Chăm con ngày hè
22:25', 16/6/ 2012 (GMT+7)

Dù kỳ nghỉ hè, với học sinh mẫu giáo chỉ hơn 10 ngày, học sinh tiểu học thì hơn 2 tháng, nhưng bấy nhiêu cũng đã làm cho nhiều gia đình rối tung vì không có người trông con. Các bà mẹ phải tìm đủ cách như: nhờ ông bà, gởi con đi nhà trẻ tư, học thêm… để đi làm, nhưng mọi chuyện không hề đơn giản…

Bận bịu gấp đôi

8 giờ, chị đồng nghiệp tôi mới tất tả chạy lên cơ quan, càu nhàu: “Dậy từ 6 giờ sáng, lôi hai nhóc ra khỏi giường lo vệ sinh cá nhân rồi đi ăn sáng ngay mà vẫn không kịp. Nhìn chúng ngậm một miệng không chịu nuốt mà mình sốt cả ruột. Đi làm trễ hoài chắc bị đuổi việc quá!”. Tưởng đến cơ quan là xong việc, vậy mà ngồi được một chút, chị lo đi đón thằng lớn 14 tuổi đi học thêm ngoại ngữ, toán. Liên tục trong ngày, chị phải gọi điện thoại về kiểm tra, nhắc nhở hai con chơi an toàn. May mà cơ quan tôi không quản lý nhân viên theo giờ hành chính.

 

Những ngày hè, trẻ cần được tham gia các hoạt động vui chơi phù hợp với lứa tuổi qua các chương trình rèn luyện kỹ năng, cắm trại….

- Trong ảnh: Học sinh tham gia ngày hội đội viên dành cho học sinh các trường nhân dịp hè.

Tôi may mắn hơn chị đồng nghiệp vì có ông bà nội chăm con giúp nên vợ chồng vẫn đi làm bình thường. Nhưng đứa út 2 tuổi của tôi ở nhà thì quấy hơn, cứ khóc đòi bế đi chơi. Loay hoay với cháu cả ngày, ông bà đã ngoài 70 tuổi nên chẳng còn sức đâu mà chăm nom thêm việc nhà. Mọi việc dọn dẹp, cơm nước phải đợi tôi về.

Phía hàng xóm, mấy ngày qua, hai vợ chồng cứ loay hoay tìm người trông đứa con 4 tuổi trong thời gian 2 tuần nghỉ hè. Khó tìm được người trông trẻ trong thời gian ngắn, họ đành chuyển con về quê ở Hoài Ân, nhờ ông bà trông hộ. Đứa trẻ ít về quê nên phải mất vài ngày mới làm quen được với ông bà. Tưởng mọi việc yên ổn, nào ngờ gần hết kỳ nghỉ, hai vợ chồng nghỉ phép về quê, tất tưởi đưa con nhập viện. Hỏi thăm, chị hàng xóm mếu máo: “Cháu không quen khí hậu, lại ham chơi nên cảm nắng, sốt cao, ông bà lo quá gọi điện thoại cho vợ chồng đưa vào bệnh viện cho yên tâm”.

Ngoài những giải pháp trên, nhiều người bí lối đành phải nghỉ phép để chăm con. Chị Lê Thị Kim Tính, ở 162/12 Nguyễn Thái Học, TP Quy Nhơn, kể: “Không thể gởi con nhờ ai trông giúp, tôi đành xin nghỉ phép ở nhà. May là 10 ngày mệt mỏi, bận rộn cũng trôi qua. Trường mẫu giáo nhận giữ hè trong 2 tháng, giờ chỉ nghĩ đến việc sắp nghỉ hè đợt hai vào cuối tháng 8 là tôi muốn bệnh rồi”. 

 

Học vẽ là cách giúp trẻ vừa chơi vừa học trong ngày hè.

Trả lại mùa hè cho trẻ

Năm nào cũng vậy, cứ hè đến, nhiều bà mẹ loay hoay tìm cách quản lý con. Vì lo ngại xã hội phức tạp hoặc vì bận bịu mưu sinh nên nhiều mẹ đành “nhốt” con trong nhà, để các em “ôm” tivi, chơi game đến chán. Số khác thì chạy đôn chạy đáo tìm chỗ cho trẻ học đủ thứ, từ nhạc, họa, múa, võ thuật đến toán, ngoại ngữ… mà chẳng biết con mình có đủ sức tiêu hóa hết mớ kiến thức đó không. 

