Trường nghề “teo tóp” đầu vào
21:4', 10/8/ 2012 (GMT+7)

Vốn đã khó tuyển sinh, nay lại phải cạnh tranh với hàng loạt trường cao đẳng, đại học (CĐ, ĐH) có dạy nghề nên đầu vào của các trường nghề ngày càng “teo tóp”, dù đã cố gắng nâng chất lượng đào tạo, khả năng tìm việc làm... nhằm thu hút học viên.

Dù nỗ lực rất nhiều nhưng tất cả các trường nghề ở tỉnh ta đều đang rất chật vật với việc làm sao để tuyển đủ số lượng theo kế hoạch đào tạo. Trong khi các trường nghề dù mở rộng cửa vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu thì nhu cầu lao động kỹ thuật tại các đơn vị sản xuất thường xuyên thiếu, cung không đủ cầu.

 
Học viên nghề cơ khí Trường CĐ nghề Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung bộ trong giờ thực hành.  Ảnh: n.phúc

Đầu vào “teo tóp”

Trường CĐ nghề Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung bộ (Cát Tân, Phù Cát) là một trong những trường đào tạo nghề có truyền thống, nhưng mùa tuyển sinh năm nay cũng nhận rất ít hồ sơ xin học. Theo kế hoạch, nhà trường tuyển sinh 400 chỉ tiêu CĐ nghề, 800 chỉ tiêu trung cấp (TC) nghề, 2.000 chỉ tiêu đào tạo sơ cấp và nghề ngắn hạn, nhưng đến nay chỉ mới có 200 hồ sơ đăng ký học CĐ và TC nghề, trong khi ngày 22.8 sẽ chính thức nhập học. Năm 2011, nhà trường cũng chỉ tuyển sinh đạt 86% so với chỉ tiêu.

Ông Nguyễn Văn Lục, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Trước khó khăn trên, ngay từ đầu năm, nhà trường đã chi khoảng 500 triệu đồng cho công tác tuyển sinh như: in ấn tài liệu quảng bá, thông báo; xây dựng hệ thống trạm tuyển sinh ở nhiều tỉnh; tổ chức tư vấn hướng nghiệp, tham gia các phiên giao dịch việc làm; cử cán bộ, giáo viên trực tiếp đến các xã, phường, trị trấn của các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An để làm công tác tuyển sinh…”. Theo ông Lục, chưa năm nào công tác tuyển sinh được nhà trường chuẩn bị chu đáo, quy mô như năm nay, nhưng kết quả mang lại không như mong muốn.

Nhiều năm nay, Trường CĐ nghề Quy Nhơn luôn được xem là trường có số lượng học viên đăng ký học nghề đông, luôn vượt chỉ tiêu đề ra, nhưng năm học 2012-2013 này, nhà trường cũng đang chật vật trong công tác tuyển sinh. Kế hoạch ban đầu, trường tuyển sinh 2.000 chỉ tiêu CĐ và TC nghề (năm 2011 tuyển sinh 1.857 chỉ tiêu) nhưng do số người đăng ký học nghề ít nên đã điều chỉnh giảm xuống còn 1.500 chỉ tiêu. Dù công tác tuyên truyền tuyển sinh được triển khai tích cực ngay từ đầu năm, đến nay cũng mới có 300 hồ sơ đăng ký học CĐ và TC nghề.

Ông Trần Minh Hồng, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường TC nghề Hoài Nhơn, cho biết, chỉ tiêu tuyển sinh của trường năm nay là 300 CĐ và TC nghề, và dù đã nỗ lực nhiều nhưng cũng mới tuyển được 240 chỉ tiêu.

Ông Ngô Xuân Thủy, Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Quy Nhơn, phân tích: “Khó khăn, trở ngại lớn đối với các trường TC, CĐ nghề hiện nay là bị các loại hình trường đào tạo khác cạnh tranh gay gắt. Trước hết là việc Bộ GD-ĐT cho phép nhiều trường ĐH, CĐ mở hệ đào tạo TC kéo dài đến hết năm 2017. Bên cạnh đó, điểm chuẩn thấp, chỉ tiêu tuyển ngày càng tăng đã thu hút phần lớn học sinh vào học ĐH, CĐ, do đó số học sinh đăng ký học nghề ngày càng ít”.

