Những gương mặt thủ khoa tiêu biểu
19:55', 27/7/ 2012 (GMT+7)

Các trường đại học trong cả nước đang công bố điểm thi và danh sách thủ khoa của kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2012. Trong danh sách ngôi vị đứng đầu các khoa, trường ấy có không ít học sinh là người Bình Định. Báo Bình Định xin giới thiệu một số gương mặt tiêu biểu.

HOÀNG BẢO THY, THỦ KHOA TRƯỜNG ĐẠI HỌC QUY NHƠN

Các môn học xã hội luôn hấp dẫn

Cả 3 năm học tại Trường THPT Trần Cao Vân (Quy Nhơn), Hoàng Bảo Thy đều đạt danh hiệu học sinh giỏi, với điểm trung bình các môn học trên 8.0. Năm học lớp 11, Bảo Thy đã đoạt giải Ba kỳ thi học sinh giỏi môn Ngữ văn cấp tỉnh. Dù giỏi đều các môn, song Bảo Thy lại có tư chất thiên về các môn học xã hội. Thy cho rằng những kiến thức xã hội giúp em mở tầm mắt ra thế giới xung quanh.

 

Bảo Thy và mẹ. Ảnh: NGỌC TÚ

 

Đăng ký thi vào ngành Quản lý nhà nước của Trường Đại học Quy Nhơn, cô học trò nặng 39 kg này đã hoàn thành tốt các bài thi và đạt điểm số ấn tượng: Sử 7,75; Địa 9 và đặc biệt là Văn 9,25 (làm tròn là 9,5). Đối với Trường THPT Trần Cao Vân, đây là điểm thi đại học môn Văn kỷ lục từ trước đến nay. Còn thầy Đinh Thanh Đức, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHQN thì khẳng định: “Gần 10 năm qua, đây là lần đầu tiên, thủ khoa của trường là thí sinh khối C”.

Cô thủ khoa chia sẻ bí quyết học tập: “Phải cần cù, ham học hỏi, thường xuyên đọc sách, báo để cập nhật thông tin, tăng cường vốn sống. Ngoài ra, phải tư duy, vận dụng kiến thức đã học thành vốn kiến thức của mình”. Với môn Văn, Bảo Thy thích thú từng tác phẩm; mến yêu các nhân vật trong tác phẩm và biết cách dẫn tính cách, hoàn cảnh của họ vào những bài bình luận, phân tích như những bằng chứng sống động, thuyết phục. Bảo Thy rất thích câu hỏi nghị luận xã hội trong những đề thi môn Văn bởi ngoài kiến thức sách vở, câu hỏi yêu cầu thí sinh liên hệ thực tế bản thân. Với môn Lịch sử, để ghi nhớ những sự kiện có liên quan đến ngày tháng, Bảo Thy lấy ngày tháng năm sinh của mình, của bố mẹ hay những người thân làm mốc, rồi cộng hoặc trừ thêm vào để ra ngày tháng của sự kiện. Những sự kiện trùng ngày tháng, Thy thống kê cụ thể trong một danh sách để tránh lẫn lộn.

Bảo Thy trải lòng: “Thời gian đầu vào học ở trường bán công, em tủi thân và mặc cảm với bạn bè; nhưng đã tìm cách vượt qua và nỗ lực chứng minh rằng, ở môi trường học tập nào, nếu có quyết tâm và cố gắng đều có thể học tập tốt. Các thầy cô của Trường THPT Trần Cao Vân, trong đó có cô Trần Thị Kiều Hạnh dạy Văn năm lớp 12, đều nhiệt tình, có phương pháp truyền đạt tốt, và rất yêu thương học sinh”.

Góc học tập trên căn gác nhỏ của hai chị em Bảo Thy đầy sách, báo và truyện. Đọc sách đã trở thành việc không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày của hai chị em. Những chồng sách báo làm cho căn gác nhỏ càng chật chội hơn, nhưng đã cho Thy rất nhiều kiến thức bổ ích. Cô thủ khoa dự định xin Trường Đại học Quy Nhơn chuyển sang ngành sư phạm Văn, để thực hiện mơ ước trở thành một cô giáo dạy Văn.

 

PHAN PHI YẾN, THỦ KHOA HỌC VIỆN HÀNG KHÔNG VIỆT NAM

Ước mơ đảm bảo an toàn cho các chuyến bay

Những ngày qua, người dân ở thôn Hanh Quang, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước luôn tấm tắc khen Phan Phi Yến, học sinh lớp 12A1 trường THPT số 1 Tuy Phước, vừa đẹp người đẹp nết, đã đỗ thủ khoa Học viện Hàng không, ngành Kỹ thuật hàng không, với tổng số điểm 25 (Toán 9, tiếng Anh 8.75 và Văn 7,25).

