Viết cho Ngày Valentine
14:27', 14/2/ 2012 (GMT+7)

Ba tôi đi đó đây, đọc sách và nhiều hiểu biết. Má tôi một đời chưa ra khỏi làng, chỉ biết sinh chục đứa con lưng rộng vai dài. Chị em nhà tôi bao giờ về cũng có thứ gì đó để kể cho nhau nghe về má, về cái lơ ngơ của một bà mẹ nông thôn chất phác quê mùa. Nghĩ về cái tình lớn, về lòng chung thủy của ba má, nhiều lần tôi vẩn vơ rằng đó có thể gọi là tình yêu không?

 

1.

Ba má tôi có đến mười đứa con, tôi con trai lớn, sau chị hai. Mười đứa con giờ đã có gia đình. Thằng em thứ năm và thằng út cất nhà trong khu vườn gia đình. Ngày ngày có mấy đứa cháu qua lại với ông bà, còn thì căn bản ba má tôi vẫn là vợ chồng già lo cho nhau. Tôi sống cách nhà vài cây số, năm mười bữa chạy về thăm. Khi nghe má ca cẩm, ba mầy già rồi khó tính…, lúc thấy ba lui cui nấu bếp, hỏi má đâu nói chiều giờ đau, lạnh cóng nằm trong nhà. Ông vừa kết hợp bỏ bếp lửa. Vô thấy má tôi đắp mền, rên đau nhức toàn thân. Biết chứng đau khớp kinh niên lại bị nhiễm lạnh của má, tôi vài lời động viên, kèm chậu lửa ấm, lát sau bà đỡ hẳn. Mừng vì ba má tôi còn lo được cho nhau. Có lúc ba tôi kể, đêm má mầy nằm ngủ gác chân qua người, mỏi nhừ mà cứ ráng chịu, sợ gỡ ra bả mất giấc.

Con gái tôi đang học mấy tháng nữa là ra trường ở Hà nội. Có vài hướng việc làm ngoài đó. Và những đứa bạn trai của nó. Hỏi, nó bảo con đang xem lại, hắn với bao thứ lễ lộc, gì cũng lễ lễ, con đang có ý muốn chấm thằng khác. Chỉ biết nói với con gái rằng, chuyện riêng tư không ai có kinh nghiệm hơn ai cả, nhà mình tự do quen rồi, con xem thử nếu bạn trai con là trong môi trường chung chuyện lễ cúng của người xứ Bắc thì đừng quá xét nét. Đành rằng thằng đàn ông mà quá nặng chuyện lễ cúng đến mê tín thì ớn thật, nhưng nếu chỉ là gia phong, tập tục vùng miền thì không nên lấy nhà mình quá thoải mái mà soi. Con tôi bảo sẽ chọn chồng khi xác định ổn định nơi ở, việc làm. Có thể nó chưa thật yêu chăng?

Ba má tôi sống với nhau tới giờ mười mặt con và còn chăm sóc nhau tuổi già, khi xuất phát ban đầu từ mai mối mà đến với nhau. Con gái tôi chuyện chọn bạn trai hoàn toàn là tự do, thậm chí thế hệ nó giờ còn có thể sống thử, kiểu tiền hôn nhân. Những biểu hiện về tình cảm với “người kia” của mình đương nhiên rất khác nhau. Nhưng dù khác, chuyện của ba má tôi và con gái tôi cũng là các quan hệ nam nữ mọi thời. Quan hệ nam nữ mọi thời và chữ tình yêu hợp thời bây giờ có phải là như nhau không?

2.

Như đã nói nhà tôi đông anh chị em, trai gái, dâu rể. Vì là con trai lớn, tôi hầu như phải có mặt mọi nhà mỗi khi ở đó có chuyện lục đục, căng thẳng lớn. Có mâu thuẫn đời sống, có thoảng chuyện ngoài chồng ngoài vợ. Cũng cố phân tích, hòa giải chứ làm sao? Có cặp gần như mỗi tuần một chuyện, riết rồi đỡ lo khi nghe điện báo. Rồi thành quen, nghĩ nếu đến lúc không lục đục, không ầm ĩ nhau chắc chúng sẽ ly dị thiệt chứ không như mấy lần rồi.

Đến giờ chưa gia đình đứa em nào rã đám. Tôi hiểu chuyện nhà các em tôi và lần này tôi không đặt câu hỏi về tình yêu. Hình như con người, nam và nữ, còn có thể gắn kết với nhau không nhất thiết phải gọi tên là có tình yêu hay không.