Phải chăng, các bà mẹ thiếu kỹ năng chăm sóc con mùa hè, khi người thì chỉ nghĩ đến chuyện quản lý bọn trẻ, người khác lại hăng hái cho con học hết thứ này đến thứ khác, mà không nghĩ tới việc bọn trẻ cần có một mùa hè đúng nghĩa?

Sau bao tháng học tập vất vả, mùa hè là thời gian để trẻ được vui chơi, thư giãn, được làm những việc khác mà ngày thường do phải đến trường chúng không thể thực hiện. Bởi vậy, chuyện quản lý con trẻ là cần nhưng chỉ là một phần, cái chính là làm sao giúp trẻ tận dụng hữu hiệu thời gian hè, tạo điều kiện cho trẻ có sân chơi dịp nghỉ hè. Chị Nguyễn Thị Phong, KV 8, phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn, tâm sự: “Thỉnh thoảng, tôi cho cháu đi xem phim 3D, đọc sách, thả diều hoặc tắm biển nhằm tạo niềm vui khi con nghỉ hè. Nhưng chỉ đôi ba lần, con đã chán. Tôi dự định thu xếp được công việc sẽ đi cùng con du lịch một chuyến”.

Hiện nay, việc tổ chức sân chơi cho trẻ dịp hè còn nhiều bất cập. Xã hội có nhiều chương trình, hình thức đáp ứng nhu cầu giải trí cho trẻ nhưng không phải ai cũng có điều kiện cho con em tham gia. Trong khi đó, nhà trường, các tổ chức đoàn hội của thanh thiếu niên còn thiếu sự năng động trong tổ chức hè vui, bổ ích cho các em.

Vậy nên, tùy điều kiện gia đình mà các bậc cha mẹ có thể tổ chức cho trẻ các hình thức chơi hè, theo kiểu chơi mà học, học mà chơi, qua đó thể hiện sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ. Du lịch, về quê với họ hàng, chơi thể thao, xem phim, đọc sách, tham quan bảo tàng… là những hoạt động giúp trẻ vui chơi thư giãn tốt, mở mang hiểu biết. Cũng có thể giúp trẻ trải nghiệm thực tế cuộc sống bằng cách cho tham gia các chương trình xã hội, thậm chí cho trẻ đi phụ giúp bán hàng cho gia đình cũng là cách rèn kỹ năng sống, để các em hiểu giá trị của lao động, từ đó biết sử dụng đồng tiền hợp lý…

  • YẾN NHI
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cậu bé đoạt 2 huy chương Vàng Quốc gia về toán   (15/06/2012)
Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ đội Biên phòng tỉnh  (14/06/2012)
Tăng cường phục vụ thiếu nhi trong dịp hè 2012  (13/06/2012)
400 thanh niên Quy Nhơn tình nguyện “Tiếp sức mùa thi”  (12/06/2012)
Xung kích, sáng tạo vì bình yên biển đảo quê hương  (12/06/2012)
Mới, hay, giàu ý nghĩa  (11/06/2012)
Mới, hay, giàu ý nghĩa  (12/06/2012)
2.000 chỗ ở miễn phí và 15.000 chỗ ở giá rẻ  (11/06/2012)
Đánh giá cao việc tổ chức, thực hiện công tác thanh niên của tỉnh ta  (11/06/2012)
Hoài Nhơn tổ chức hiến máu nhân đạo  (10/06/2012)
Đại hội Đoàn khối Doanh nghiệp tỉnh lần thứ V  (09/06/2012)
Sức trẻ sáng tạo  (08/06/2012)
Bình Định đạt giải Nhất toàn đoàn  (06/06/2012)
Xung kích tham gia xây dựng nông thôn mới  (05/06/2012)
Hội thi tuyên truyền viên giỏi về Nghị quyết liên tịch 03  (04/06/2012)