Cửa hàng tiện ích thanh niên:
Không thể làm phong trào
14:9', 11/5/ 2012 (GMT+7)

Những cửa hàng tiện ích thanh niên ra đời tại TP.HCM chưa lâu, được xem như một phương thức trong việc hỗ trợ người trẻ làm ăn, nhưng xem ra còn nhiều điều cần tính toán lại.

Đến thời điểm hiện tại, ba cửa hàng đầu tiên đã hoạt động, một số địa điểm khác đang trong quá trình khảo sát. Việc này có sự nỗ lực lớn của tổ chức Đoàn và các bên liên quan, song điều được mong đợi hơn chính là hiệu quả kinh doanh khi cửa hàng chính thức hoạt động.

Nơi đắt, nơi ế

Cửa hàng tại xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè (TP.HCM) sau khoảng thời gian đầu sôi động thì hiện tại sức mua có vẻ chậm lại. Chủ cửa hàng - anh Nguyễn Văn Hưng - cho biết: “Do cũng mới nên chỉ dám bán các mặt hàng tạp hóa, chưa dám mở rộng qua thực phẩm, đồ tươi sống nên cũng khó mà sôi động được”.

Chưa kể cửa hàng bị kẹp hai đầu bởi các cửa hàng tương tự của nhiều hộ dân đã mở trước đó khá lâu và quy mô cũng lớn hơn nhiều. Anh Hưng cho biết tổng doanh số hằng tháng khoảng mười mấy triệu đồng, trừ vốn thì phần lãi cũng không đáng kể.

Trong khi đó, chủ cửa hàng tại P.Sơn Kỳ, Q.Tân Phú (TP.HCM) cho biết ngày ít nhất cũng bán được khoảng 2 triệu đồng, ngày nhiều thì gấp đôi, nhưng nhìn chung sức mua vẫn đều đặn và có khách. Còn cửa hàng tại P.14, Q.6 do mới thành lập hơn một tháng nên chưa thể đánh giá được hiệu quả kinh doanh thế nào.

Chị Nguyễn Thị Thanh Trang - bí thư Quận đoàn 6 - thông tin: “Là cửa hàng tiện ích thanh niên đầu tiên của quận nên chúng tôi chăm chút kỹ. Hiện tại chúng tôi đang gấp rút chuẩn bị, hi vọng tới tháng 6 có thể ra mắt thêm ba nơi nữa”.

Trước đó, huyện Củ Chi cũng ra mắt hai cửa hàng tại xã Thái Mỹ và xã Phạm Văn Cội. Nhưng do việc chuẩn bị khá gấp gáp, mặt bằng không đủ tiêu chuẩn nên hai nơi này chỉ phục vụ người dân trong dịp mua sắm tết, sau đó đóng cửa luôn đến nay.

Bí thư Huyện đoàn Củ Chi Nguyễn Thanh Xuân nói: “Không phủ nhận là giải quyết được việc làm cho các bạn trẻ nông thôn, nhưng lợi nhuận thu được từ cửa hàng không cao, trong khi phải đầu tư mặt bằng, thời gian và phần vốn ban đầu cũng không ít nên các bạn không thật sự mặn mà lắm”.

Cần tư duy làm kinh tế

Thật ra ngay khi triển khai chủ trương này, không ít cơ sở Đoàn đã băn khoăn về tính khả thi. Nhiều quận đoàn khu vực trung tâm cho rằng việc ra đời các cửa hàng có thể làm được, song để kinh doanh hiệu quả mới là bài toán khó khi mà hệ thống siêu thị, chợ, chưa kể cửa hàng gia đình có thể tìm thấy bất kỳ chỗ nào.

Bí thư Quận đoàn 3 Lâm Ngọc Mẫn chia sẻ: “Nhiều nơi có mặt bằng thì họ không có nhu cầu kinh doanh, người có nhu cầu thì giá thuê mặt bằng quá cao, nên dù khảo sát nhiều chỗ nhưng đến nay vẫn chưa ra mắt được cửa hàng nào”.

