|
Tại hội thảo, các bạn thanh niên mạnh dạn đưa ra các câu hỏi liên quan đến việc thực hiện các đề án triển khai sáng kiến của mình. |
Ngày 27.4, Tỉnh đoàn phối hợp với Văn phòng điều phối Biến đổi khí hậu (BĐKH) tỉnh tổ chức Hội thảo Kêu gọi sáng kiến thanh niên về thích ứng với BĐKH trên địa bàn TP Quy Nhơn. Đây là cơ hội các đại diện thanh niên gặp gỡ, chia sẻ những kiến thức, hiểu biết, cùng suy nghĩ và chung tay đối phó với BĐKH.
Nâng cao nhận thức
Tại hội thảo, Ban tổ chức chương trình đã dành khoảng 30 phút để chị Vũ Thị Mỹ Hạnh, cán bộ Văn phòng điều phối BĐKH và tiến sĩ Lương Thị Vân, Trường Đại học Quy Nhơn, truyền đạt đến 140 thanh niên tham gia kiến thức về BĐKH. Thông tin đáng lưu ý là hiện nay, dân số tại các đô thị ngày càng tăng. Chỉ trong vòng một thập kỷ, hơn 500 thành phố có mức dân số vượt ngưỡng 1 triệu người và 7 thành phố tại các quốc gia đang phát triển có số dân hơn 20 triệu người. Mạng lưới các thành phố châu Á có khả năng chống chịu với Biến đổi khí hậu (ACCCRN) muốn hướng tới việc thu hút nhiều hơn sự quan tâm, nguồn kinh phí và hành động để nâng cao năng lực ứng phó với tác hại thiên nhiên cho những người nghèo và dễ bị tổn thương, bằng cách tạo ra những mô hình và phương pháp để đánh giá, xác định những rủi ro, huy động sự tham gia tích cực của nhiều thành phần xã hội.
Tiến sĩ Lương Thị Vân cho biết: “Những hậu quả tàn khốc nhất của BĐKH sẽ hiển hiện trong 10-50 năm tiếp theo. Thanh niên ngày nay là những người sẽ chịu tác động mạnh nhất trong tương lai, do đó họ có quyền và trách nhiệm tham gia vào quyết định và hành động trong hiện tại nhằm xây dựng, nâng cao khả năng thích ứng của địa phương”.
Tổ chức ACCCRN sẽ chọn lựa từ 5 – 10 sáng kiến để tài trợ thực hiện. Những sáng kiến sẽ xoay quanh 6 chủ đề chính: trực tiếp hỗ trợ một cộng đồng nghèo hoặc dễ bị tổn thương bởi BĐKH nhằm đề ra các giải pháp; những biện pháp thích ứng với BĐKH đang được triển khai; thực hiện tăng cường hiệu quả những biện pháp thích ứng với BĐKH; hoạt động nhằm tạo thêm giá trị cho dự án; truyền thông về những vấn đề thích ứng với BĐKH; khởi động sáng kiến để có thể triển khai và sử dụng khi kết thúc thời gian tài trợ.
Môi trường và biến đổi khí hậu là hai lĩnh vực gắn kết với nhau. Chính thái độ ứng xử với môi trường của con người đã gây ra BĐKH. Và năm nay, nhằm huy động các sáng kiến cộng đồng để đối phó với nguy cơ vừa cấp bách, vừa lâu dài này của Việt Nam, chương trình nhằm kêu gọi các ý tưởng sáng kiến của thanh niên nhằm ứng phó với BĐKH.
Theo chị Mỹ Hạnh, để dễ dàng lọt qua vòng tuyển chọn của chương trình, các sáng kiến của thanh niên nên tập trung vào các chủ đề như giảm thiểu tác động của BĐKH; thích ứng với BĐKH; các hoạt động khác như lồng ghép vấn đề BĐKH vào công tác lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương, phát triển nguồn nhân lực và nghiên cứu về vấn đề này, các biện pháp nâng cao nhận thức, phổ biến kiến thức…
Cùng hành động
Trong các năm qua, thanh niên ở TP Quy Nhơn đã có nhiều sáng kiến vì môi trường như: “Các giải pháp tăng cường đấu nối nước thải sinh hoạt hộ gia đình vào hệ thống nước thải TP Quy Nhơn” của Thành đoàn Quy Nhơn; công trình thanh niên về vệ sinh môi trường với mô hình “Bờ biển sạch từ trong ý thức cộng đồng” của Đoàn phường Nguyễn Văn Cừ...
Ngay trong buổi hội thảo, các bạn thanh niên tham gia chương trình đã được Ban tổ chức lập thành các nhóm nhỏ để cùng nhau thảo luận, trình bày các ý tưởng của bản thân. Đã có nhiều sáng kiến được các bạn trẻ TP Quy Nhơn đưa ra như: Xây nhà tránh bão; sử dụng xăng sinh học, năng lượng mặt trời; sử dụng hiệu ứng nhà kính; trồng rừng phòng hộ…
Bạn Nguyễn Thanh Nguyên, Trường Cao đẳng Y tế Bình Định, tâm sự: “Ý tưởng trong thanh niên chúng mình không thiếu nhưng các bạn còn chưa hiểu rõ hoặc thiếu kỹ năng để thực hiện thành đề án cho phù hợp yêu cầu của chương trình. Trong hội thảo, mình và các bạn đã được các điều phối viên hướng dẫn cách trình bày ý tưởng, sáng kiến cụ thể, đặc biệt là các kỹ năng thành lập một dự án”.
Những sáng kiến đóng góp trực tiếp hay gián tiếp của thanh niên cho Kế hoạch hành động thích ứng với BĐKH của thành phố, xây dựng năng lực thích ứng cho người nghèo, dễ bị tổn thương trong thành phố sẽ được xem xét tài trợ thực hiện (10 - 100 triệu đồng/dự án).
Điều này bao gồm việc trao đổi các sáng kiến của thanh niên về chống BĐKH, cắt giảm lượng khí thải cacbon cũng như các tác động không thân thiện của con người đối với môi trường. Từ đó các bạn trẻ sẽ truyền tải và lan tỏa cảm hứng từ diễn đàn để thúc đẩy những người xung quanh (bạn bè, gia đình, nhà trường, cộng đồng…) cùng thay đổi và hành động tích cực.
|