Bước khởi nghiệp của một sinh viên khuyết tật (*)
16:22', 12/8/ 2012 (GMT+7)

Tôi ước nguyện mình sẽ luôn sống sao cho tốt và cố gắng giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ.

Đó là Võ Thúc Hào - cô gái khuyết tật có ý chí và nghị lực, luôn muốn vượt lên trên hoàn cảnh của mình để trở thành người có ích cho xã hội, để có thể giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ. Để thực hiện ước mơ của mình, mới đây Võ Thúc Hào đã thành lập Công ty TNHH Du lịch Tây Sơn ở ngay quê hương mình (xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh).

Dưới đây là tâm sự của Võ Thúc Hào về sự nỗ lực vươn lên của bản thân và mong muốn làm những việc có ích cho đời…

…Tôi sinh ra thật bình thường như mọi người. Thế nhưng chỉ vỏn vẹn ba tháng sau khi sinh ra, một căn bệnh về da đã cướp mất cái may mắn là người bình thường của tôi. Má tôi bảo đó là những năm đầy khó khăn, sự chăm sóc y tế không được như ngày nay. Người dân ở chỗ chúng tôi khi có bệnh chỉ biết chạy tìm các ông lang vườn. Gia đình nghèo, nhưng khi tôi bị bệnh, ba má tôi hết sức chạy chữa cho tôi hết thầy này tới thầy khác.

Và rồi một trong những thầy lang đã dùng cây kim chưa khử trùng chích lể vào cơ thể bé bỏng của tôi khiến tôi bị nhiễm trùng nặng. Tới lúc gia đình đem tôi tới bệnh viện thì bệnh đã quá nặng. Các bác sĩ cho biết phải cắt bỏ những phần cơ thể đã bị hoại tử. Tôi mới mấy tháng tuổi, sức chịu đựng thật yếu ớt. Thế nhưng các bác sĩ nói  nếu không giải phẫu thì khó có cơ may sống sót, nên ba má tôi đồng ý. Các bác sĩ đã cắt bỏ tất cả những phần thịt bị hư nơi tôi. Ba tôi xin bác sĩ cắt thịt của ba để đắp cho tôi, nhưng không thể được vì tế bào của tôi còn quá non nớt không tiếp nhận được da thịt người lớn. Vì bị cắt bỏ nhiều phần da thịt, cơ thể tôi không còn bình thường nữa. Tôi bị khuyết tật từ đó.

Vì thương con, ba tôi đã có một sáng kiến kỳ diệu. Ông đặt cho tôi một cái tên thật mạnh mẽ, đầy hào khí nam nhi - Võ Thúc Hào - để tôi có thể vững tin vượt qua  những khó khăn gặp phải vì tình trạng khuyết tật. Khi tôi học cấp một, được ba, má và anh Hai thường xuyên cõng đi vì sợ tôi đi không vững. Bước lên cấp hai, tôi mới thấy tự ti mặc cảm với bạn bè đồng trang lứa. Mặc dù bạn bè và thầy cô ai cũng giúp đỡ, yêu thương tôi và hòa đồng với tôi, nỗi mặc cảm của tôi vẫn lớn dần theo năm tháng. Nhưng tôi nhất quyết không chịu thua nó. Tốt nghiệp cấp hai, tôi ráo riết chuẩn bị và đã đỗ vào cấp ba trường huyện. Tôi rất vui vì có điều kiện tiếp tục học để sau này có thể tự đi trên đôi chân của mình.

Đang khi đó, người cô trong họ hàng thương tôi nhất lại bảo tôi: “Đừng học nữa! Có học cho lắm sau này cũng chẳng làm được gì đâu”. Cô bảo, nếu tôi nghe lời cô, cô sẽ cho tiền để tự mở ra một quán nhỏ mua bán lặt vặt kiếm sống. Tôi hết sức buồn. May thay, ba má tôi rất thương tôi và động viên: “Con hãy làm những gì mình muốn chứ đừng nghe theo những điều người khác nói”.

