Không lâu nữa, 20 xã thuộc ba huyện miền núi Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão sẽ có những tân phó chủ tịch UBND xã trẻ. Họ là những thanh niên trí thức đăng ký tham gia và đã được chọn vào Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm phó chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo cả nước.
|
Các trí thức trẻ chụp ảnh cùng Hội đồng Tuyển chọn đội viên Dự án của tỉnh, tại buổi gặp mặt do Hội đồng tổ chức, trước khi lên đường tham gia lớp bồi dưỡng tại Quảng Ngãi. |
Phó chủ tịch UBND xã tuổi 30
Theo Dự án phê duyệt, tỉnh Bình Định được bố trí tăng cường 20 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tình nguyện về làm phó chủ tịch UBND tại 20 xã thuộc 3 huyện nghèo của tỉnh: Vân Canh, Vĩnh Thạnh và An Lão. Sau khi triển khai dự án (tháng 5.2011), Hội đồng Tuyển chọn tỉnh đã tiến hành các bước thu nhận hồ sơ, sơ tuyển, phỏng vấn và đã chọn được 20 đội viên đáp ứng yêu cầu dự án. Hội đồng đã gởi danh sách ứng viên trúng tuyển về Ban quản lý Dự án, Bộ Nội vụ để thẩm định kết quả. Căn cứ kết quả thẩm định này, ngày 7.3.2012, Chủ tịch UBND tỉnh đã ra quyết định phê duyệt danh sách 20 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm phó chủ tịch UBND các xã thuộc 3 huyện nghèo: Vân Canh (tuyển chọn 5 đội viên), Vĩnh Thạnh (chọn 7) và An Lão (chọn 8). Trong số 20 đội viên được tuyển chọn, có 5 đội viên là người dân tộc H’rê, Bana và Chăm; 5 đội viên là nữ. Đội viên nhiều tuổi nhất là 28 tuổi và trẻ nhất là 23 tuổi.
Ngày 8.3, tại Sở Nội vụ, Hội đồng Tuyển chọn tỉnh đã tổ chức gặp mặt và đưa 20 đội viên đi bồi dưỡng tại tỉnh Quảng Ngãi. Tại buổi gặp mặt, đại diện Hội đồng Tuyển chọn của tỉnh đã đọc quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt danh sách 20 trí thức trẻ, phân công đội viên làm tổ trưởng, tổ phó và dặn dò các đội viên những nội dung cần lưu ý trong quá trình bồi dưỡng kiến thức cũng như đi thực tế.
Bắt đầu từ hôm nay (ngày 9.3), các đội viên được tuyển chọn sẽ tham gia lớp bồi dưỡng các kiến thức về quản lý nhà nước trong một tháng rưỡi, do Bộ Nội vụ tổ chức tại Quảng Ngãi. Sau đó, trong khoảng 5 tuần, các đội viên đi thực tế tại các xã dự kiến sẽ được phân công về làm phó chủ tịch UBND xã.
|
Các trí thức trẻ ưu tú được tuyển chọn tăng cường làm phó chủ tịch UBND tại 20 xã thuộc 3 huyện nghèo của tỉnh. |
Cơ hội thử sức trẻ
Gương mặt tươi sáng, trò chuyện nhỏ nhẹ, đó là đội viên Trần Thị Trang, 26 tuổi, người dân tộc Chăm, quê ở huyện Vân Canh. Chị Trang đã tốt nghiệp đại học ngành kinh tế nông nghiệp. Trước khi đăng ký tham gia Dự án, chị là nhân viên văn phòng UBND xã Canh Hiệp (huyện Vân Canh). Nói về quyết định tham gia Dự án, chị Trang bộc bạch: “Khi tôi đăng ký tham gia, các đồng nghiệp tôi ủng hộ song gia đình thì có hơi băn khoăn, vì sợ con gái phải vất vả. Cũng có lúc tôi định rút lui vì nghĩ đến những khó khăn, nhưng rốt cục, tôi vẫn quyết định tham gia vì nghĩ đây là cơ hội tốt cho mình học tập, tích lũy kinh nghiệm, phát triển bản thân. Ngoài ra, tôi còn muốn đóng góp chút gì đó cho quê hương mình”.
Cũng như hầu hết các đội viên được tuyển chọn, trước khi đăng ký dự tuyển để trở thành phó chủ tịch UBND một xã miền núi của tỉnh, anh Trần Trọng Kim, 27 tuổi, quê ở xã Vĩnh Thịnh (huyện Vĩnh Thạnh) đã có công việc ổn định. Công tác tại Sở Thông tin - Truyền thông, làm việc đúng chuyên môn, nhưng anh Kim vẫn quyết định tham gia Dự án, bởi như anh nói, anh hiểu nỗi vất vả, khó khăn của người dân miền núi quê mình, đó là thiếu thốn thông tin về mọi mặt và anh muốn góp phần thay đổi điều đó. Nhận thấy đã có những dự án đưa thông tin về miền núi nhưng không phát huy hiệu quả bởi cơ sở hạ tầng và nhân lực công nghệ thông tin tại địa phương còn hạn chế, anh Kim ấp ủ dự định áp dụng những kiến thức mình đã học để giúp người dân có điều kiện cập nhật thông tin, trong đó có những thông tin về tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp; đồng thời, đưa thông tin về đất và người Vĩnh Thạnh đi xa hơn, đưa sản phẩm đặc sản quê mình ra thị trường bằng thương mại điện tử. Khi được hỏi suy nghĩ về chức danh khá “oách” - phó chủ tịch UBND xã - anh Trần Trọng Kim đáp: “Tôi nghĩ, đã làm công chức nhà nước thì là để đóng góp, còn chức danh chỉ là vị trí công tác được giao để giúp mình làm tốt công việc hơn mà thôi”.
Tuy mới tốt nghiệp Trường Đại học Quy Nhơn ngành nông học năm 2011 và đi làm chưa bao lâu, song anh Phan Trọng Thảo, 26 tuổi, ở phường Nhơn Bình (TP Quy Nhơn) tự tin nói rằng, những năm tháng được tôi rèn trong quân ngũ đã giúp anh trưởng thành hơn trong cuộc sống, và điều đó thật sự có ích khi anh trở thành phó chủ tịch UBND xã trong tương lai. Quê ngoại ở Vân Canh, có hiểu biết nhiều về vùng đất này nên anh Thảo đăng ký làm việc tại Vân Canh. Anh Thảo tâm sự: “Nếu được làm phó chủ tịch UBND xã là vinh dự cho tôi. Tôi tự nguyện tham gia Dự án, mong góp phần để phát triển quê hương mình”. Khi được hỏi có ngại không nếu được phân công về xã xa trung tâm huyện, anh cười: “Tôi đã bỏ phố lên núi rồi thì đi đâu cũng chấp nhận hết”.
Một điểm chung dễ nhận thấy ở những thanh niên trí thức tình nguyện được tuyển chọn để tăng cường về làm phó chủ tịch UBND tại 20 xã thuộc 3 huyện nghèo trong tỉnh là tinh thần cống hiến, khát khao làm việc, không ngại khó khổ, để thử sức và khẳng định mình.
|