“Hãy lắng nghe chúng em”
19:52', 10/8/ 2012 (GMT+7)

Đó là chủ đề của Diễn đàn trẻ em năm 2012 do Sở LĐ-TB&XH phối hợp cùng Tỉnh đoàn tổ chức trong 2 ngày 6 và 7.8. Đúng như chủ đề của diễn đàn, đây thực sự là nơi để “người lớn” - những người trực tiếp có trách nhiệm trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em - được nghe và hiểu những tâm tư, nguyện vọng của con trẻ…

Nội dung chính của Diễn đàn trẻ em năm 2012 chính là phần thể hiện thông điệp của các đơn vị tham gia. Làm sao để chuyển tải được thông điệp của mình qua một tiểu phẩm kéo dài không quá 10 phút là một thử thách không nhỏ đối với những diễn viên không chuyên. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rất nhiều tiết mục đã gây ấn tượng mạnh mẽ cho người xem.

 

Tiểu phẩm của đơn vị Tây Sơn trình diễn tại Diễn đàn.

Thông điệp giàu ý nghĩa

Điển hình là tiểu phẩm mang thông điệp “Trẻ em có quyền được phát triển toàn diện” của đơn vị Tây Sơn. Cuộc gặp gỡ của 2 người mẹ sau thời gian dài xa cách, một người dẫn theo con gái với niềm vui con lớn khôn, học hành tử tế. Người kia cũng không giấu giếm tự hào về một cậu con trai ngoan hiền. Thế nhưng, ngay tại quán cà phê nơi bà đang ngồi cùng bạn, cậu con trai của bà lại xuất hiện, nghênh ngang trốn học, cà phê thuốc lá cùng bạn bè, lại lớn tiếng quát mắng cô bé phục vụ.

Kết quả phần tiểu phẩm, Ban Tổ chức đã trao giải Biểu diễn xuất sắc cho đơn vị Tây Sơn, giải Thông điệp ý nghĩa nhất cho đơn vị Hoài Ân, giải Tiểu phẩm hay nhất cho đơn vị Tuy Phước và giải Biểu diễn ấn tượng nhất cho đơn vị Vĩnh Thạnh.

Nỗi tức giận, thất vọng làm cho người mẹ không thể đứng vững. Thế rồi, tất cả đều nhận ra rằng, một trong những nguyên nhân gây nên tệ nạn học đường chính là do người lớn không cho trẻ được phát triển tự nhiên, cứ ép trẻ phải học hành và thành công bằng mọi giá. Nhu cầu được vui chơi, giải trí phù hợp với lứa tuổi của trẻ đã bị bỏ qua. Tiểu phẩm khép lại bằng hình ảnh người mẹ thẫn thờ ôm con…

Không chỉ đầu tư kỹ lưỡng về kịch bản, đạo cụ, tiểu phẩm của đơn vị Tây Sơn còn gây ấn tượng mạnh bởi diễn xuất rất đạt của các diễn viên. Các em đã vào vai các bà mẹ rất “ngọt”. Chị Phan Thị Bình Yên, Tổng phụ trách đội của Trường THCS Võ Xán (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn), tác giả của kịch bản nói trên, chia sẻ: “Khi xây dựng kịch bản này, tôi đã thăm dò một số học sinh, xem vấn đề các em quan tâm nhất hiện nay là gì. Tôi và các em trong đội phải mất 2 ngày để cùng nhau phân tích kịch bản và tâm lý nhân vật. Trong hoàn cảnh cụ thể thì hành động cụ thể của nhân vật là gì, tại sao lại hành động như vậy? Giải quyết được những vấn đề đó, công đoạn luyện tập được tiến hành khá nhanh, do các em đã thật sự nhập thân vào nhân vật”.

