Lời chối từ khôn khéo
22:26', 31/1/ 2005 (GMT+7)

Văn hóa suy cho cùng là chất lượng nhân văn trong ứng xử của con người. Cuộc sống luôn đặt ra cho chúng ta vô vàn tình huống giao tiếp. Với mỗi tình huống, người có hiểu biết sẽ hình dung ra được những phương án giải quyết, trong đó bao giờ cũng có một phương án tối ưu.

Nhờ biết lựa chọn phương án ứng xử phù hợp mà con người vừa đạt được hiệu quả cao trong giao tiếp, vừa góp phần làm đẹp cuộc sống. Với nhận thức đó, chúng tôi muốn nói tới một vẻ đẹp văn hóa ứng xử được thể hiện trong bài ca dao sau:

Sáng ngày em đi hái dâu

Gặp hai anh ấy ngồi câu Thạch Bàn

Hai anh đứng dậy hỏi han

Hỏi rằng: "Cô ấy vội vàng đi đâu?"

Thưa rằng: "Em đi hái dâu"

Hai anh mở túi lấy trầu mời ăn

Thưa rằng: "Bác mẹ em răn

Làm thân con gái chớ ăn trầu người".

Dễ dàng nhận ra, bài ca dao trên là lời của một cô gái. Cô kể chuyện mình sáng ngày đi hái dâu, tình cờ gặp "hai anh ấy ngồi câu Thạch Bàn". Tình huống cuộc gặp gỡ bất ngờ này là việc "hai anh mở túi lấy trầu mời ăn". Mời trầu vốn là một hành vi văn hóa phổ biến trong giao tiếp của người Việt. Với mỗi đối tượng, việc mời trầu có những ý nghĩa riêng của nó. Đối với tầng lớp nam nữ thanh niên, mời nhau ăn trầu không nhằm mục đích gì hơn là để làm quen, làm thân với nhau. "Tiện đây ăn một miếng trầu - Hỏi thăm quê quán ở đâu chăng là". Từ chỗ ngẫu nhiên gặp nhau mà biết bao chàng trai, cô gái đã nên lứa nên đôi. Miếng trầu tưởng như bình thường ấy lại là miếng trầu xe duyên. "Miếng trầu thật tay em têm - Anh ăn một miếng nên đôi vợ chồng".

Sinh ra và lớn lên trong bầu "khí quyển" văn hóa làng xã đó, cô gái trong bài ca hẳn nhận biết được mục đích mời trầu của hai chàng trai. Hơn nữa, cùng lúc cả hai anh cùng "đứng dậy hỏi han", cùng "mở túi đưa trầu mời ăn" nên cách tốt nhất là nói lời từ chối. Vấn đề là từ chối thế nào để được người, được ta. Bằng một giọng nhẹ nhàng, lịch sự, cô gái "Thưa rằng: Bác mẹ em răn - Làm thân con gái chớ ăn trầu người".

Thiết nghĩ, không có lời chối từ nào khôn khéo hơn. Không chỉ bày tỏ được thái độ trân trọng đối với hai chàng trai mà cô gái còn ngầm giới thiệu về gia đình mình, bản thân mình. Qua lời thưa, ta nhận thấy, gia đình cô gái là một gia đình nền nếp: cha mẹ rất quan tâm tới việc giáo dục con cái, còn con cái thì biết nghe lời răn của cha mẹ. Dù không có ý tự đề cao mình nhưng qua lời nói, cô gái đã tự bộc lộ phẩm chất đáng quý của một thiếu nữ Việt. Trước những người con gái như thế, chàng trai nào mà không trân trọng và nếu theo đuổi chẳng bao giờ nghĩ là uổng công!

. Lê Nhật Ký

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hòn Chè  (31/01/2005)
Hoài Đức - vùng đất văn hóa và lịch sử  (31/01/2005)
Nhơn Lý  (31/01/2005)
Gò Bồi trong ký ức Xuân Diệu   (31/01/2005)