Nhưng sách vở xưa nay viết nhiều về những cuộc tình đẹp, cả trăm năm, ngàn năm rồi vẫn thấy đẹp. Những đinh ninh lời thề. Những tái hợp lộng lẫy qua bao thử thách. Và những nghịch cảnh, có đôi tự tận để được cùng nhau ở thế giới khác. Chắc là quá cần nhau nên họ chọn cách đó, chứ hẳn chưa ai biết thế giới ấy.

Phải đó là tình yêu không?

3.

Có những lý giải xưa giờ còn gắn con người ta với nhau: duyên và nợ. Rằng không duyên thì vì là nợ nên không thể rời nhau, chuyện nhì nhằng có màu sắc tôn giáo về kiếp trước. Chuyện nợ, vay trả hẳn không là yêu rồi. Có thể giải thích rằng đó là một cách tự an ủi mình để thích nghi với người bất như ý không? Và nếu vậy thì không có tình yêu người ta vẫn sống được cùng nhau bằng cách gắn kết khác, có tên là cam chịu, chấp nhận, gọi rộng hơn một cách tội nghiệp là phận, số. Đã nói đến phận, số, hẳn đời sống ấy nhiều buồn.

Vậy nên có ngày tình nhân, ngày tôn vinh tình yêu chăng?

Cái ngày của người bên Tây dẫu gì cũng đã và đang được dân ta nhanh chóng tiếp nhận, vì Tây, ta gì cũng chung chuyện đàn ông đàn bà. Và đã thành ngày để con người thể hiện tình cảm. Ngày của những bó hoa đẹp, của những món quà xinh và những cuộc đi chơi có ý nghĩa.

Có thể sau ngày đó chẳng vui, chẳng đi đến đâu một cuộc tình. Nhưng bông hoa và lời nói đẹp, hành xử đẹp cũng thật cần. Ai cũng cần, dù một ngày để nhẹ nhàng, để vui.

Bạn tôi, một nhà thơ xứ Quảng thường nói vui về các cuộc tình. Kể theo kiểu: mối tình đầu đầu tiên, mối tình đầu thứ hai, v.v… đến mối tình đầu cuối cùng; rồi, mối tình giữa đầu tiên, mối tình giữa thứ hai, thứ năm…, kể mãi mới đến mối tình giữa cuối cùng…, mối tình cuối đầu tiên, mối tình cuối thứ hai, vân vân… Lời kể hẳn sẽ không có mối tình cuối cuối cùng. Một cách nói vui, về số từ và tình yêu. Một kiểu giỡn- diễu cho quan niệm ai đó thường nhắc lại đinh ninh tình yêu chỉ có một, còn lại là na ná tình yêu chứ không phải yêu.

4.

Tôi đã kể về người thân, về bạn bè với những quan sát chứ không thể biết tình yêu hình vóc ra sao và có hiện diện trong đời sống họ không. Tôi chỉ tin rằng tình yêu chỉ có cùng ý nghĩ. Ai nghĩ đến tình yêu thì sẽ cảm được có hay không, theo cách của mình, niềm tin của mình. Như ba tôi sợ má tôi thức giấc nếu gỡ chân bà đang gác nặng trên người chắc là một biểu hiện của tình yêu ở tuổi bảy mấy. Đương nhiên bạn và tôi, con tôi sẽ có những biểu hiện khác.

Dẫu gì, người nam người nữ luôn cần nhau, và cần những hành vi, lời nói đẹp cho nhau. Xin chúc mọi người, và chúc tôi, ngày Valentine, ngày tình yêu, có những giây phút đẹp với người mình yêu thương, dù chỉ lời nói hay ý nghĩ.

  • LÊ HOÀI LƯƠNG
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nơi “ươm mầm” học sinh giỏi   (13/02/2012)
Nỗ lực giành thành tích mới  (13/02/2012)
30 học sinh tham dự Kỳ thi giải Toán trên máy tính cầm tay cấp quốc gia  (10/02/2012)
Cả thầy và trò cùng hào hứng tham gia  (09/02/2012)
Mở hướng làm giàu từ vùng đất khó  (07/02/2012)
Cậu học trò vượt khó học giỏi   (06/02/2012)
Nhiều hoạt động thanh niên hưởng ứng “Năm An toàn giao thông - 2012”  (06/02/2012)
Nghĩ về mối quan hệ thầy - trò hiện nay   (03/02/2012)
Chàng sinh viên năm tốt  (01/02/2012)
Ghi chép từ những mái nhà nhân ái  (02/02/2012)
Trở về từ “mê cung” game bạo lực  (01/02/2012)
Em bé Việt Nam đoạt giải nhất một cuộc thi vẽ toàn cầu  (31/01/2012)
Dạy chữ lễ từ những điều nhỏ  (30/01/2012)
Con gái đất Võ  (29/01/2012)
Những người trẻ làm chủ cuộc sống  (28/01/2012)