Hòn Chè
22:22', 31/1/ 2005 (GMT+7)

Hòn Chè là một quả núi nhỏ trong dãy núi đồi thuộc xã Cát Sơn, huyện Phù Cát. Quanh Hòn Chè có các làng Hội Sơn, Thạch Bàn và nhiều xóm Sơn Khê, Sơn Hậu, Sơn Tượng, Sơn Mã, Sơn Lân… những địa danh gắn với thời kỳ lịch sử đầy sôi động: khởi nghĩa Tây Sơn.

Theo gia phả họ Vũ tìm thấy năm 1979 thì đây cũng là quê hương của cha con nữ đô đốc Vũ Thị Đức, người có công lớn trong trận diệt đồn Gián Khẩu khi Quang Trung Nguyễn Huệ hành quân thần tốc ra giải phóng Thăng Long.

Bà Đức là con gái thứ ba Đô đốc Ân Quang hầu Vũ Đình Huấn. Ông Huấn chỉ huy một đạo quân, cho con gái cũng là Đô đốc cùng đi chiến trận. Đô đốc Trần Đức Huy và Đô úy Trần Đức Hùng làm phó tướng cho Đô đốc Vũ Thị Đức. Đêm mồng Một Tết Kỷ Dậu 1789, dưới sự chỉ huy của bà Đức, quân Tây Sơn đã nhổ phăng các đồn Gián Khẩu, Vũ Đại, Hoàng Đan (Ninh Bình) của quân Thanh. Khi băng qua bãi lầy truy kích giặc, con voi chiến của bà bị lún sâu không lên được. Bà Đức cùng con voi thân thiết đã hy sinh tại Bãi Vả.

Vùng Hòn Chè và quê hương của hai vị Đô đốc trước kia thuộc tổng Quả Sơn. Khi quân Tây Sơn chiếm cứ vùng này thì đổi thành phường Sơn Chính. Những đồi núi quanh vùng thành các điểm đóng quân, lập đồn trại của nghĩa quân và có các địa danh mới. Núi Đầu Voi, nơi nghĩa quân lập đài quan sát gọi là Viễn Vọng đài. Nơi đóng các đồn trại binh chủng voi, ngựa, chó… thành các trại Sơn Tượng, Sơn Mã, Sơn Lân. Núi Đầu Voi án ngữ đường xuống khu đông, thời nhà Nguyễn bị gọi là Đèo Ngụy.

Vùng đất này rất có tầm chiến lược về quân sự, thuận lợi cho việc dấu quân, luyện quân, khi tiến có thể công, thoái có thể thủ nên trong kháng chiến chống Mỹ, Tỉnh ủy Bình Định cũng thường xuyên đóng ở đó để chỉ đạo phong trào. Cán bộ, bộ đội, du kích thường đi dọc hành lang đông tây qua Đèo Ngụy về căn cứ Hòn Chè - Hội Sơn nhưng địch đóng ở ngay núi Đầu Voi cũng không phát hiện ra được.

Ngày nay vùng Hội Sơn đã thành hồ chứa nước lớn, cùng hệ thống mương máng chằng chịt cung cấp nước tưới cho khoai lúa cả vùng rộng lớn. Tuy vậy, đây là một trong những di tích lịch sử từ phong trào Tây Sơn đến chống Mỹ cứu nước, lại là quê hương của cha con hai vị Đô đốc nên cần được quan tâm gìn giữ, tôn tạo và khai thác du lịch.

. Nguyễn Văn Chương

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hoài Đức - vùng đất văn hóa và lịch sử  (31/01/2005)
Nhơn Lý  (31/01/2005)
Gò Bồi trong ký ức Xuân Diệu   (31/01/2005)