Lễ hội Nước Mặn ở Bình Định
22:33', 31/1/ 2005 (GMT+7)

Lễ hội Nước Mặn là một trong những lễ hội cổ truyền có quy mô lớn và ra đời sớm nhất ở Bình Định cách đây gần bốn thế kỷ. Kể từ khi cảng thị Nước Mặn bước vào thời phồn vinh, người Hoa từ Quảng Đông, Phúc Kiến dong thuyền sang xin chúa Nguyễn nhập cư mở phố buôn bán cùng người Việt, lập chùa Ông (Quan Thánh đế miếu) và chùa Bà (Thiên Hậu miếu) ở thôn An Hòa xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, để thờ cúng.

Lễ hội được tổ chức ở chùa Bà, vùng trung tâm cảng thị thuở trước, nơi thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu - vợ của Trời, là một nhân vật huyền thoại đã có công cứu vớt tàu thuyền mắc nạn trên biển khơi. Với tinh thần nhân văn cao cả, người đàn bà họ Lâm tên là Mị Châu, dân gian thường gọi Lâm Nương Nương được các tàu thuyền đặt bàn thờ đầu mũi cúng vái mong bà che chở cho khi vào lộng ra khơi. Thiên Hậu là tên tôn xưng không những được vua Tống thuở xưa mà còn được các vua nhà Nguyễn nước ta về sau ban sắc phong để ghi nhớ công ơn của vị thần đức hạnh này. Có như vậy là vì tục thờ Thiên Hậu của người Hoa khi du nhập vào Việt Nam bắt gặp tục thờ thần Mẫu (thần Mẹ) truyền thống của người Việt thì dễ dàng được dân tộc ta tiếp nhận. Thuở trước, Đàng Trong cũng như ở Đàng Ngoài, ở đâu có đông đảo người Hoa tới lập phố buôn bán là ở đấy có miếu thờ Thiên Hậu như Phố Hiến (Hưng Yên), Hội An (Quảng Nam), Nước Mặn (Bình Định), Vũng Lấm (Phú Yên) và có cả ở Đồng Nai.

Lễ hội Nước Mặn ra đời và được tổ chức ở chùa Bà vừa đánh dấu một cảng thị ở vùng đất biên viễn bước vào thời kỳ phồn vinh, vừa thể hiện tinh thần dung hợp văn hóa Việt - Hoa khi biên giới Đại Việt mới tới núi Đá Bia (Đèo Cả - Phú Yên), và cứ thế duy trì, phát triển, thăng trầm theo nhịp sống của cảng thị này. Cho đến ngày nay, mặc dầu cảng thị đã suy tàn, biến dạng thành một vùng quê yên tĩnh nhưng chùa Bà vẫn còn, lễ hội Nước Mặn vẫn còn như một hoài niệm về một đô thị thương cảng đã từng là trung tâm thương mại, văn hóa một thời của Bình Định.

Lễ hội Nước Mặn được tổ chức hàng năm trong ba ngày: ngày cuối tháng giêng âm lịch, có thể là 29 hay 30 tùy tháng thiếu đủ, và ngày 1 và 2 tháng 2.

Thuở xưa, khi cảng thị còn phồn vinh, phố phường đông đúc, tới ngày lễ dưới sự điều hành của ban nghi lễ, dân cảng thị cả người Việt và người Hoa (Minh Hương) khiêng kiệu tới miếu Thành Hoàng, miếu Quán Thánh, miếu Bà Mụ (bà chúa Thai sinh - Bảo sản) rước linh vị của các vị thần này về chùa Bà để chuẩn bị tế lễ. Nửa đêm ngày 30 là lễ tế chính thức thần Thành Hoàng, Thiên Hậu, Quan Thánh, Bà Mụ là những vị thần khai sáng che chở cho đời sống tinh thần, vật chất của mọi người dân cảng thị, cầu xin các vị thần ban phúc lành cho làm ăn phát đạt, con cháu đông đúc, sinh đẻ tốt lành để cảng thị ngày một phát triển. Những gia đình trong năm qua làm ăn phát đạt, giàu có hẳn lên, sinh con đạt ý nguyện như đã cầu xin hay tai qua nạn khỏi thành kính mang lễ vật tới tạ ơn các vị thần.

