Còn 1 tuần nữa, khoảng 23.000 học sinh trong tỉnh sẽ bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Để làm bài thi đạt kết quả tốt, ngoài nắm vững kiến thức, học sinh cần biết kỹ thuật làm bài và cách trình bày. Dưới đây là kinh nghiệm của một số giáo viên nhiều lần ngồi ghế giám khảo.
Môn trắc nghiệm: Xử lý chính xác
Năm nay, hai môn Hóa học và Tiếng Anh được tổ chức thi theo hình thức trắc nghiệm. Thí sinh sẽ làm bài trên phiếu in sẵn theo quy định của Bộ GD-ÐT. Đối với bài thi trắc nghiệm nên bắt đầu làm từ câu số 1 trở đi. Chú ý đánh dấu ngay những câu biết chắc là đúng, không nên làm trên giấy nháp sẽ mất thời gian. Đối với những câu chưa rõ thì để lại, không nên nghiền ngẫm. Đề thi trắc nghiệm Hóa học thường rải đều kiến thức. Thầy Phạm Quang Bắc, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, lưu ý: “Phương án trả lời ở phần thi lý thuyết thường na ná nhau, thí sinh phải cẩn thận. Nếu cảm giác chưa chắc chắn thì sử dụng phương pháp loại trừ, không nên chủ quan. Phần bài tập không khó nhưng mất thời gian tính toán. Thí sinh phải canh thời gian hợp lý. Bài nào không tìm ra cách làm thì lấy đáp số để thử”.
|
Học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Cao Vân đang ôn thi tốt nghiệp. |
Với môn Tiếng Anh, phần dấu nhấn và trọng âm gây nhiều băn khoăn nhất. Cô Trần Thị Hoài Vy, giáo viên Tiếng Anh Trường THPT Trần Cao Vân, cho rằng, thí sinh phải nhớ kỹ năng xử lý các dạng bài tập khi làm bài. Chọn câu nào dễ làm trước. Cân nhắc việc thay đổi quyết định nếu phương án mới cũng chưa thật chắc chắn. Khi chọn đáp án, phải tô tròn đều, tẩy xóa phải thật sạch và tô lại rõ ràng, hãy nhớ phương châm “thà tô nhầm hơn bỏ sót”, nếu không chắc chắn, hãy sử dụng phương pháp phỏng đoán, loại trừ chứ đừng bỏ trống.
Môn tự luận: Chú ý chi tiết
4 môn thi tự luận là Toán, Ngữ văn, Lịch sử và Địa lý, học sinh sẽ làm bài trong 150 phút. Môn Ngữ văn trong những kỳ thi tốt nghiệp THPT gần đây có rất ít thí sinh đạt điểm cao. Cô Trần Thị Kiều Hạnh, giáo viên Văn Trường THPT Trần Cao Vân, giải thích: “Một tác phẩm có thể có nhiều cách ra đề. Chẳng hạn, bài Rừng xà nu, hỏi về hình tượng cây xà nu, tập thể anh hùng hay nhân vật T’nú đều được. Học sinh có học lực trung bình thường không đọc kỹ đề, chỉ nhìn thấy chữ Rừng xà nu là đặt bút viết ngay những gì mình biết, thành ra bị lạc đề”. Cô Hạnh còn lưu ý về cách xử lý thời gian. Tổng điểm là 10, làm trong 150 phút, tức là 1 điểm 15 phút. Câu 1 yêu cầu tái hiện kiến thức hoặc vận dụng ở mức độ thấp, thí sinh thường làm nhanh nên dư thời gian. Câu nghị luận xã hội yêu cầu vận dụng liên quan đến vốn sống của thí sinh. Cũng câu này, nhưng với đề thi đại học thì yêu cầu phân tích kỹ hơn. Với kỳ thi tốt nghiệp THPT, thí sinh chỉ có 45 phút để vừa nắm vấn đề, giải thích, bày tỏ ý kiến của mình. Nếu chăm chăm làm theo sách tham khảo (luyện thi đại học) hay trình bày thật nhiều góc nhìn, thí sinh sẽ mất rất nhiều thời gian. Bài nghị luận văn học đặt ra vấn đề tương đối đơn giản. Thí sinh chỉ cần trình bày gọn gàng, mạch lạc, đầy đủ các ý và làm nổi bật vấn đề mà đề thi yêu cầu. Phải đọc kỹ tác phẩm, không chỉ nắm ý chính mà phải quan tâm đến cả những chi tiết nhỏ nhưng có giá trị lớn.
Với môn Toán, nhiều giáo viên từng tỏ ra tiếc nuối khi học sinh khá giỏi lại không thể đạt điểm cao vì trình bày vắn tắt, dù đúng đáp số nhưng trình tự cách giải chưa đúng với đáp án yêu cầu của Bộ GD-ĐT. Môn Toán luôn có 2 phần: phần chung và phần riêng. Thí sinh phải đọc kỹ đề và quyết định chọn phần nào thì chỉ làm đúng 2 câu của phần đó. Các thầy cô dạy Toán khuyên thí sinh không nên chừa trống phần bài làm, nếu phần tiếp theo không làm được thì bỏ qua và viết phần làm được tiếp theo.
Sau một năm gián đoạn, năm nay, Lịch sử có mặt trong danh sách môn thi tốt nghiệp THPT. “Viết sử như viết văn” đó là cách ví von của học sinh, nhưng nếu không trình bày mạch lạc, lô gích như Văn, bài Sử sẽ khó có điểm cao. Cô Lê Thị Thu Thủy, giáo viên Sử Trường THPT Nguyễn Thái Học, cho rằng, cần phải lập dàn ý ở giấy nháp trước khi viết vào giấy. Cô Thủy lý giải: “Đề thi thường liên quan đến các kỹ năng: biết, hiểu và vận dụng. Thí sinh phải xác định, yêu cầu đề cập đến giai đoạn nào, trong giai đoạn đó thì phần nào liên quan trực tiếp. Lập dàn ý để xác định rõ nội dung sẽ trả lời, cả năm tháng của sự kiện, trước khi viết vào bài. Để nhớ chính xác ngày tháng, có thể lấy một sự kiện làm điểm mốc, sau đó suy diễn theo kiểu phải thêm bớt bao nhiêu ngày, tháng để ra được sự kiện khác”.
Môn Địa lý liên tục 4 năm qua được chọn thi, điều này gây không ít bất ngờ cho giáo viên và học sinh. Đề thi của môn Địa gồm khá nhiều câu nhỏ, thí sinh phải cố gắng trả lời thật trọn vẹn. Để làm tốt bài, phải xác định, nội dung yêu cầu nằm ở phạm vi nào, bài tập ở dạng gì. Kỹ năng vẽ biểu đồ, nhận xét bảng số liệu của phần lớn học sinh lớp 12 khá yếu, thường rơi vào kể lể, thiếu trọng tâm. Các giáo viên dạy Địa khuyên, học sinh phải dành thời gian đọc kỹ đề, xác định chính xác dạng biểu đồ cần vẽ. Luôn có giấy nháp bên cạnh, nếu đang viết ý này mà bật ra ý kia thì phải ghi ngay vào giấy nháp. Phải làm chính xác, không theo kiểu đại khái, lan man.
|