Nhiều trở ngại trong giáo dục hòa nhập
19:28', 14/9/ 2012 (GMT+7)

Mục tiêu của chiến lược giáo dục trẻ khuyết tật là đến năm 2015, hầu hết trẻ khuyết tật Việt Nam có cơ hội bình đẳng trong tiếp cận một nền giáo dục có chất lượng, được trợ giúp để phát triển tối đa tiềm năng, tham gia và đóng góp tích cực cho xã hội. Do đó, hàng năm, Bộ GD-ĐT đều chỉ đạo các Sở GD-ĐT thống kê số trẻ khuyết tật trên địa bàn và lập kế hoạch tiếp nhận, huy động trẻ đi học. Vào mỗi năm học mới, Sở GD-ĐT đều yêu cầu các trường phải nỗ lực tạo điều kiện học tập bình đẳng cho học sinh khuyết tật. Tuy nhiên, vẫn còn không ít cán bộ quản lý và giáo viên chưa nhận thức đầy đủ về việc này.

Câu chuyện mới đây về một học sinh khiếm thính bị từ chối nhận vào học ở một trường THPT là ví dụ. Học sinh ấy đã rất nỗ lực học tập, thi đậu đầu vào của một trường THPT, nhưng đến ngày nhập học thì em bị chính Ban giám hiệu nhà trường vận động… chuyển trường, với lý do trường chưa có điều kiện dạy-học đặc thù. Sau nhiều lần ngược xuôi nhờ giúp, cuối cùng học sinh khiếm thính ấy cũng được trường này nhận vào học. 

Một câu chuyện khác, cô bé khuyết tật hai chân, có đôi mắt sáng, nụ cười hồn nhiên. Năm học này, bé học lớp 1. Vậy nhưng, khi người cô nuôi bé - mẹ mất ngay khi vừa sinh em - ngỏ ý nhờ cô giáo chủ nhiệm lớp phụ đạo thêm để em theo kịp các bạn thì bị cằn nhằn: “Khuyết tật mà học chi lắm!”…

Bình Định hiện chỉ có 1 trường dạy học sinh khuyết tật cấp tiểu học là Trường Chuyên biệt Hy Vọng Quy Nhơn. Tuy nhiên, cơ sở vật chất chưa đảm bảo nên số lượng học sinh “đầu vào” cũng có hạn. Ở huyện Tuy Phước có Trường THCS Phước An được đầu tư cơ sở để tiến hành dạy giáo dục hòa nhập cho học sinh bậc THCS, nhưng hiệu quả cũng chưa nhiều. Riêng cấp THPT, đến thời điểm này chưa có trường nào được đầu tư cho việc này.

Đành rằng, cơ sở hạ tầng, thiết bị phục vụ việc dạy và học hòa nhập dành cho học sinh khuyết tật của tỉnh ta còn thiếu thốn. Đành rằng, việc giảng dạy học sinh khuyết tật đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của giáo viên, trong khi chế độ ưu đãi lại không có… Vẫn còn nhiều lo ngại trong giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật trong các trường học, nhưng với bất cứ lý do nào cũng không thể tước đi quyền được học tập của trẻ khuyết tật. Đặc biệt, khi những lý do ấy lại bắt nguồn từ sự nghi ngại của chính cán bộ quản lý trường và giáo viên...

  • KIM KHÁNH
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ước mơ trở thành nhà khoa học   (14/09/2012)
Vượt khó, vươn đến ngày mai tươi sáng  (14/09/2012)
Thí sinh Việt Nam giành giải Nhất piano quốc tế  (13/09/2012)
Làm giàu với nghề nuôi bồ câu  (11/09/2012)
Người trẻ đưa nước về với dân  (11/09/2012)
Đảm bảo cho mọi trẻ em đều được vui Tết Trung thu  (11/09/2012)
Đại học Quy Nhơn công bố điểm trúng tuyển nguyện vọng bổ sung   (10/09/2012)
Hội thi “Cán bộ Ðoàn giỏi” năm 2012  (10/09/2012)
Tỉnh Bình Định sử dụng kinh phí dạy nghề kịp thời, đúng mục tiêu  (07/09/2012)
Tuổi trẻ Phù Cát chung tay xây dựng nông thôn mới  (07/09/2012)
Mang lại hiệu quả về nhiều mặt  (05/09/2012)
Bí quyết tập hợp thanh niên ở Tây Sơn  (04/09/2012)
Thái Trung Hiếu với niềm đam mê toán học  (03/09/2012)
Trao 50 suất học bổng “Sacombank- Ươm mầm cho những ước mơ”   (03/09/2012)
Giao lưu, trao học bổng Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ huyện Vĩnh Thạnh  (03/09/2012)