Rồi ngày tựu trường đã đến. Buổi sáng tôi dậy thật sớm. Tôi vừa mong chóng lên trường nhận lớp mới và có bạn mới, vừa sợ bị bạn bè trêu chọc. Trước đây học ở xã, bạn bè đã quen, ít ai chọc tôi, còn nay lên trường huyện, học sinh đông đảo từ khắp cả huyện đổ về, thế nào cũng có lắm bạn trêu chọc. Tôi đâm ra ngập ngừng, không dám đi nhận lớp. Đứng trong nhà nhìn ra, thấy các bạn đạp xe đi, tôi cũng rất muốn đi nhưng nỗi mặc cảm níu kéo lại, không cho tôi đi. Thấy vậy, má tôi bảo: “Con hãy tự tin, đã quyết làm gì thì cứ làm, đừng ngần ngại gì cả!”. Nghe má cổ vũ, tôi gạt bỏ nỗi mặc cảm qua một bên và đạp xe đến trường.

Tôi rất vui vì ở lớp mới các bạn luôn hòa đồng, quý mến và giúp đỡ tôi rất nhiều. Chính vì vậy dần dần tôi hết mặc cảm. Mặc dù đôi khi cũng có những người vô tâm chọc nghẹo khiến tôi rất buồn nhưng nói chung là không đáng kể. Ba năm học cấp ba đã đi qua rất nhanh, để lại cho tôi biết bao kỷ niệm và niềm vui bè bạn.

Cũng vào lúc tôi rời ghế nhà trường cấp ba, có người bảo ba má tôi rằng trường hợp của tôi ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh người ta giải phẫu được. Do đó ba má tôi tính lo cho tôi được giải phẫu trước rồi sẽ ôn thi vào đại học sau. Bác sĩ dạy tôi tập hít thở để có thể chuẩn bị mổ. Nghe lời bác sĩ, sáng nào tôi cũng tập hít thở, mong sớm được mổ. Thế nhưng không lâu sau, bác sĩ cho biết bệnh tôi không phẫu thuật được nữa; nếu mổ thì tỷ lệ chết sẽ nhiều hơn sống, mà nếu bị ảnh hưởng đến thần kinh thì có sống cũng ngồi xe lăn hoặc có khi chỉ còn sống như thực vật, không biết gì. Nghe vậy, ba má cho tôi về nhà ôn thi để có thể theo đại học như tôi mong muốn. Mỗi buổi sáng, ba tôi dậy sớm, chở tôi lên nhà thầy giáo xong rồi mới về vào rẫy làm; tới gần trưa ba lại vội vàng đạp xe từ rẫy về nhà, lấy xe máy chạy lên nhà thầy chở tôi về. Ngày nào cũng vậy cho tới ngày tôi đi thi đại học.

Vào đại học, tôi chọn ngành quản trị kinh doanh. Ai cũng bảo theo học ngành này thể hình phải cao đẹp mới được, còn khuyết tật như tôi quả là không đúng chỗ. Thế nhưng ba má tôi bỏ ngoài tai những lời “nói ra nói vào” ấy và bảo tôi cứ theo học ngành mà tôi thấy yêu thích và muốn phát triển, đừng bận tâm tới những điều người ta nói. Được ba má ủng hộ động viên như thế, tôi tự tin nhiều hơn.

Cũng như hồi hết cấp hai lên cấp ba, khi bước vào đại học, nỗi sợ hãi, mặc cảm lại đến với tôi. Thế nhưng anh Hai tôi đã trấn an tôi. Khi đưa tôi đi tìm nhà trọ, anh bảo tôi: “Em cứ xem họ như mình và mình như họ, đừng sợ gì cả!”