Thị trường “khát” lao động có nghề

Hằng năm, các trường nghề đầu tư hàng tỉ đồng mua sắm nhiều máy móc thiết bị cho học viên thực hành; liên kết với nhiều xí nghiệp, nhà máy, các khu công nghiệp, đưa học viên đi thực tập và tạo việc làm bán thời gian để học viên có thêm thu nhập và có việc làm sau khi ra trường, vậy mà vẫn ít người mặn mà với việc học nghề.

Một nghịch lý nữa xuất hiện trong chính các trường nghề là sự mất cân đối giữa các ngành, nghề đào tạo. Những ngành nghề ra trường có việc làm ngay, thu nhập tương đối cao thường thiếu học viên; ngược lại, các ngành nghề đang dư thừa lao động lại có số học viên đăng ký rất đông. Như ở Trường CĐ nghề Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung bộ, một số nghề như: Hàn, cốt thép-hàn, kỹ thuật xây dựng, vận hành máy thi công nền… luôn có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn. Nhiều doanh nghiệp (DN) đến tận trường tuyển dụng nhưng trường không đủ học viên ra nghề để cung ứng. Riêng nghề hàn, cốt thép-hàn, mỗi năm các DN đặt vấn đề với trường tuyển dụng hàng trăm người, trong khi số người đăng ký học nghề này và ra nghề mỗi năm chỉ khoảng 100 người. Hiện Công ty cổ phần mía đường Hoàng Anh Gia Lai liên hệ với trường tuyển 220 công nhân kỹ thuật ngành điện, cơ khí, sửa chữa ô tô, lâm sinh, sang làm việc tại Khu công nghiệp mía đường Hoàng Anh Attapeu (Lào), lương khởi điểm là 300 USD/tháng, ngoài ra còn hỗ trợ tiền ăn, nơi ăn, ở… Thế nhưng, nhà trường vẫn không đủ học viên để cung ứng.

Trường CĐ nghề Quy Nhơn cũng gặp nghịch cảnh tương tự. Với nghề cắt gọt kim loại và hàn, mỗi năm các DN trong và ngoài tỉnh đến trường tuyển dụng với số lượng lớn, mức lương tương đối cao, thế nhưng mỗi năm trường chỉ có khoảng 100 học sinh đăng ký học nghề này. Ngược lại, ngành kế toán DN dù ra trường rất khó xin việc làm nhưng mỗi năm có khoảng 800 học viên đăng ký theo học. Hiện Tổng công ty Sông Đà thông qua trường tuyển 200 công nhân cơ khí, với mức lương 5-7 triệu đồng/tháng nhưng trường chỉ đáp ứng được 50 người…

  • NGUYỄN PHÚC
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Trao bằng tốt nghiệp cho 921 học viên học nghề  (10/08/2012)
Cấp học bổng cho 500 học sinh nghèo có nguy cơ bỏ học  (10/08/2012)
Kết nạp đảng 23 sinh viên ưu tú  (08/08/2012)
Học sinh gốc Việt giỏi toán nhất CH Czech  (08/08/2012)
“Nuôi heo đất” vì biển đảo  (07/08/2012)
Tổ chức thanh niên tình nguyện hè tại xã Ân Nghĩa  (07/08/2012)
Luôn tự giác học tập  (07/08/2012)
Tuổi trẻ Ân Mỹ giúp dân làm đường giao thông  (03/08/2012)
Thanh niên quan tâm đến tình hình chính trị xã hội  (03/08/2012)
Thi làm “Tổng” giỏi  (31/07/2012)
Tình nguyện trên đất Lào  (31/07/2012)
Luôn tự giác học tập  (31/07/2012)
Tâm sự của chủ nhân chiếc Huy chương Vàng Olympic Hóa học   (31/07/2012)
Học trò “xứ núi” đậu thủ khoa  (30/07/2012)
Khai mạc Hội thi Tổng phụ trách Đội tỉnh lần thứ I  (29/07/2012)