Dù năm nay, Bộ GD-ĐT đã thay đổi một số quy định trong tuyển sinh theo hướng gỡ khó “đầu vào” cho các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), nhưng các trường vẫn chưa thể yên tâm...
Trường Trung học Văn hóa - Nghệ thuật Bình Định và Trung học Kinh tế - Kỹ thuật Bình Định đã thu nhận hồ sơ của thí sinh từ đầu tháng 8. Ông Diệp Bá Sanh, Phó hiệu trưởng Trường Trung học Văn hóa - Nghệ thuật Bình Định, phân tích: Năm 2012, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường đại học hạn chế tuyển sinh hệ TCCN, nhưng trên thực tế các trường vẫn tuyển để đảm bảo chỉ tiêu. Đa số thí sinh thích học trung cấp ở các trường đại học, cao đẳng, bởi bằng tốt nghiệp ở đây dù sao cũng “oai” hơn! Hơn nữa, trường trung cấp chuyên nghiệp được phép xét tuyển nhiều đợt, nhưng vẫn phải chờ sau khi các trường đại học xét tuyển xong; trong khi mô hình liên thông trung cấp lên cao đẳng, đại học nhằm khuyến khích “đầu vào” vẫn chưa có nhiều thí sinh lựa chọn.
|
Giờ thực hành kỹ thuật đo đạc của học sinh Trường Trung học Kinh tế- Kỹ thuật Bình Định. |
Năm nay, hình thức tuyển sinh hệ TCCN cũng là xét tuyển (trừ ngành năng khiếu xét tuyển môn văn hóa, còn môn năng khiếu do hiệu trưởng quyết định). Việc xét tuyển căn cứ vào kết quả học tập ở bậc phổ thông, hoặc kết quả thi đại học, cao đẳng năm 2012 của thí sinh.
Năm 2012, Trường Trung học Văn hóa - Nghệ thuật Bình Định có kế hoạch tuyển 200 học sinh cho 9 ngành: sư phạm âm nhạc, sư phạm mỹ thuật, thư viện, du lịch, múa, mỹ thuật chuyên ngành, điêu khắc, mỹ thuật chuyên ngành đồ họa vi tính và quản lý văn hóa. Trường Trung học Kinh tế - Kỹ thuật Bình Định tuyển 700 chỉ tiêu hệ trung cấp chính quy và 200 chỉ tiêu hệ trung cấp vừa làm vừa học.
Lường trước tình hình tuyển sinh năm nay sẽ tiếp tục khó khăn, từ tháng 3, các trường đã cử cán bộ đến các tỉnh lân cận để chiêu sinh, kể cả việc gởi thông báo đến các xã trong tỉnh, đồng thời tích cực đăng thông báo tuyển sinh. Ông Hoàng Đức Lân, Hiệu trưởng Trường Trung học Kinh tế - Kỹ thuật Bình Định, kiến nghị: “Để gỡ khó cho các trường TCCN tuyển đầu vào đòi hỏi phải làm tốt công tác phân luồng học sinh THCS, các trường đại học không tuyển sinh hệ TCCN nữa, nhu cầu tuyển “thợ” nhiều”.
Ngay chính bản thân hai trường TCCN cũng đã có nhiều thay đổi, tích cực tạo mọi điều kiện thuận lợi, lấy chất lượng dạy-học để thu hút học sinh. Ông Sanh cho biết, Trường đang sửa một số phòng học thành phòng nội trú để hỗ trợ chỗ ở cho học sinh ở xa, có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Trong khi đó, Trường Trung học Kinh tế - Kỹ thuật Bình Định cũng vừa đưa vào sử dụng một dãy phòng ba tầng với 15 phòng học mới và sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng thư viện điện tử, phòng học ngoại ngữ và một số phòng thí nghiệm phục vụ việc dạy-học. Bên cạnh đó, các trường đang tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, nỗ lực tạo quan hệ với các công ty, doanh nghiệp giúp học sinh tìm việc làm sau khi tốt nghiệp ra trường.
|