Hoài Đức - vùng đất văn hóa và lịch sử
22:16', 31/1/ 2005 (GMT+7)

Cùng với việc mở rộng cương giới về phía Nam của nhà nước Đại Việt, những cư dân Việt cũng dần dần di chuyển về phía Nam lập nghiệp. Vùng đất Hoài Đức, huyện Hoài Nhơn ngày nay được hình thành và phát triển từ những cuộc di dân như thế.

Trên đồng cói Hoài Đức (Hoài Nhơn)

Lại Khánh và Bình Chương là 2 làng đầu tiên được hình thành ở Hoài Đức. Sau đó, tiếp tục chia thành 4 làng nữa gồm: Định Bình, Diễn Khánh, Văn Cang và Lại Đức. Những dòng họ chính đến định cư đầu tiên ở vùng đất này là họ Đặng, họ Hồ, họ Dương và họ Phùng.

Về tín ngưỡng dân gian, Hoài Đức có dáng dấp như một làng Việt cổ. Tại hầu hết các làng đều có đình, đền thờ, nhưng trải qua biến động của lịch sử và chiến tranh nhiều ngôi đình, đền thờ đã bị tàn phá. Ngày nay, Hoài Đức vẫn còn giữ được một vài ngôi đền, tương truyền rất linh thiêng, như đền thờ "Bà Chúa Tằm" thôn Lại Khánh, Lăng Bà Vú ở chân núi Bích Khê, đèo Phủ Cũ.

Hoài Đức còn có một ngôi miếu cổ. Nơi đây, những năm hạn hán dân làng thường tổ chức làm lễ tế Trời cầu mưa. Trong văn hóa dân gian, nghi lễ cầu mưa là nghi lễ của cư dân trồng lúa nước, được bảo lưu khá lâu đời không chỉ ở nước ta mà cả khu vực Đông Nam Á. Nghi lễ này, có lẽ còn sót lại duy nhất ở Hoài Đức. Ngoài ra, Hoài Đức còn có miếu thờ Thần Nông (thần nông nghiệp) nay vẫn còn dấu tích. Đây là nét văn hóa đáng chú ý và cần có kế hoạch nghiên cứu tìm hiểu kỹ.

Cạnh ngôi miếu cổ còn có giếng vuông, giếng này từ xưa là nguồn nước dùng cho sinh hoạt cả làng không bao giờ cạn. Giếng vuông cũng là dấu tích còn lại của cư dân Chàm cổ. Cạnh chân núi Bích Khê, nơi diễn ra trận giao tranh giữa quân Tây Sơn và quân Nguyễn Ánh vào năm 1773 và 1802 hiện vẫn còn dấu tích. Ngoài ra, nơi đây còn có miếu Bà Sào do nhà Tây Sơn lập để ghi công trạng người phụ nữ có công huy động dân làng chặt tre cung cấp cho nghĩa quân Tây Sơn đánh Nguyễn. Trong phong trào Cần Vương, nơi đây còn dấu tích thành Hố Chuối ở thôn Định Bình. Thành được đắp kiên cố, tương truyền là đồn tiền tiêu của nghĩa quân Cần Vương đồng thời là trạm liên lạc của nghĩa quân do Võ Đạt làm thủ lĩnh.

Những sắc thái văn hóa và truyền thống lịch sử đã tạo cho Hoài Đức một dáng vóc ít nơi nào có được.

. TS. Đinh Bá Hòa

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hoài Đức - vùng đất văn hóa và lịch sử  (31/01/2005)
Nhơn Lý  (31/01/2005)
Gò Bồi trong ký ức Xuân Diệu   (31/01/2005)