Không chỉ giúp học sinh cập nhật kiến thức, rèn luyện tư duy và kỹ năng làm bài hiệu quả, các cuộc thi Toán, tiếng Anh qua mạng Internet còn tạo động lực để các trường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hoàn thiện cơ sở vật chất.
Tính đến nay, cuộc thi Giải Toán qua Internet (ViOlympic - do Bộ GD&ĐT phối hợp với Trường Đại học FPT tổ chức) đã bước sang năm thứ tư. Còn Cuộc thi Olympic tiếng Anh trên Internet (IOE - do Bộ GD&ĐT phối hợp với Mạng Việt Nam (go.vn) tổ chức) đã ba lần diễn ra. Nội dung của hai cuộc thi trên thay đổi theo từng năm nhằm mở rộng đối tượng dự thi và nâng cao chất lượng. Năm học 2011-2012, ViOlympic mở rộng sang khối THPT. Năm học này, IOE thay đổi nội dung các vòng thi chính thức cấp trường, cấp tỉnh, cấp toàn quốc, và chính thức ra mắt cuộc thi Olympic tiếng Anh trên di động (IOE SMS)- một hình thức tự luyện hoàn toàn mới của IOE.
|
Học sinh tham dự Cuộc thi giải Toán trên Internet cấp quốc gia năm học 2011-2012 |
Thu hút cả học sinh các trường miền núi
Năm học 2012-2013, Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Thạnh là đơn vị cuối cùng đăng ký tham gia IOE. Ông Đào Văn Minh, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Ngay năm đầu tiên tổ chức, IOE đã thu hút hàng trăm học sinh trong huyện tham gia. Thật ra, lâu nay học sinh và phụ huynh rất háo hức với các cuộc thi qua mạng, nhưng vì vướng kinh phí mua sắm máy tính nên Phòng không thể tổ chức sớm hơn”.
Thống kê của Sở GD&ĐT cho thấy, số học sinh đăng ký tham gia ViOlympic và IOE tăng nhanh từng năm. Ông Trần Văn Cơ, Phó trưởng Phòng Giáo dục trung học (Sở GD&ĐT) cho biết: “IOE năm nay thu hút hàng nghìn học sinh của 11/11 phòng GD&ĐT và 34 trường THPT (tăng 6 trường THPT so với năm ngoái). Bình quân lượng học sinh tham gia IOE năm sau tăng hơn năm trước khoảng 10%. Đáng phấn khởi, phòng GD&ĐT các huyện miền núi như An Lão, Vân Canh đều tổ chức thực hiện khá tốt, góp phần nâng cao trình độ ngoại ngữ cho học sinh là người dân tộc thiểu số”.
Tương tự như IOE, ViOlympic năm nay dù chưa diễn ra nhưng hứa hẹn sẽ đạt kỷ lục về số học sinh tham gia bởi hiện nay hầu hết các trường đều sôi nổi chuẩn bị cho cuộc thi này. Năm học 2011-2012, tỉnh Bình Định có số học sinh dự ViOlympic cấp toàn quốc đông nhất cả nước với 40 học sinh; trong đó 12 học sinh đoạt giải, dẫn đầu cả nước.
Hiệu quả thiết thực
“Các cuộc thi qua mạng Internet góp phần đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong trường học. Hiện 475/626 trường và các cơ sở giáo dục đã kết nối Internet (đạt tỉ lệ 75,87%), trong đó có 100% trường THPT; 97,85% trường THCS; 95,02% trường Tiểu học; 21,80% trường Mầm non. Một số trường ở vùng xa cũng đã được kết nối Internet bằng công nghệ 3G hoặc Wireless. Nhiều trường THPT đã kết nối Internet băng thông rộng. Sở cũng đã đầu tư kinh phí để trang bị thiết bị tin học cho các phòng GD&ĐT. Các cuộc thi trên Internet theo hình thức “học mà chơi, chơi mà học” này không chỉ cung cấp nhiều kiến thức bổ ích cho học sinh mà còn góp phần giảm tình trạng học sinh mê trò chơi điện tử hay tham gia vào các tệ nạn xã hội”.
Ông TRẦN ĐỨC MINH, Giám đốc Sở GD&ĐT. |
Từng nhiều năm làm công tác coi thi cho ViOlympic, thầy Nguyễn Lê Việt, giáo viên Tin học Trường THCS thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước), nhận xét: “Đề thi theo từng năm có độ khó cao hơn, đòi hỏi học sinh phải tư duy nhạy bén. Kiến thức trong đề thi chủ yếu trong sách giáo khoa nhưng được nâng dần theo cấp độ. Tham gia thi Toán qua mạng, học sinh rèn được tư duy làm bài nhanh, chính xác, kỹ năng tính nhanh”.
Với IOE, việc đưa thêm nội dung nghe vào phần tự luyện giúp học sinh tăng cường kỹ năng nghe, vốn là “điểm yếu” của nhiều em. Đặc biệt, việc cho phép học sinh lớp 11 tham gia vòng thi quốc gia đã tạo thêm điều kiện để nhiều em có khả năng có cơ hội được thử sức. Nhiều học sinh cho rằng, tham gia các cuộc thi trên mạng giúp các em “học hỏi qua sai lầm”, vì khi làm sai thì có thể “trở lui” để làm lại, nhờ vậy mà nhớ lâu hơn.
Dù khuyến khích học sinh tích cực tham gia vào các cuộc thi trên mạng, nhưng thực tế đa số trường gặp khó khăn về khâu tổ chức. Thầy Nguyễn Lê Việt cho biết: “Các trường thường chỉ có tối đa chừng 20 máy tính, trong khi số lượng học sinh đăng ký dự thi vượt rất xa. Cuộc thi IOE cấp trường vừa tổ chức, riêng khối 6 đã có 62 học sinh tham gia. Trường phải chọn giải pháp “chia ca” để đảm bảo tất cả học sinh đều được dự thi”.
Xác định đây là các cuộc thi rất bổ ích, thời gian tới, ngành giáo dục cần tiếp tục đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong trường học. Đồng thời, ngành GD&ĐT cũng cần khuyến khích các trường tổ chức mở cửa phòng máy tính miễn phí cả ngày để những học sinh có hoàn cảnh khó khăn được thường xuyên tiếp xúc với máy tính, từ đó có cơ hội tham gia các cuộc thi trên mạng.
|