Gò Bồi trong ký ức Xuân Diệu
21:44', 31/1/ 2005 (GMT+7)

Là một nhà thơ, Xuân Diệu ghi lại ký ức của mình theo kiểu viết "lịch sử trái tim", và bức tranh Gò Bồi của những năm đầu thế kỷ hiện về với khung cảnh, những con người, những số phận trong cái nhìn thấm đẫm tình cảm của ông.

Nét quê

Đây, "Con sông làng Tùng Giản, ngày hai lần lên xuống theo nước thủy triều, ghe xuồng vào tuốt trong chợ Đình, nhà cửa bằng tre lá đơn sơ nằm trên một cù lao, bao quanh là nước xà hai dát cát bồi lên thành gò, nên người ta gọi là Gò Bồi". Còn đây, "Mặt tiền Gò Bồi ngó ra sông ghe thuyền san sát, nhà ngói chằng chịt cao thấp không đều… những chiếc ghe bầu to lớn từ xa đến cất nước mắm hoặc trao đổi các đặc sản địa phương cho các chủ vựa, như lu, khạp, mật ong, chiếu bông của Quảng Nam, đường phổi, đường thẻ nổi tiếng của Quảng Ngãi hoặc lãnh, lụa Ngân Sơn của Phú Yên".

Trong ký ức của ông, Gò Bồi có nem chả ngon nổi tiếng, nước mắm cũng nổi tiếng vì đượm, vì ngon, có loại mắm bà ngoại ông để đến mười tám năm, nếm một lần cứ muốn nếm hoài, nếm mãi. Và những cơn lụt hồ thủy, từ bờ sông nước trong xanh như mặt hồ, nhẹ nhàng bò vào sân và dừng lại bậc tam cấp gạch, rồi tràn vô nhà, lách tách vỗ vào vách mang theo những lá khô, rác rều và củi mục. Làng Tùng Giản, Vạn Gò Bồi ngày ấy có trường hát cải lương, hát bội, có tiệm thuốc phiện, có quán nước, sòng bạc…

Mô tả khá chi tiết của Xuân Diệu cho ta hình dung về Gò Bồi ngày ấy có diện mạo của một thị tứ sầm uất ven sông và đặc biệt thương mại đường biển phát triển. Đó là khung cảnh, là cái bên ngoài, "nhưng bên trong những gia đình, cuộc đời của mỗi người có những gay cấn khổ đau mà chắc tuổi nhỏ của tôi nào có thông hiểu được". Vâng! Xuân Diệu để lòng mình ghi lại những số phận, những con người cụ thể mà cuộc sống gắn chặt với quê hương, với hoàn cảnh xã hội lúc đó. Ông có một bạn Cúc tóc phủ tai, da xanh khô, mắt sâu hõm, nằm trên chiếc võng ngắn cũn rách bươm, ruồi bay quanh từng đàn, đói đã mấy ngày không có cơm ăn. Trong ký ức của ông còn có một ông Túc phu trường, vợ chết sớm, con đi học mà không áo mặc, bữa cơm khoai chỉ có đĩa muối ớt. Và nữa, một chị Phương đẹp, có chút ít chữ nghĩa, muốn đi học tiếp mà không được, không chịu nổi ông bố nghiêm khắc, mẹ ghẻ ác nghiệt, trốn nhà bỏ theo đoàn cải lương. Chị bị cha bắt về, đánh một trận nhừ tử, cạo trọc đầu rồi đuổi đi, cuối cùng chị thay ông Thiệt già yếu, chống đò bên sông qua ngày. Còn chị Nho Văn thì sống nhờ, ăn cơm thừa, đằng đẵng chờ chồng vào Nam kiếm việc làm vì quê nhà hạn hán, mất mùa, chờ mãi mà chồng vẫn cứ biệt tăm. Và còn nhiều lắm những má Năm nhân hậu, những cậu Nhứt, chú Cự… trong nghèo khổ, tối tăm nhưng "tình yêu thương giữa bà con, cô bác trong vùng đượm tình gia đình, máu thịt". Đó chính là tình người, là bản sắc "trọng tình" của người dân của một vùng cư dân nông nghiệp, là cái để mà cộng đồng tồn tại qua những thăng trầm của số phận, của lịch sử.

Đọc Hồi ký của Xuân Diệu về Gò Bồi, được trải nghiệm từ những suy nghĩ và cảm xúc của ông về nơi chôn rau, cắt rốn của mình, tôi có được cái cảm giác lịch sử từ những gì ông ghi lại cho đời sau. Ông viết: "… tôi thấy mặt người dưới thời Pháp thuộc rất buồn; mặt người nào như cũng có cái gì uất ức, bố tôi cũng thế, chú tôi cũng thế". Đó là cảm giác về những thân phận nô lệ ngay trên quê hương mình. Và nếu ta làm một phép so sánh, những gì mà ta có hôm nay thật quá đỗi lớn lao.

. Ngô Hồng Sơn

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>