Có người ở Gia Lai, Kon Tum xuống, từ Phú Yên, Khánh Hòa, thành phố Hồ Chí Minh ra hiến tế cả một con bò, con heo hay một số tiền khá lớn góp phần cùng dân cảng thị tu sửa đền miếu và tiến hành lễ hội.

Phần tế lễ thể hiện rõ tinh thần dung hợp tín ngưỡng Việt - Hoa trong đời sống tâm linh của người Nước Mặn. Các vị thần người Việt và người Hoa sùng bái đều được rước về ngồi chung trong chùa Bà để mọi người gần xa tới chiêm bái, thỉnh cầu. Sự xuất hiện thần Thành Hoàng trong tế lễ với ngai thờ riêng chứng tỏ các vị thần dù của người Việt hay người Hoa đều chịu sự cai quản của Thành Hoàng bản xứ.

Sau ngày tế thần, sang ngày thứ hai và thứ ba là hai ngày hội. Ban tế lễ cũng như ban tổ chức hội đều dưới sự cai quản, hướng dẫn của chính quyền cảng thị. Ngày tế thần là nghi thức tín ngưỡng, tới ngày hội mới thực sự phô diễn hết vẻ đẹp văn hóa cảng thị xưa. Khách thập phương xa gần về Nước Mặn chờ đợi từ mấy ngày trước. Sau tế lễ họ mới vào chùa cầu cúng và dự hội. Nghi thức đầu tiên mà mọi người mong chờ là hình thức rước các biểu trưng trên đường phố để tưởng nhớ, suy tôn công lao khai sáng của cha ông đã biến vùng sình lầy ven biển trở thành một đô thị thương cảng sầm uất ở miền cực nam nước ta thời bấy giờ. Những hình người: kẻ đốn cây phá rừng ngập mặn, người vỡ ruộng đắp bờ, kẻ bủa lưới đánh cá, người chăn nuôi gia súc.v.v… được cung kính đặt lên kiệu nối theo nhau khiêng đi. Lại còn có biểu trưng tàu thuyền viễn dương với những tay chèo vạm vỡ vượt sóng gió làm sống lại những ngày đầu tàu thuyền bốn phương tới cảng thị buôn bán. Phật giáo và Đạo giáo theo bước chân di cư của người Việt, sau đến người Hoa tới Nước Mặn nên trong ngày hội còn có rước biểu trưng Hà Tiên Cô ngồi trong hoa sen có cánh khi cụp khi xòe thu hút sự chú ý của người xem.

Việc rước các biểu trưng khai hội qua phố phường đánh thức truyền thống tốt đẹp của cha ông trên đường mở nước và xây dựng vùng đất mới.

Sau rước biểu trưng, ban ngày thì các trò chơi dân gian nối tiếp diễn ra. Tùy điều kiện tổ chức từng năm nhưng nhìn chung có: đánh đu, kéo co, đấu võ, đấu vật, chơi cù, chọi gà, bắt vịt, nấu cơm thi, đập ấm, bịt mắt bắt dê. Có trò chơi tao nhã như thả thơ, xổ cổ nhơn, hô bài chòi, đánh cờ người. Có trò chơi tiếp nhận của người Hoa như tục đổ giàn, đốt cây bông. Lại còn có trò chơi chịu ảnh hưởng của các thầy cúng Chàm thuở trước như hát mộc xà leo. Ban đêm, các gánh hát nổi tiếng ở phủ Quy Nhơn được mời tới hát bả trạo, diễn tuồng; các nhà sư đưa phật tử đến múa lục cúng.

Ngày cũng như đêm các trò chơi dân gian và múa hát đã thu hút đông đảo người trong vùng và khách phương xa tới dự hội. Vì thế trong ba ngày lễ hội Nước Mặn thuở xưa, người phủ Quy Nhơn sống trong niềm hân hoan và bầu không khí đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Trên các đường phố, người Việt, người Hoa và cả người phương Tây, Đông Nam Á tới truyền giáo, buôn bán cùng chung vui. Nhiều màu da, nhiều tiếng nói, trang phục đủ kiểu, đủ màu càng làm đa dạng thêm, đẹp thêm cho lễ hội.