Để giúp các bạn trẻ hiểu rõ mô hình làm ăn này, Quận đoàn 6 đã tổ chức diễn đàn khởi nghiệp, mời chuyên gia về giải đáp thắc mắc của thanh niên. Đến khi ra mắt cửa hàng lại mời các bạn đến tận nơi chứng kiến mô hình kiểu mẫu để được tư vấn thêm. Tuy nhiên, như chị Thanh Trang thừa nhận, cái khó lớn nhất chính là tâm lý băn khoăn vì không biết hiệu quả kinh doanh sẽ thế nào, trong khi đầu tư số vốn ban đầu cũng khá lớn nên nhiều bạn có nhu cầu nhưng còn phân vân.

“Thường khi khảo sát chúng tôi cũng phải chọn vị trí ít cửa hàng tạp hóa tương tự, vì nếu mở gần những nơi này sẽ khó cạnh tranh”, chị Trang nói thêm.

Thẳng thắn, chị Nguyễn Thanh Xuân cho rằng nếu làm không khéo, mô hình cửa hàng tiện ích thanh niên rồi cũng sẽ đi vào ngõ cụt như bài học về hợp tác xã thanh niên làm kinh tế trước đây.

Chị Xuân phân tích: “Đoàn không có cán bộ có chuyên môn và am hiểu về kinh doanh, vì dù gì đây cũng là làm kinh tế. Chúng ta hỗ trợ các bạn nhưng chưa làm được vai trò tư vấn để các bạn chọn được cách thức kinh doanh tốt nhất, trong khi họ phải bỏ vốn, thậm chí vay mượn làm ăn, nếu lỡ không hiệu quả thì họ phải gánh hết nên đâu phải ai cũng dám làm”. Chị Xuân cho biết ngay sau đại hội Đoàn, huyện đoàn đang chuẩn bị triển khai một cửa hàng mẫu của huyện về quy mô, phương thức làm nơi tham quan mô hình cho các bạn có nhu cầu đến tìm hiểu trước khi quyết định tham gia chương trình.

Bí thư Quận đoàn 3 cho rằng các bạn phải mạo hiểm, có “máu me” làm ăn một tí mới dám tham gia, vì thực tế cán bộ Đoàn đâu phải ai cũng đủ chuyên môn để tư vấn cho các bạn, chỉ khích lệ động viên là chính.  Anh Nguyễn Văn Hưng chia sẻ: “Do nhà có sẵn mặt bằng nên mình tham gia, vừa tạo thêm việc làm cho người nhà, vừa kiếm thêm chút thu nhập. Nếu phải thuê mặt bằng, thuê nhân viên thì với doanh số hiện tại chắc chắn thu không đủ chi, chứ nói gì đến lợi nhuận”.

. Theo Báo Tuổi Trẻ

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Kiểm tra công tác cho HS, SV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn  (09/05/2012)
Giúp tiến bộ 120 thanh niên chậm tiến   (09/05/2012)
Chuyện về chiếc áo lớp  (08/05/2012)
“Tiếp lửa” truyền thống cho thế hệ trẻ  (08/05/2012)
Chuẩn bị tổ chức chương trình “Tiếp sức mùa thi 2012”  (08/05/2012)
Các sĩ tử có thể luyện thi tại nhà qua truyền hình  (08/05/2012)
Triển khai Hội thi Tin học trẻ toàn tỉnh lần thứ XVIII  (06/05/2012)
Đoàn viên thanh niên tham gia hiến máu tình nguyện  (06/05/2012)
80 HS thi Olympic tiếng Anh cấp toàn quốc qua internet  (05/05/2012)
Giỏi “vượt khó”, khéo “giữ chân” học sinh  (04/05/2012)
Sẽ gia hạn nợ cho học sinh, sinh viên ra trường chưa tìm được việc làm  (04/05/2012)
Chuẩn bị Đại hội Đoàn thanh niên toàn tỉnh lần thứ XII  (03/05/2012)
Gia hạn hồ sơ đăng ký dự thi đại học đến 15.5  (02/05/2012)
Sáng kiến thích ứng với biến đổi khí hậu  (01/05/2012)
Kêu gọi sáng kiến thanh niên thích ứng với biến đổi khí hậu  (27/04/2012)