Sinh viên tốt nghiệp các ngành kinh tế:
Khó khăn tìm việc
21:15', 21/9/ 2012 (GMT+7)

Hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp các ngành kinh tế (kế toán, quản trị kinh doanh) từ đại học đến trung cấp đang vất vả tìm việc, bởi nhu cầu tuyển dụng thì ít mà số người tìm việc thì ngày càng nhiều.

Nhu cầu đã bão hòa?

Một thực tế là, chỉ riêng tại Bình Định, các trường ĐH, CĐ, trung cấp, các trung tâm, cơ sở đào tạo đều tổ chức tuyển sinh và đào tạo số lượng lớn sinh viên, học viên các ngành kế toán, quản trị kinh doanh. Do đào tạo chạy theo số lượng và nhu cầu người học mà không quan tâm đến nhu cầu xã hội, nên sau khi ra trường, nhiều sinh viên không tìm được việc làm vì nguồn cung vượt cầu.

 
Đa số lao động tham gia Phiên giao dịch việc làm đều tốt nghiệp ngành kế toán, quản trị kinh doanh. Ảnh:  NGUYỄN PHÚC

Theo ông Phan Thanh Trị, Trưởng phòng Giới thiệu việc làm, Trung tâm Dạy nghề - Giới thiệu việc làm thanh niên Bình Định, so với các ngành nghề khác thì số người tốt nghiệp các ngành kinh tế thông qua Trung tâm để tìm việc làm luôn quá tải. Trong năm 2011, có 125 hồ sơ của người tốt nghiệp các ngành kinh tế nhờ Trung tâm tìm việc làm nhưng chỉ có 20 hồ sơ được giới thiệu cho các nhà tuyển dụng. Còn từ đầu năm 2012 đến nay, Trung tâm đã nhận được 200 hồ sơ học các ngành kinh tế, chỉ giới thiệu việc làm được cho 41 hồ sơ.

Tuy nhiên, theo ông Trị, không phải lao động nào cũng được giới thiệu việc làm đúng với chuyên ngành đã học. Có người học quản trị kinh doanh đi làm nhân viên tiếp thị, nhân viên thị thường, nhân viên bán hàng; còn người học kế toán thì đi làm thủ quỹ, thu ngân…

Theo thống kê của Trung tâm Giới thiệu việc làm Bình Định, từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã nhận gần 800 hồ sơ của lao động tốt nghiệp ngành kế toán, đã giới thiệu cho các DN 491 lao động, trong đó có 56% làm đúng chuyên ngành kế toán, còn lại là làm việc trái ngành.

Do số người tốt nghiệp các ngành kế toán, quản trị kinh doanh chiếm số lượng lớn nên các DN tuyển dụng yêu cầu cao, trong khi lương thấp: ứng viên phải có kinh nghiệm, ưu tiên học các trường công lập; mức lương dao động từ 1,5 triệu đến 3 triệu đồng/tháng.

Chị Trần Thị Lê Vy, tốt nghiệp ĐH ngành kế toán đã 3 năm nhưng vẫn chưa tìm được việc làm đúng chuyên môn, cho biết: “Thời gian qua, tôi phải đi làm nhân viên bán hàng, thu ngân để chờ tìm việc làm kế toán đúng với chuyên ngành đã học. Mỗi khi biết có DN nào tuyển dụng kế toán là tôi đều mang hồ sơ đến nộp. Dù DN chỉ tuyển 1-2 vị trí nhưng có đến cả trăm hồ sơ đăng ký”.

Đào tạo ồ ạt, chất lượng không cao

Vì chạy theo số lượng nên các trường không quan tâm nhiều đến chất lượng đào tạo, dẫn đến sinh viên tốt nghiệp ra trường không đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng về trình độ chuyên môn.