Bên cạnh tiết mục xuất sắc của đơn vị Tây Sơn, nhiều đơn vị khác cũng rất chú trọng vào nội dung và hình thức chuyển tải thông điệp của mình. “Nóng” nhất phải kể đến bạo lực gia đình, trẻ em bị bóc lột sức lao động và ước muốn một thế giới hòa bình cho trẻ… Đặc biệt, đơn vị Phù Cát còn phản ánh một trường hợp có thật ở thôn Chánh Thiện, xã Cát Thành. Đó là một người cha hay say xỉn, đánh đập vợ con. Nhiều thông điệp đã được các em thể hiện bằng các hình thức sinh động như hát dân ca, dùng hình ảnh thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh, Bao Công xử án…

Đối thoại thẳng thắn

Phần cuối của Diễn đàn trẻ em năm 2012, các em đã được đối thoại trực tiếp với lãnh đạo của 6 sở, ban, ngành, hội đoàn thể của tỉnh. Những vấn đề chủ yếu mà các em quan tâm là sân chơi cho thiếu nhi còn thiếu, tình trạng bạo lực học đường ngày càng nhức nhối, tác hại của game online… Những câu trả lời nghiêm túc, thẳng thắn của đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, hội đoàn thể đã đáp ứng phần nào mong mỏi của các em.

 

Em Đỗ Thị Tường Ni, học sinh Trường THCS Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, đặt câu hỏi tại Diễn đàn. 

Em Đỗ Thị Tường Ni, học sinh lớp 7, Trường THCS Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, thắc mắc: “Chúng em đã tham gia nhiều hoạt động Đoàn, Đội, nhưng vẫn mong muốn có nhiều hơn nữa các hoạt động vui tươi, bổ ích. Các anh chị cán bộ Đoàn, Đội cấp trên sẽ làm gì để đáp ứng nhu cầu đó? Nếu chúng em thích tham gia các hoạt động tập thể mà bố mẹ ngăn cản, các anh chị có sẵn sàng can thiệp giúp chúng em?”.

Thừa nhận hoạt động Đoàn, Đội có đôi lúc vẫn chưa thể đáp ứng tốt nhu cầu của các em, chị Nguyễn Thị Phong Vũ, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh, khẳng định: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ chú trọng đa dạng hóa các hoạt động vui chơi gắn với trang bị tri thức, kỹ năng sống cho các em. Các chương trình đã bước đầu phát huy hiệu quả sẽ được tiếp tục triển khai, như Học kỳ quân đội, Kỳ học văn hóa thiên nhiên và trải nghiệm… Bên cạnh đó, vai trò của các trung tâm hoạt động thanh thiếu niên cũng sẽ được phát huy hơn nữa”.

Trước thực tế có một số ít phụ huynh không ủng hộ, thậm chí ngăn cản con em tham gia các hoạt động tập thể, chị Phong Vũ cho biết sẽ chỉ đạo các tổ chức Đoàn, Đội cơ sở rà soát lại các chương trình, hoạt động. Qua đó, kịp thời điều chỉnh những chương trình, hoạt động có nội dung, hình thức và thời gian tổ chức chưa thật phù hợp với các em. “Nếu các hoạt động đó vẫn đảm bảo phù hợp với tình hình địa phương, các cán bộ Đoàn, Đội ở cơ sở sẵn sàng gặp mặt, chia sẻ thông tin, tuyên truyền vận động để phụ huynh tạo điều kiện cho các em được tham gia”. 

  • NGUYỄN VĂN TRANG
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Trường nghề “teo tóp” đầu vào   (10/08/2012)
Trao bằng tốt nghiệp cho 921 học viên học nghề  (10/08/2012)
Cấp học bổng cho 500 học sinh nghèo có nguy cơ bỏ học  (10/08/2012)
Kết nạp đảng 23 sinh viên ưu tú  (08/08/2012)
Học sinh gốc Việt giỏi toán nhất CH Czech  (08/08/2012)
“Nuôi heo đất” vì biển đảo  (07/08/2012)
Tổ chức thanh niên tình nguyện hè tại xã Ân Nghĩa  (07/08/2012)
Luôn tự giác học tập  (07/08/2012)
Tuổi trẻ Ân Mỹ giúp dân làm đường giao thông  (03/08/2012)
Thanh niên quan tâm đến tình hình chính trị xã hội  (03/08/2012)
Thi làm “Tổng” giỏi  (31/07/2012)
Tình nguyện trên đất Lào  (31/07/2012)
Luôn tự giác học tập  (31/07/2012)
Tâm sự của chủ nhân chiếc Huy chương Vàng Olympic Hóa học   (31/07/2012)
Học trò “xứ núi” đậu thủ khoa  (30/07/2012)