Rồi anh Hai về đi làm, bỏ tôi ở lại một mình. Thoạt đầu tôi rất sợ. Nhưng may mắn là tôi đã gặp những người bạn vui tính, tận tình giúp đỡ tôi mọi việc. Tôi hiểu rằng ra đời mình không nên tự ti. Và thế là tôi không còn mặc cảm nữa. Tôi theo học 4 năm tại Quy Nhơn và nay đã ra trường.

Là một thanh niên với ước vọng được cống hiến sức mình cho xã hội, tôi tốt nghiệp ra trường với bao hoài bão. Thế nhưng thật buồn, những bộ hồ sơ xin việc cứ liên tiếp gửi đi mà không có kết quả. Thất vọng, tôi về lại với làng quê mình, với những con người cần lao, chịu thương, chịu khó. Tôi hòa cùng cuộc sống lao động ở quê nhà, tìm một công viêc kiếm sống…

Ngay từ những ngày sinh viên, tôi đã có ý tưởng phát triển một tuyến du lịch nông thôn, không những để tự tạo công việc làm cho chính mình và còn để giúp đỡ những bạn cùng cảnh ngộ, tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng mà không xin việc làm được. Tôi muốn có việc làm để tự nuôi sống bản thân. Tôi muốn các bạn khuyết tật có được việc làm phù hợp để tự nuôi sống bản thân họ. Tôi quyết cố gắng làm và rồi khi thành công tôi sẽ dành thời gian và tiền bạc để giúp đỡ các bạn trẻ cơ nhỡ có thể học hành và lập thân.

Và rồi Công ty TNHH Du lịch Tây Sơn đã chính thức ra đời, đồng hành là những thành viên khuyết tật. Với phương châm “Hướng đến xã hội - tìm về cội nguồn”, Công ty của chúng tôi sẽ khai thác những tuyến du lịch ở vùng nông thôn, giới thiệu với du khách gần xa về danh lam thắng cảnh, về văn hóa lịch sử, các làng nghề truyền thống của vùng đất Tây Sơn, Vĩnh Thạnh…

Tôi còn ước nguyện mình sẽ luôn sống sao cho tốt và cố gắng giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ. Tôi cũng mong sao có thể lập ra một quỹ từ thiện để giúp chữa trị cho những bệnh nhân nghèo. Ước vọng ấy có lẽ khá xa vời, đòi phải nhiều kiên trì và cố gắng. Nếu tôi ra đi khỏi cuộc đời này, tôi cũng mong sao cơ thể mình sẽ được hiến tặng cho những bệnh nhân nghèo cần thay thế những bộ phận trên cơ thể. Hiện tôi rất vui vì việc thực hiện tuyến du lịch nông thôn đã trở thành hiện thực. Tôi sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa… 

  • VTH

(*) Tít bài do Tòa soạn đặt.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đọc “ké” ở… nhà sách  (11/08/2012)
“Hãy lắng nghe chúng em”  (10/08/2012)
Trường nghề “teo tóp” đầu vào   (10/08/2012)
Trao bằng tốt nghiệp cho 921 học viên học nghề  (10/08/2012)
Cấp học bổng cho 500 học sinh nghèo có nguy cơ bỏ học  (10/08/2012)
Kết nạp đảng 23 sinh viên ưu tú  (08/08/2012)
Học sinh gốc Việt giỏi toán nhất CH Czech  (08/08/2012)
“Nuôi heo đất” vì biển đảo  (07/08/2012)
Tổ chức thanh niên tình nguyện hè tại xã Ân Nghĩa  (07/08/2012)
Luôn tự giác học tập  (07/08/2012)
Tuổi trẻ Ân Mỹ giúp dân làm đường giao thông  (03/08/2012)
Thanh niên quan tâm đến tình hình chính trị xã hội  (03/08/2012)
Thi làm “Tổng” giỏi  (31/07/2012)
Tình nguyện trên đất Lào  (31/07/2012)
Luôn tự giác học tập  (31/07/2012)