Từ giữa thế kỷ XVIII trở về sau, biển lùi ra xa, tàu thuyền lớn không vào Nước Mặn được, cảng thị suy tàn, chuẩn bị cho cảng thị Quy Nhơn ra đời vào cuối thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX. Người Nước Mặn, nhất là những thương nhân Minh Hương chuyển về Quy Nhơn, các thị trấn thị tứ trong vùng hay đi xa vào phương nam tới tận Chợ Lớn - Sài Gòn buôn bán. Thế nhưng đến ngày lễ hội vẫn trở về Nước Mặn như trở về quê hương một thuở của mình.

Ngày nay, sau hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhiều di tích còn lại của cảng thị bị xóa sạch, đền miếu nếu không chỉ là đống gạch vụn thì cũng mái sập tường xiêu. Là vùng trắng bị bom đạn Mỹ - Ngụy tàn phá dữ dội, dân Nước Mặn kẻ vào rừng kháng chiến, người sơ tán đi xa. Tới ngày thống nhất đất nước mới trở về dựng lại nhà cửa, tu bổ lại chùa Bà - miếu thờ duy nhất còn lại ở vùng trung tâm cảng thị cho đến ngày nay. Lễ hội Nước Mặn được chính quyền địa phương cho phép phục hồi, song đã đổi mới cả nội dung lẫn hình thức cho phù hợp với đường lối giữ gìn phát huy di sản văn hóa quý báu của dân tộc. Lễ hội vẫn tổ chức trong ba ngày, trình tự tiến hành vẫn như xưa. Dân địa phương và khách xa gần, nhất là những gia đình vốn quê Nước Mặn nhưng đã đi làm ăn xa trở về dự lễ hội khá đông.

Các đền miếu khác không còn nên trong chùa Bà hiện nay đặt bàn thờ cả ba vị thần: Thiên Hậu ở gian giữa, Thành Hoàng và Bà Mụ ở hai gian hai bên. Về phần tế lễ trong đêm đầu là tín ngưỡng của người dân trong vùng vẫn được tôn trọng và tiến hành riêng theo ý nguyện. Sang ngày thứ hai mới chính thức khai hội. Đảng ủy, chính quyền địa phương giao cho Mặt trận Tổ quốc long trọng đọc diễn văn khai mạc trước quan khách và công chúng về dự hội, nêu công lao khai sáng của cha ông, lịch sử phát triển cảng thị và vai trò cảng thị trong đời sống kinh tế, văn hóa Bình Định trong nhiều thế kỷ qua. Phần hội không còn nghi thức rước biểu trưng trên các đường phố như xưa nhưng vẫn tổ chức một số trò chơi mang tính chất truyền thống, ngoài ra còn tổ chức đấu bóng chuyền giữa các xã lân cận. Ban đêm vẫn đón các gánh hát trong vùng và cả nhà hát tuồng Đào Tấn về diễn suốt mấy tối lễ hội.

Cùng với hình bóng cảng thị, màu sắc cổ truyền của lễ hội Nước Mặn đã phai nhạt đi nhiều qua bao biến động lịch sử theo năm tháng. Từ một vùng sình lầy, nước biển theo sông rạch dâng lên thường ngày đã được con người bao đời khai phá, dựng xây thành một cảng thị sầm uất. Sông bồi, biển lấp, Nước Mặn không có cái may mắn như Hội An vẫn giữ được hình hài thuở trước. Cho nên lễ hội Nước Mặn như là hồi ức về một đô thị thương cảng lớn nhất phủ Quy Nhơn thuở trước đã suy tàn, hóa thân thành thành phố biển Quy Nhơn tỉnh Bình Định ngày nay.

. Nguyễn Xuân Nhân

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Lời chối từ khôn khéo  (31/01/2005)
Hòn Chè  (31/01/2005)
Hoài Đức - vùng đất văn hóa và lịch sử  (31/01/2005)
Nhơn Lý  (31/01/2005)
Gò Bồi trong ký ức Xuân Diệu   (31/01/2005)