Ông Trần Hữu Hiệu, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề - Giới thiệu việc làm thanh niên Bình Định, cho biết: “Một số trường không có thương hiệu, chất lượng đào tạo không tốt nên nhà tuyển dụng chê ngay từ khi mới đọc hồ sơ lao động. Dù nhiều em tốt nghiệp bằng khá, giỏi nhưng giới thiệu 2-3 DN không nhận”. Theo ông Hiệu, một trong những nguyên nhân chính là trong quá trình học tập, các em không đi thực tập tại các DN mà chỉ thực tập ảo bằng cách mượn đề tài thực tập của người khác sao chép lại rồi đem nộp, dẫn đến không có kiến thức thực tiễn, khi bắt tay vào làm việc không đạt yêu cầu.

Ông Đinh Long Bình, Trưởng Phòng kế toán Công ty TNHH La Ngà, nhìn nhận: Nhiều sinh viên tốt nghiệp kế toán, quản trị kinh doanh mới ra trường không có kinh nghiệm, lại còn mơ hồ với công việc mình làm. Thậm chí, có những em tốt nghiệp ngành kế toán bằng khá, nhưng khi nhà tuyển dụng hỏi về nghiệp vụ, công việc kế toán thì hầu như không biết. Nếu nhận vào, DN phải đào tạo lại một thời gian.

Tại phiên giao dịch việc làm diễn ra ngày 20.9 do Trung tâm Giới thiệu việc làm Bình Định tổ chức, Công ty cổ phần Quốc tế Thiên Phú cần tuyển 30 nhân viên kinh doanh trang thiết bị y tế nhưng đã nhận 46 hồ sơ đăng ký tuyển dụng. Trong số này, có đến 45/46 hồ sơ của ứng viên tốt nghiệp kế toán từ trung cấp đến ĐH. Qua phỏng vấn vòng 1, DN chỉ chọn được 24 hồ sơ đạt yêu cầu và đang tập huấn kỹ năng mềm và chuyên môn cho các ứng viên, sau đó sàng lọc để chọn ra 15 ứng cử viên đáp ứng được yêu cầu công việc.

Ông Trần Thanh Trúc, chuyên gia Công ty cổ phần Quốc tế Thiên Phú, trực tiếp tham gia phỏng vấn lao động, cho biết thêm: “Ngoài trình độ học vấn và các bằng cấp thì người lao động cần có các kỹ năng mềm, sự nhạy bén trong xử lý công việc và giao tiếp. Hầu hết các lao động tham gia phỏng vấn đều thiếu kỹ năng này. Vì vậy, ngoài việc quan tâm đến chất lượng đào tạo thì các trường cũng cần trang bị kỹ năng mềm cho sinh viên để các em thuận lợi hơn khi ra trường, đi xin việc làm”.

NGUYỄN PHÚC

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chiến dịch tình nguyện hè 2012 thu hút đông đảo ĐVTN tham gia  (20/09/2012)
Hiến kế tặng Ðoàn  (19/09/2012)
Chung tay xây dựng nông thôn mới  (19/09/2012)
Tuổi trẻ và tình yêu biển đảo  (18/09/2012)
Cậu học trò hiếu học ở xã đảo Nhơn Châu  (17/09/2012)
21 sinh viên Bình Định được trao học bổng “Tiếp sức đến trường”  (16/09/2012)
Nhiều trở ngại trong giáo dục hòa nhập  (14/09/2012)
Ước mơ trở thành nhà khoa học   (14/09/2012)
Vượt khó, vươn đến ngày mai tươi sáng  (14/09/2012)
Thí sinh Việt Nam giành giải Nhất piano quốc tế  (13/09/2012)
Làm giàu với nghề nuôi bồ câu  (11/09/2012)
Người trẻ đưa nước về với dân  (11/09/2012)
Đảm bảo cho mọi trẻ em đều được vui Tết Trung thu  (11/09/2012)
Đại học Quy Nhơn công bố điểm trúng tuyển nguyện vọng bổ sung   (10/09/2012)
Hội thi “Cán bộ Ðoàn giỏi” năm 2012  (10/09/2012)