|
Trung tâm Dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên Bình Định tư vấn, hướng nghiệp cho các phạm nhân đang thụ án tại Trại giam Kim Sơn. |
Làm thế nào để nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm dạy nghề, trung tâm giới thiệu việc làm cho thanh niên (gọi tắt là các TT); để TT không chỉ “sống được, sống khỏe” mà còn là cầu nối để thanh niên đến với Đoàn, Hội…
Vấn đề đã được nhiều đại biểu đặt ra tại Hội nghị giao ban các trung tâm dạy nghề thanh niên, trung tâm giới thiệu việc làm thanh niên toàn quốc, do Tỉnh đoàn Bình Định đăng cai tổ chức tại TP Quy Nhơn vừa qua…
Tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, hoạt động tư vấn việc làm, tư vấn nghề có phần sôi nổi và hiệu quả hơn, và hướng về những bạn trẻ yếu thế trong xã hội. Chẳng hạn, Trung tâm Hướng nghiệp và Giới thiệu việc làm thanh niên TP Hồ Chí Minh tổ chức thực hiện như mô hình “Nâng cao nhận thức và hỗ trợ thanh niên hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng”, còn Trung tâm Giới thiệu việc làm thanh niên Hà Nội thì tổ chức “Ngày hội việc làm hòa nhập người khuyết tật”.
Gần hơn và ở điều kiện tương tự với Bình Định, tỉnh Quảng Nam đã tận dụng được lợi thế các cơ sở đoàn vốn gần gũi, nắm các hoạt động của thanh niên địa phương, để tổ chức thành những địa chỉ tin cậy chuyên cung cấp các hoạt động tư vấn, giới thiệu và cung ứng việc làm cho thanh niên.
Còn ông Trần Tân Định, Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm thanh niên Bình Dương lại chia sẻ kinh nghiệm “tận dụng mặt bằng cho thuê, Trung tâm được lợi nhiều bề”. Mô hình “cà phê việc làm” triển khai tại Trung tâm từ tháng 6.2012 cũng dựa trên nguyên tắc này, đang được đánh giá là khá thành công. “Doanh nghiệp thuê mặt bằng bán cà phê, giải khát nhưng lại dành riêng một chỗ để giới thiệu bảng tin về việc làm, tuyển dụng. Doanh nghiệp cũng có thể đến đó để tuyển dụng công nhân; và ngược lại…”- ông Định nói.
Tại Bình Định, Trung tâm Dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên tỉnh hiện vẫn đang thực hiện 3 chức năng: Tư vấn, hướng nghiệp cho thanh niên; giới thiệu việc làm trong nước và xuất khẩu lao động; đào tạo nghề thường xuyên và ngắn hạn. Trung bình hàng năm, Trung tâm liên kết đào tạo khoảng 1.500-1.800 lao động, tổ chức đào tạo nghề chính quy cho 400-500 người; tư vấn hướng nghiệp, học nghề cho hàng ngàn lượt người.
Ông Trần Hữu Hiệu, Giám đốc Trung tâm, cho biết: “Cái khó nhất của Trung tâm hiện nay là thiếu kinh phí hoạt động, nhân lực vừa thiếu lại vừa yếu và trang thiết bị lạc hậu. Trung tâm đang trình Ban Thường vụ Tỉnh đoàn kế hoạch triển khai Đề án 103 hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2013-2015, trong đó tăng cường tuyên truyền tư vấn, hướng nghiệp, tư vấn hỗ trợ thanh niên học nghề khởi sự doanh nghiệp, giám sát hoạt động dạy nghề...”.
Hiện nay, thị trường lao động tại Bình Định đang trong cảnh “thừa thầy, thiếu thợ”. Nhiều bạn trẻ tốt nghiệp ĐH, CĐ đã lâu song rất khó kiếm được việc làm; trong khi đó DN lại đỏ mắt kiếm lao động phổ thông, lao động có tay nghề. Ngoài ra, có một bộ phận thanh niên chậm tiến trở về từ các cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng hoặc trại giam cũng cần được tư vấn, tạo việc làm để tránh tình trạng “ngựa quen đường cũ”.
Bởi vậy, công tác tư vấn, hướng nghiệp, chọn ngành nghề đúng; hỗ trợ thanh niên tìm kiếm việc làm là điều rất quan trọng. Chị Nguyễn Thị Phong Vũ, Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết, sắp tới Tỉnh đoàn cũng sẽ trình với UBND tỉnh về việc tiếp tục thực hiện Đề án 103 giai đoạn 2013-2015 theo hướng nhờ tỉnh hỗ trợ kinh phí.
|