 

Phan Phi Yến. Ảnh: XUÂN VINH

 

Thừa hưởng gen thông minh của bố là giáo viên dạy Toán trường THPT số 1 Tuy Phước và sự cần cù của mẹ, Yến chăm chỉ học tập và nuôi mơ ước trở thành một nhà điều hành không lưu giỏi.

Suốt 12 năm phổ thông, Yến đều đạt danh hiệu học sinh giỏi và đạt giải Khuyến khích kỳ thi học sinh giỏi môn tiếng Anh cấp tỉnh liên tiếp trong hai năm học lớp 11 và 12.

Cô nữ sinh lớp 12A1 trường THPT số 1 Tuy Phước đã rất vui và hạnh phúc vì không nghĩ mình trở thành thủ khoa. Ông Phan Ngọc Mười, bố Yến cho biết sau khi biết tin, cả nhà vui quá không ngủ được. Bà Hồ Thị Mỹ Tho, mẹ Yến chia sẻ: “Thấy cháu siêng học, có ý thức tự học tốt, lại không đua đòi, ba mẹ rất yên tâm”.

Cô Nguyễn Thị Tuyết Nhung, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A1, nhận xét: “Yến là cán sự bộ môn Anh văn của lớp, rất ngoan hiền, chăm chỉ, luôn hòa đồng, thường giúp đỡ bạn bè, tham gia đầy đủ các hoạt động ngoại khóa do Đoàn trường phát động”.

Cô thủ khoa tâm sự: “Trước mắt em vẫn còn một con đường dài và khá nhiều chông gai. Em sẽ cố gắng vượt qua tất cả để đền đáp công ơn nuôi dưỡng của cha mẹ, công ơn dạy dỗ của thầy cô và sự giúp đỡ của bạn bè. Em sẽ cố gắng học thật tốt chuyên ngành, góp phần đảm bảo an toàn cho mọi chuyến bay trong nước và quốc tế. Em luôn cảm phục những người không chỉ biết làm giàu cho riêng mình mà còn đóng góp cho xã hội. Mong rằng, mai sau em cũng có cơ hội để cống hiến nhiều cho xã hội”.

 

PHAN VĂN TƯƠI, THỦ KHOA TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM KỸ THUẬT TP HỒ CHÍ MINH

Muốn tiếp cận với công nghệ kỹ thuật tiên tiến

Hiền lành và không được dạn dĩ lắm là ấn tượng đầu tiên khi tiếp xúc với Phan Văn Tươi, học sinh lớp 12T3 Trường PTTH Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Nhơn. Việc Tươi đỗ thủ khoa Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, ngành Công nghệ kỹ thuật Điện - Điện tử, với tổng số điểm ba môn là 24 (Toán 7, Lý 8,25 và Hóa 8,5) khiến nhiều người bất ngờ và cảm phục trước một tấm gương vượt khó học giỏi.

 

Phan Văn Tươi cùng mẹ. Ảnh: BẢO SƯƠNG

 

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở thôn Khánh Trạch, xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn, nhà ở quê nhưng thiếu đất sản xuất, mẹ Tươi lại đau ốm liên miên. Ba Tươi vừa lo xong mùa vụ là tất tả theo bạn đi biển kiếm thêm thu nhập nhưng cuộc sống vẫn thiếu trước hụt sau. Căn nhà của gia đình là do Nhà nước hỗ trợ xây tặng vì ông nội Tươi là liệt sĩ. Những cánh cửa, những tấm tole che mưa gió đã gần mục nát; trong nhà lại chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc tivi nội địa.

Ý thức được hoàn cảnh khó khăn của gia đình, từ khi học cấp 2, Tươi đã tự biết lo cho mình và dành thời gian phụ giúp ba mẹ. Bà Nguyễn Thị Khánh, mẹ Tươi, kể: “Cả tuần xa nhà, chiều thứ sáu là cháu đạp xe vượt hơn 10 km từ thị trấn Bồng Sơn về nhà để ríu rít với các em. Thương con hiếu thảo, có lúc tôi dành dụm mua thức ăn ngon, nhưng nếu không đủ mặt cả nhà, cháu không chịu ăn. Mỗi tuần tôi cho cháu 50 ngàn đồng, nhưng cháu không tiêu mà dùng mua quà cho các em”.

Hỏi Tươi, tính tình rụt rè, ít nói, người lại không được khỏe mạnh, vì sao lại chọn ngành kỹ thuật, đòi hỏi cường độ làm việc cao, Tươi cho biết: “Từ nhỏ em đã mơ ước trở thành một kỹ sư điện tử, làm việc trong những nhà máy hiện đại, để có cơ hội tiếp cận với công nghệ kỹ thuật tiên tiến”.

Ước mơ của Tươi đang dần thành hiện thực. Vậy nhưng, bên cạnh niềm vui thấy con đỗ đạt, vợ chồng anh Hào đang canh cánh nỗi lo liệu có đủ sức lo cho con ăn học đến nơi đến chốn!

