Tuổi trẻ Cát Sơn (Phù Cát):
Mở hướng làm giàu từ vùng đất khó
21:37', 7/2/ 2012 (GMT+7)

Những năm gần đây, xã miền núi Cát Sơn, huyện Phù Cát, có những bước chuyển mình mạnh mẽ; nền kinh tế và đời sống người dân ngày càng phát triển. Để có được những bước đi ấy, ngoài nỗ lực chung của chính quyền và nhân dân, phải kể đến những đóng góp tích cực của lực lượng thanh niên ở địa phương.

 

Chăm sóc cây đậu phụng xen canh với cây dưa ở Cát Sơn (Phù Cát).  Ảnh: V.LƯU

 

Về Cát Sơn hôm nay, chúng tôi nhận thấy nhiều đổi mới đáng kể với màu xanh của những vườn cây, đồng lúa, những cánh đồng hoa màu đang kỳ ra hoa kết trái… Tất cả đang tạo nên Cát Sơn một diện mạo mới. Anh Nguyễn Kim Chung, Bí thư xã Đoàn Cát Sơn, cũng là một thanh niên làm kinh tế giỏi ở địa phương, cho biết: “Với đặc thù là xã miền núi còn nhiều khó khăn, đa số thanh niên đều muốn đến các khu công nghiệp, thành phố lớn để học tập và tìm việc làm nên công tác vận động, tập hợp thanh niên tham gia hoạt động Đoàn gặp nhiều khó khăn. Do đó, để thu hút thanh niên đến với tổ chức Đoàn và tham gia tích cực vào các hoạt động thì trước hết phải tạo điều kiện để thanh niên ổn định về việc làm và kinh tế. Từ đó, xã Đoàn đã phối hợp với các hội, đoàn thể ở địa phương tạo điều kiện cho thanh niên vay vốn để phát triển kinh tế thông qua các nguồn vốn từ ngân hàng chính sách xã hội và tiếp cận khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất…”.

Từ sự quan tâm của Đoàn, nhiều thanh niên Cát Sơn đã mạnh dạn đầu tư vốn và tích cực học tập, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất như nuôi heo hướng nạc, nuôi gà ta, nuôi cá lồng trong hồ chứa nước Hội Sơn, trồng ớt, đậu phụng…, tạo việc làm ổn định và đem lại thu nhập khá. Ngoài ra, xã Đoàn còn thành lập các tổ hội thanh niên làm kinh tế như hội chăn nuôi, hội trồng trọt để thanh niên có điều kiện gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm hay trong làm ăn. Đến nay, toàn xã có trên 30 hộ thanh niên làm kinh tế có hiệu quả với mức thu nhập từ 50 - 100 triệu đồng/năm, cá biệt có hộ thu nhập trên 250 triệu đồng/năm và không còn hộ thanh niên nghèo.

Tiêu biểu trong phong trào tuổi trẻ làm kinh tế giỏi ở Cát Sơn có anh Trần Thanh Tuấn, với mô hình nuôi heo gia trại, mỗi năm từ 2 đến 3 lứa, mỗi lứa thả nuôi 200 con trong thời gian từ 3 đến 4 tháng. Nhờ áp dụng KHKT vào chăn nuôi và tuân thủ đúng các quy trình tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại nên đàn heo của anh luôn phát triển ổn định, sau khi trừ chi phí, với giá bán hiện nay mỗi lứa anh Tuấn thu lãi trên 100 triệu đồng. Ngoài nuôi heo, anh còn nuôi 2.000 con gà ta theo hình thức nuôi nhốt trong vườn nhà và cho ăn thức ăn công nghiệp, sau khi trừ chi phí mỗi năm cũng đem lại cho anh lợi nhuận trên 60 triệu đồng. Nhờ đó, mỗi năm gia đình anh có tổng thu nhập trên 250 triệu đồng, đời sống gia đình ngày càng được cải thiện. Anh Phan Văn Trung thả nuôi 4 heo nái hướng nạc và số heo con đẻ ra anh để lại nuôi. Với mỗi năm nuôi từ 2 đến 3 lứa, mỗi lứa từ 30 đến 40 con trong thời gian từ 3 đến 4 tháng, sau khi trừ chi phí, mỗi lứa heo anh Trung thu lãi từ 20 đến 28 triệu đồng. Mới đây, anh cùng với các thanh niên khác trong Hội chăn nuôi - phát triển kinh tế thả nuôi cá điêu hồng trong lồng tại hồ chứa nước Hội Sơn, bước đầu đem lại kết quả khả quan với mức thu nhập mỗi người khoảng 20 triệu đồng/năm. Nhờ vậy, mỗi năm gia đình anh Trung có tổng thu nhập từ 70 đến 100 triệu đồng, cuộc sống ngày càng ổn định và phát triển.

