Ngoài việc đào tạo nghề dài hạn cho công nhân kỹ thuật, những năm gần đây, Trường Cao đẳng nghề Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung bộ (xã Cát Hanh, huyện Phù Cát) còn chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là lao động ở vùng sâu, vùng xa…
Nâng cao chất lượng
Những năm qua, Trường Cao đẳng nghề Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung bộ đã đào tạo và cung ứng cho xã hội hàng ngàn công nhân kỹ thuật và hàng vạn học viên ngắn hạn (các lớp sơ cấp nghề và đào tạo nghề cho nông dân). Hiện nay, Trường đang triển khai đào tạo trên 20 nghề thuộc các lĩnh vực như: nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi, cơ khí, cơ điện, xây dựng, chế biến, công nghệ thông tin, công nghệ ô tô và các nhóm nghề kế toán - quản trị doanh nghiệp. Theo thống kê, mỗi năm, 90% học viên, sinh viên của Trường sau khi tốt nghiệp tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm với thu nhập cao, ổn định. Đặc biệt, những ngành như: xây dựng, hàn, kỹ thuật sắt, chế biến gỗ… số lao động đào tạo ra không đủ đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp.
|
Học viên nghề xây dựng ra nghề không đủ cung ứng cho các doanh nghiệp. Ảnh: N. PHÚC |
Trong quá trình đào tạo, Trường đã tập trung đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, đa dạng hóa phương thức đào tạo và gắn đào tạo với doanh nghiệp, địa phương và địa bàn sử dụng như: đào tạo tập trung, đào tạo tại cơ sở sản xuất, đào tạo tại địa phương theo nhu cầu và theo địa chỉ sử dụng. Hiện tại, Trường đã ký kết hợp đồng đào tạo và cung ứng lao động cho một số doanh nghiệp; đưa học viên đến thực tập sản xuất gắn với giải quyết việc làm sau khi tốt nghiệp tại Tổng Công ty Sông Đà, Công ty cổ phần Xây dựng 47…
Mới đây, Trường được Bộ NN-PTNT phê duyệt dự án đầu tư nghề trọng điểm giai đoạn 2011-2015, với tổng vốn đầu tư gần 366 tỉ đồng. Theo đó, 5 nghề trọng điểm được xác định ưu tiên đầu tư chất lượng cao gồm: Công nghệ ô tô đạt chuẩn quốc tế, Công nghệ sinh học và Vận hành máy thi công nền đạt chuẩn ASEAN, Lâm sinh và Khảo sát địa hình đạt chuẩn quốc gia.
Dạy nghề cho lao động nông thôn
Ngoài đào tạo nghề dài hạn, những năm gần đây, Trường còn chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tập trung là lao động ở vùng sâu, vùng xa thuộc hai tỉnh Bình Định và Gia Lai. Chỉ riêng năm 2011, tại Gia Lai, Trường đã đào tạo được 1.041 lao động nông thôn, trong đó có 931 lao động là đồng bào dân tộc thiểu số. Tại Bình Định, Trường đã đào tạo cho 386 lao động nông thôn (trong đó khoảng 50% là đồng bào dân tộc thiểu số) tại hai huyện Vân Canh và Vĩnh Thạnh. Các nghề được đào tạo cho lao động nông thôn gồm: điện nông thôn; sửa chữa máy nông nghiệp; sửa chữa xe gắn máy; xây dựng; chăn nuôi, thú y; trồng, chăm sóc và thu hoạch cao su; trồng, chăm sóc và thu hoạch cà phê; trồng trọt, bảo vệ thực vật (trồng rau sạch, trồng nấm); mộc dân dụng; lâm sinh; nuôi cá nước ngọt; trồng lúa nước...
Ông Phan Văn Thoại, Phó Phòng đào tạo, Trường Cao đẳng nghề Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung bộ, cho biết: Trong công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, do Trường ở xa địa bàn các huyện, nên việc tuyển sinh, rồi giảng dạy, ăn ở, sinh hoạt, đi lại của giáo viên còn nhiều khó khăn. Các lớp học hầu hết được tổ chức lưu động tại thôn, làng; đa số học viên là người dân tộc thiểu số, trình độ học vấn không đồng đều nên việc tiếp thu bài giảng còn hạn chế. Tuy nhiên, Trường đã nhận được sự ủng hộ của các phòng LĐ-TB&XH các huyện, tạo điều kiện cho việc mở, tổ chức đào tạo các lớp học trên địa bàn. Các hội đoàn thể ở các xã vùng sâu, vùng xa cũng rất tích cực trong tuyên truyền, vận động người dân đi học. Học viên cũng rất tích cực, hăng say trong học tập, biết khắc phục khó khăn để tiếp thu kiến thức, kỹ năng, với thái độ nghiêm túc, cầu tiến.
Theo ông Thoại, điều quan trọng là sau khi hoàn thành lớp học, các lao động nông thôn được đào tạo đã tìm được việc làm hoặc sử dụng kiến thức, kinh nghiệm học được để phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập, làm giàu cho gia đình.
|