NGUYỄN THÙY TRANG, THỦ KHOA KHỐI H TRƯỜNG ĐẠI HỌC KIẾN TRÚC TP HỒ CHÍ MINH

Thử chọn một hướng đi khác

Khối H ngành học thiết kế đồ họa Trường Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh có hai môn Văn và Vẽ, yêu cầu thí sinh phải thật sự có năng khiếu bởi sự khắt khe của hai đề thi vẽ về: chân dung và trang trí. Với tổng số điểm 25 (Văn 7,5; vẽ chân dung 8,5 và vẽ trang trí 9), Nguyễn Thùy Trang, học sinh lớp 12A3 Trường THPT số 1 Tuy Phước, đã trở thành một trong ba thủ khoa của khối thi này.

Thùy Trang sinh ra một trong gia đình ngoại đạo về hội họa, cả ba và mẹ em đều làm kinh doanh. Tuy nhiên, từ bé Trang rất yêu thích vẽ. Tranh vẽ của em trở thành quà tặng cha mẹ trong rất nhiều dịp sinh nhật, lễ, tết.

Tâm sự về quá trình học của mình, Thùy Trang cho biết: Em chỉ là một học sinh khá giỏi của lớp. Thời gian đầu khi biết em có ý định thi vào ngành thiết kế đồ họa, ba mẹ có ý can ngăn, cho rằng theo nghiệp hội họa sẽ khó khổ lại không dễ xin việc. Hơn nữa, bạn bè trong lớp em đều đăng ký thi khối A, ba mẹ cũng muốn hướng em vào những ngành có liên quan đến lĩnh vực kinh doanh. Dù vậy, em muốn tìm cho mình một hướng đi, không theo một xu hướng, trào lưu nào trong xã hội.

Từ giữa năm học lớp 11, Trang xuống Quy Nhơn đăng ký học vẽ tại Công ty TNHH mỹ thuật Đức Nhân (5 Trần Bình Trọng, Quy Nhơn). Ngày nào, bất kể trời mưa hay trời nắng, Thùy Trang đều đặn đi về hơn 10 cây số để thỏa niềm đam mê là được học vẽ.

Chia sẻ bí quyết đạt điểm cao của mình, Trang cho hay: “Trước hết nên coi trọng môn văn hóa vì người học vẽ thường có suy nghĩ chủ quan về môn văn hóa nên điểm Văn thường không cao. Với hai bài thi vẽ, muốn thành công, phải biết quan sát tốt, có cảm nhận riêng và thể hiện vào tác phẩm đúng theo cảm nhận ấy”.

Anh Phan Vĩnh Nguyên, người trực tiếp dạy vẽ cho Thùy Trang nhận xét: “Trang rất thông minh, cầu tiến, có khả năng quan sát tốt, cảm nhận tốt, cách thể hiện cũng rất riêng. Tôi tin rằng Trang sẽ thành công trên con đường mình đã chọn”.

Còn cô thủ khoa thì tâm sự: “Quảng cáo là một trong những ngành công nghiệp không khói của Việt Nam đã và đang đứng trước những cơ hội phát triển mạnh mẽ. Em mong muốn mình sẽ trở thành một nhà thiết kế giỏi”.

  • NGỌC TÚ - XUÂN VINH - BẢO SƯƠNG
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Biết ơn anh hùng, liệt sĩ  (24/07/2012)
Chi đoàn Hải đội Biên phòng 2 kết nghĩa với Chi đoàn Công ty XSKT tỉnh  (22/07/2012)
Có những tối hè vui như thế…  (22/07/2012)
Các đội Thanh niên tình nguyện chuyên ngành ra quân  (20/07/2012)
Chưa đủ tuổi, lại điều khiển xe mô tô   (19/07/2012)
Huyện đoàn Phù Mỹ tổ chức chương trình “Vui hè cùng thiếu nhi”  (19/07/2012)
Sinh viên Đại học Quy Nhơn giúp đỡ đồng bào huyện Vân Canh   (19/07/2012)
Sẽ có 120 tình nguyện viên phục vụ  (18/07/2012)
Chuẩn bị ra quân  (17/07/2012)
Góp phần phòng ngừa thanh thiếu niên vi phạm pháp luật  (16/07/2012)
Thanh niên kiều bào dự đại lễ cầu siêu tại Thái Bình  (16/07/2012)
Nhắn nhủ với thí sinh dự thi năng khiếu  (13/07/2012)
“Thép đã tôi thế đấy”  (10/07/2012)
19 trí thức trẻ được bầu làm Phó Chủ tịch xã  (10/07/2012)
Tuyển tình nguyện viên Liên hoan QTVCTVN lần thứ IV  (09/07/2012)