các em năng động, hưng phấn. Vẫn còn không ít giáo viên chưa thật tự tin với vốn kiến thức chuyên môn, vốn sống, thậm chí “ngại” học sinh vặn vẹo, lỡ mình “bí” sẽ bị “quê độ’, nên tìm cách hướng học sinh vào luồng câu hỏi đã đặt sẵn. Thực tế, rất ít thầy cô sẵn lòng cho học sinh trao đổi thẳng thắn ý kiến, quan điểm của mình về bài học, và vui vẻ chấp nhận cách suy nghĩ khác không đúng với ý mình.
Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đưa ra một số đề thi với đáp án “mở”, khuyến khích cách chấm “mềm dẻo”. Thiết nghĩ, ngay trong từng tiết học, học sinh phải được cởi mở bày tỏ quan điểm thì khi làm bài thi, nhất là với các đề thi “mở”, mới tự tin chia sẻ ý kiến của mình. Thầy cô phải tích cực trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, đầu tư cho chất lượng các bài giảng trước khi lên lớp, tự tin đứng trước học sinh, cởi lòng đón nhận những ý kiến trái chiều từ học sinh. Ngược lại, học sinh phải tự giác thực hiện nghĩa vụ học tập của mình, xem việc phát biểu xây dựng bài là nghĩa vụ và quyền lợi của mình. Có như vậy, mới mong hạn chế được những tiết học chỉ mình thầy “độc giảng”, học sinh ngồi im thin thít…
|