Ngoài chăn nuôi, phát huy lợi thế về đất đai của địa phương, nhiều thanh niên ở Cát Sơn còn phát triển kinh tế có hiệu quả thông qua các mô hình trồng trọt như trồng ớt, đậu phụng… Anh Nguyễn Đình Thủy ở thôn Hội Sơn với 15 sào đất trồng luân canh lúa, ớt và đậu phụng mỗi năm thu lãi từ 50 đến 100 triệu đồng. Nhờ đó, anh có điều kiện cho các con ăn học đầy đủ và cuộc sống ngày càng ổn định.

Làm gì để thoát nghèo và làm giàu ngay trên quê mình là suy nghĩ của nhiều gia đình trẻ ở Cát Sơn hiện nay. Kinh nghiệm của các bạn trẻ ở đây là để phát triển kinh tế ở nông thôn cần phải có tinh thần cầu tiến, cần cù, sáng tạo, dám nghĩ dám làm; phải biết đoàn kết, phát huy sức trẻ đưa các tiến bộ KHKT vào sản xuất để làm giàu chính đáng. Điều đáng nói là khi có việc làm ổn định, kinh tế được nâng cao, đoàn viên thanh niên Cát Sơn càng có thêm điều kiện để gắn bó với tổ chức Đoàn, đây cũng là cái gốc của các phong trào tuổi trẻ ở địa phương.

Cát Sơn hiện có 122 đoàn viên thanh niên làm kinh tế và tham gia sinh hoạt tại 6 chi đoàn thôn, cơ quan, trường học; trong đó, gần 31% là đảng viên trẻ. Với những kết quả đã đạt được trong các hoạt động Đoàn và phát triển kinh tế, nhiều năm liền xã Đoàn Cát Sơn được công nhận vững mạnh toàn diện và có nhiều cá nhân tiêu biểu được cấp trên khen thưởng.

  • Trường Giang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cậu học trò vượt khó học giỏi   (06/02/2012)
Nhiều hoạt động thanh niên hưởng ứng “Năm An toàn giao thông - 2012”  (06/02/2012)
Nghĩ về mối quan hệ thầy - trò hiện nay   (03/02/2012)
Chàng sinh viên năm tốt  (01/02/2012)
Ghi chép từ những mái nhà nhân ái  (02/02/2012)
Trở về từ “mê cung” game bạo lực  (01/02/2012)
Em bé Việt Nam đoạt giải nhất một cuộc thi vẽ toàn cầu  (31/01/2012)
Dạy chữ lễ từ những điều nhỏ  (30/01/2012)
Con gái đất Võ  (29/01/2012)
Những người trẻ làm chủ cuộc sống  (28/01/2012)
Những không gian cà phê Quy Nhơn  (25/01/2012)
Lính trẻ giữ biển  (25/01/2012)
Vui Xuân tình nguyện  (24/01/2012)
Thay đổi đơn vị chủ trì việc tuyển sinh  (23/01/2012)
Tặng bánh tét cho người có hoàn cảnh khó khăn  (21/01/2012)