Từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp (DN) đóng cửa khiến số công nhân mất việc tăng. Tuy nhiên, một số DN có nhu cầu tuyển công nhân, lao động phổ thông lại tuyển không ra người. Việc xuất khẩu lao động (XKLĐ) cũng đang “đứng” khiến thị trường lao động càng thêm khó khăn.
Cung - cầu bất cập
Đến hẹn lại lên, vào ngày 5 và 20 hàng tháng là phiên giao dịch định kỳ tại Sàn giao dịch việc làm của Trung tâm Giới thiệu việc làm (GTVL) Bình Định, nhưng số lao động đến tìm việc vẫn quá ít, trong khi nhu cầu tuyển dụng rất lớn, nhất là lao động phổ thông.
Tại mỗi phiên giao dịch việc làm, các DN trực tiếp hoặc thông qua Trung tâm GTVL Bình Định tuyển hàng ngàn lao động trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, các DN có nhu cầu tuyển 400-500 lao động làm các công việc: giáo viên, kế toán và nhân viên bán hàng, nhà hàng, lễ tân, buồng, bếp, quầy bar, nhân viên bảo trì, hành chính nhân sự, bảo vệ, trình dược viên, giao nhận hàng, kinh doanh, tạp vụ, giám sát bán hàng, tài xế taxi… Ngoài ra, các DN còn có nhu cầu tuyển dụng từ 1.000-1.500 lao động phổ thông làm các công việc: may công nghiệp, chế biến gỗ, nuôi tôm, xây dựng, cơ khí…
|
DN phỏng vấn trực tiếp người lao động tại Phiên giao dịch việc làm do Trung tâm GTVL Bình Định tổ chức. Ảnh: N.P |
Ông Đỗ Thành Sơn, Giám đốc Trung tâm GTVL Bình Định, nhận xét: “Nghịch lý của thị trường lao động hiện nay là nhiều DN cần tuyển lao động phổ thông, lao động có tay nghề với số lượng lớn thì tuyển không ra người. Ngược lại, các ngành kế toán, quản trị kinh doanh, tin học… nhu cầu ít nhưng số người đăng ký dự tuyển đông, nhà tuyển dụng lại yêu cầu cao nên nhiều sinh viên mới ra trường không có kinh nghiệm bị loại. Điều này cho thấy tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” vẫn cứ tiếp diễn”.
Trung tâm Dạy nghề- GTVL Thanh niên tỉnh cũng gặp cảnh tương tự. Dù mỗi tháng có 2-3 DN thông qua Trung tâm tuyển 70-100 lao động phổ thông, công nhân có tay nghề nhưng Trung tâm không thể đáp ứng vì không có nguồn. Mỗi tháng Trung tâm chỉ giới thiệu 20-30 lượt lao động tìm việc nhưng chỉ là những công việc thời vụ như: nhân viên bán hàng, nhân viên thị trường…
Ông Trần Hữu Hiệu, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề - GTVL Thanh niên tỉnh, cho biết: “Dù chúng tôi đã thông qua hệ thống tổ chức Đoàn thanh niên thông báo về tận cơ sở nhưng vẫn không tìm ra lao động để giới thiệu cho các DN cần tuyển công nhân may, công nhân gỗ, thợ cơ khí, thợ hàn, thợ xây dựng… Trong khi đó, hồ sơ của người lao động có trình độ từ trung cấp đến đại học các nghề kế toán, quản trị kinh doanh, tin học văn phòng… nộp tại Trung tâm luôn trong tình trạng quá tải; nhiều hồ sơ nộp từ năm trước còn tồn đọng, đến giờ vẫn chưa giới thiệu được việc làm cho họ”.
Nói về khó khăn trong việc tuyển lao động tại DN mình, ông Trần Tấn Ba, Trưởng Phòng tổ chức - hành chính DNTN Minh Đức (Cụm công nghiệp Quang Trung, TP Quy Nhơn), than: “Do mở rộng sản xuất nên DN có nhu cầu tuyển thêm 100 công nhân, với thu nhập từ 2 triệu đến 3 triệu đồng/người/tháng, có ký hợp đồng và đảm bảo thực hiện đầy đủ các chế độ với người lao động. Dù đã thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trung tâm GTVL hơn 10 ngày qua, nhưng chỉ mới có 3 trường hợp đến xin việc”.
XKLĐ “đứng” vì thiếu nguồn
“Nhiều DN cần tuyển lao động phổ thông, lao động có tay nghề với số lượng lớn thì tuyển không ra người. Ngược lại, các ngành kế toán, quản trị kinh doanh, tin học… nhu cầu ít nhưng số người đăng ký dự tuyển đông, nhà tuyển dụng lại yêu cầu cao nên nhiều sinh viên mới ra trường không có kinh nghiệm bị loại”
Ông Đỗ Thành Sơn, Giám đốc Trung tâm GTVL Bình Định
|
Không chỉ thị trường lao động trong nước mà hiện nay, XKLĐ cũng đang gặp khó khăn, do số người đăng ký đi XKLĐ không nhiều dù các DN đã nỗ lực tuyên truyền, vận động.
Từ đầu năm đến nay, Công ty cổ phần Xây dựng 47 chỉ đưa được khoảng 20 lao động sang Malaysia làm việc với các công việc như: Lắp ráp đồ điện tử, đóng gói bao bì, xây dựng… Ông Phạm Văn Lịch, Trưởng phòng dịch vụ XKLĐ, Công ty cổ phần Xây dựng 47, cho biết: “Công ty đã phối hợp với địa phương về tận các thôn, xóm, từng nhà dân ở các huyện, nhất là ba huyện nghèo Vân Canh, An Lão, Vĩnh Thạnh để tuyên truyền chính sách XKLĐ nhưng số người đăng ký đi quá ít. Hiện Công ty phải mở rộng địa bàn đến các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận và các tỉnh Tây Nguyên để vận động, tuyên truyền người dân đi XKLĐ”.
Công tác tuyên truyền cho XKLĐ của Trung tâm Dạy nghề - GTVL Thanh niên tỉnh cũng được đẩy mạnh nhưng đến nay chỉ có 28 lao động đăng ký đi làm việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc, trong đó 14 lao động đã trúng tuyển và 3 lao động đã được đưa sang Hàn Quốc, Nhật Bản làm việc. Theo ông Trần Hữu Hiệu, Giám đốc Trung tâm, đi làm việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc thì thu nhập cao, chi phí đi giảm hơn trước nhưng việc tuyển dụng rất khắt khe về tay nghề, ngoại ngữ nên tỉ lệ trúng tuyển thấp; khi trúng tuyển người lao động phải chờ kéo dài cả năm mới đi được nên nhiều người nản.
Để vực dậy hoạt động XKLĐ, trong tháng 6 và tháng 7 vừa qua, Trung tâm GTVL Bình Định đã phối hợp với chính quyền địa phương và các DN XKLĐ tổ chức tư vấn, tuyên truyền cho 11 xã, thị trấn thuộc 3 huyện nghèo: Vân Canh, An Lão, Vĩnh Thạnh. Hiện Trung tâm tiếp tục tư vấn, tuyên truyền về thị trường, chính sách XKLĐ cho các địa phương còn lại trên địa bàn tỉnh để người lao động biết đăng ký đi XKLĐ.
|