Tín ngưỡng làng nghề
22:49', 31/1/ 2005 (GMT+7)

Cũng như nhiều địa phương khác, Bình Định coi việc tôn thờ các tổ làng nghề là để nhớ ơn người đã mang đến cho làng những nghề giúp dân có bát ăn, bát để...

Nghề tiện gỗ mỹ nghệ ở Nhơn Hậu (An Nhơn)

Ở làng nghề đúc đồng Bằng Châu (thị trấn Đập Đá, huyện An Nhơn), có ty thờ ông Không Lộ là tổ nghề đúc. Hàng năm vào giờ tý ngày 16 tháng Giêng, làng này lại tổ chức tế tổ. Nghi lễ tế tổ rất nghiêm trang, văn tế nói lên công đức của tiền nhân. Còn ở làng rèn Phương Danh (thị trấn Đập Đá) thì hàng năm đến ngày 12-2 âm lịch, các lò rèn đóng góp công của để tế tổ. Không có ty thờ, họ chọn một đám đất rộng bài trí long trọng, lập ba bàn thờ: chính giữa là bàn thờ Cao Giã Tượng; bên phải thờ Đặng Văn Long (tướng Tây Sơn); bên trái thờ Lư Cao Sơn. Sau này, người ta thờ chung ba vị trong một bàn thờ. Hai bên bàn thờ có hai câu đối: "Nghệ siêu bách kỷ ân đức tổ; Khí cụ ngũ hành nghĩa tiền nhân". Giờ Tý ngày 11, khai lễ theo truyền thống khởi chính cổ, nhạc nhã, có văn tế, sau đó tổ chức hát bội vở "Tam vị đào viên kết nghĩa".

Đối với nghề dệt, theo gia phả họ Nguyễn thôn Phương Danh (thị trấn Đập Đá) thì đệ nhất thế tổ Nguyễn Văn Tài từ phía bắc theo chúa Nguyễn vào đạo Quảng Nam, sinh con trưởng là Nguyễn Văn Lược và con thứ là Nguyễn Văn Lực, đều giỏi việc canh cửi. Người con trưởng vào định cư tại Bình Định sinh được Nguyễn Thị Trung và em là Nguyễn Văn Huỳnh. Bà Trung lấy chồng miệt Lại Giang (Hoài Nhơn) còn ông Huỳnh vào lấy vợ vùng Ngãi Chánh (xã Nhơn Hưng, huyện An Nhơn), rồi lập nghiệp ở làng bên là Phương Danh, từ đó truyền nghề cho con cháu và dân làng. Hiện nay ở Phương Danh còn nhà thờ tổ nghề dệt gọi là ty xóm Cửi. Bên trong thờ 2 câu đối: "Kinh dinh cơ xảo thiên thu tại, Nghiệp hộ trang hoàng vạn đại hưng"; câu thứ hai: "Thinh chấn đông tây giai trữ trục; Tượng trưng nam bắc quán càn khôn". Lễ tế tổ được tổ chức vào ngày 17 tháng Giêng hàng năm.

Về nghề mộc có làng tiện Nhạn Tháp (xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn). Ngày xưa nghề tiện gỗ tập trung ở xóm Thạch Bàn, còn gọi là xóm Thợ Tiện. Giỗ tổ của làng tiện tổ chức vào hai ngày: 12-9 âm lịch cúng ông tổ (dạy cách tiện tròn) và ngày 12-12 cúng bà tổ (dạy chạm trên gỗ tiện tròn).

Việc thờ tự tín ngưỡng dân gian là một hiện tượng phổ biến không chỉ ở Bình Định. Trong tín ngưỡng chính thống, do ảnh hưởng của nghi lễ khổng giáo, cho nên bao giờ cũng có khoảng cách giữa người và thần. Về dân gian, người ta tin rằng thần luôn hiện diện như một thành viên trong mỗi gia đình, để cùng vui niềm vui chung, cùng lo nỗi lo chung. Miếu thờ như một cái gạch nối giữa đời thường và thế giới tâm linh do vậy có một khoảng cách nhất định đảm bảo cho quá trình giao lưu, ứng xử giữa thần linh và dân dã đạt những kết quả mong muốn.

Cái hay trong tín ngưỡng dân gian là người dân không mù quáng cầu khẩn van xin đấng siêu nhiên mà chỉ muốn giãi bày những ước nguyện, phản ánh khát vọng luôn luôn vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn.

. TS. Đinh Bá Hòa

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Kiến trúc nhà ở của người Chăm H'roi Bình Định  (31/01/2005)
Lễ hội Nước Mặn ở Bình Định  (31/01/2005)
Lời chối từ khôn khéo  (31/01/2005)
Hòn Chè  (31/01/2005)
Hoài Đức - vùng đất văn hóa và lịch sử  (31/01/2005)
Nhơn Lý  (31/01/2005)
Gò Bồi trong ký ức Xuân Diệu   (31/01/2005)