Năm nào cũng vậy, cứ đến trước Trung thu là ông bà lại bận bịu. Ông lên hiệu sách nhỏ trên thị trấn mua về giấy màu, đồ trang trí, keo dán…; trong khi các thanh tre mảnh để làm lồng đèn ông đã vót sẵn, phơi khô từ trước đó. Ông không quên giở cuốn sổ nhỏ có ghi nhớ cẩn thận rằng, năm ngoái, năm kia năm kìa đã làm lồng đèn màu nào, hình con vật gì, dành cho đứa nào… để năm nay làm không bị trùng. Bà, đảm trách khâu làm bánh Trung thu, cũng chuẩn bị sẵn sàng những nguyên liệu tươi ngon từ vườn nhà: nếp, đậu xanh, hạt sen, gừng tươi; chỉ cần mua thêm ký đường trắng, vani… là có thể làm cho đám cháu 2 loại bánh đậu xanh và bánh nếp nhân hạt sen thơm phức.
Bằng cách ấy, mấy đứa cháu trên thành phố năm nào cũng được hưởng một mùa Trung thu ý nghĩa và đặc biệt so với đám bạn cùng khu phố. Đèn lồng của ông tặng, khi là hình ông sao, cá chép, quả khế, hình thoi; có ngọn tim đèn đã thấm sẵn dầu để đốt làm nến. Kẹo đậu xanh bà làm vo viên tròn như viên bi, được gói trong giấy kiếng đủ màu; bánh nếp nhân hạt sen in bằng khuôn gỗ, nổi lên những hoa văn xinh xinh. Chúng tự hào góp những món quà quê đơn sơ ấy vào mâm phá cỗ bên cạnh các món ngon phố thị đắt tiền mà chúng bạn mang đến.
Không có niềm an ủi nào lớn hơn, khi ông bà biết rằng những chiếc lồng đèn ông tặng qua mỗi mùa Trung thu vẫn được chúng nâng niu, giữ gìn. Vì xa xôi cách trở, mỗi năm ông bà chỉ gặp các cháu vào hai dịp Tết và hè. Quà quê Trung thu gởi lên phố là cách ông bà gởi gắm tình thương, sự kỳ vọng đến các cháu và nuôi dưỡng tình cảm gia đình khắng khít. Ở quê nhà, ông bà hình dung, những khu phố rộn rã nơi nhà các con, dưới ánh sáng vằng vặc của đêm Rằm tháng Tám, ánh lên nét mặt thơ ngây hân hoan của các cháu. Lại bồi hồi trong hoài niệm Trung thu xưa, như cũng dự phần vào ngày tết trẻ thơ của cháu.
Giữ thói quen làm quà Trung thu cho các con ngày xưa và bây giờ cho đám cháu, ông bà gieo niềm tin mãnh liệt rằng, ngày trăng tròn nhất trong năm, mọi thứ đều sáng sủa, tròn đầy. Cũng như ông bà đặt cầu mong vào sự thành nhân, thành công của các cháu trong tương lai. Tết Trung thu, tết yêu thương, báo hiếu, đoàn viên, từ trên phố, lại có những món quà xuôi về cội nguồn.
|