Đập Đá: Đập xi măng đầu tiên xây ở Trung Kỳ
14:44', 3/10/ 2005 (GMT+7)

Ở vùng Bình Định, đập bổi tồn tại đến những thập niên cuối của thế kỷ XX. Đập đá thuộc phủ An Nhơn là đập xi măng xây đầu tiên của tỉnh Bình Định dưới thời phong kiến và cũng là đập xi măng đầu tiên của Trung Kỳ.

 

Bức hoành phi ghi công đức tiền hiền Trần Đình Cơ ở miếu thờ đập Bến Cát (An Nhơn).

 

Sông Côn xưa là sông Tuy Viễn. Đến triều Đồng Khánh (1885-1889), Tuy Viễn chia làm ba huyện: Bình Khê, Tuy Viễn, Tuy Phước thì sông lấy tên là sông Ba Huyện. Sau khi huyện Tuy Viễn bãi bỏ lấy đất cho phủ An Nhơn và huyện Tuy Phước đổi làm phủ, sông được đổi tên là sông Côn. Đây là con sông lớn nhất tỉnh Bình Định.

Vùng hạ lưu sông Côn từ Kiên Mỹ đến cửa Thị Nại khoảng hơn 30 km, thì cũng có hơn 30 đập lớn nhỏ (kể cả các chi lưu của sông Côn). Hiện nay vùng này vẫn còn một số dấu tích miếu thờ các bậc tiền hiền có công đắp đập, khai thông mương máng như miếu ông Văn Phong ở Tây An (Tây Sơn), miếu bà Châu Thị Ngọc Mã và bà Trần Thị Ngọc Lân ở Đập Đá, miếu ông Trần Đình Cơ và ông Nguyễn Cảnh Chiêm ở Hòa Cư (xã Nhơn Hưng - An Nhơn).

Gia phả Trần tộc ở thôn Tri Thiện thuộc xã Phước Quang (Tuy Phước) có ghi: Ông tổ Trần Đình Cơ cùng với ông Nguyễn Cảnh Chiêm trong 8 năm ròng dưới triều Lê Cảnh Trị (1663 -1671) đứng ra xây đắp công trình thủy nông đập Bến Cát và đào vét hệ thống kênh mương đưa nước về đồng ruộng 6 thôn: Quảng Nghiệp, Liêm Trực, Tri Thiện, Phục Thiện, Lộc Ngãi và Định Thiện. Đây là công trình thủy nông sớm nhất được biết hiện nay của vùng Bình Định.

Cũng theo gia phả Trần tộc: Dưới thời Gia Long (1802- 1820), việc trị thủy chống hạn được đề cao như việc chống giặc, "Yển ước quan bằng" được lập (văn bản qui ước về đê điều). Cháu 6 đời của ông Trần Đình Cơ là Trần Đình Nghĩa đã cùng với hai bà họ Châu ở Dương Lăng và họ Trần ở Háo Đức thuộc xã Nhơn An (An Nhơn) tổ chức đắp đập Bảy Yển tại nơi phân lưu Bắc phái và Nam phái (sông Cửa Tiền giữa Nhơn Phúc và Nhơn Khánh). Ông Trần Đình Nghĩa chịu trách nhiệm Nam phái, hai bà Châu - Trần chịu trách nhiệm Bắc phái. Đại Nam Nhất Thống Chí chép: Bắc phái từ thôn Nghĩa Nhơn chảy ra đông - bắc, đến Tân Kiều lại chia làm 2 chi: một chi chảy vào Nam mười hai dặm đến thôn Phương Minh, làm sông Thạch Yển, lại thuận giòng chảy hơn 30 dặm đến thôn Ba Tài huyện Tuy Phước; chi thứ 2 chảy về phía Bắc 8 dặm đến thôn Thuận Chánh là sông Gò Găng.

Sông Thạch Yển xưa gọi là sông Bằng Châu, đập bổi mà hai bà Châu - Trần xây đắp để dẫn nước vào ruộng, trong Đại Nam Nhất Thống Chí  gọi là "Bằng Châu giang Thạch Yển" (Đập Đá sông Bằng Châu). Vì sao lại gọi là Thạch Yển trong khi đập đắp bằng bổi, Đại Nam Nhất Thống Chí giải thích: vì lòng sông có đá nên gọi tên ấy.

Năm Bính Thìn (1916) triều Khải Định, Hội Bảo nông Bình Định do bá hộ Nguyễn Cẩn, bá hộ Lâm Thanh Cẩn và phú hộ Ôn Huỳnh Châu đứng ra cổ động góp cổ phần xây đập đá tại thôn Phương Danh để dẫn thủy nhập điền.

Trong Lâm Viên hành trình nhật ký, là thiên ký sự của Đoàn Đình Duyệt - một quan chức cao cấp triều Nguyễn - nhân chuyến đi công cán đến tỉnh mới Lâm Viên (nay là Lâm Đồng) vào năm 1917, tức là một năm sau khi Đập Đá được xây dựng, có ghi lại: Ông đi qua Bình Định được các quan tỉnh đưa đi xem Hội Bảo nông ở trong hạt chất đá đắp đập. Đây là đập dùng xi măng mà đúc thành, cắt ngang giữa sông, dài hơn 100 thước tây, thông dòng nước bằng 9 cửa, vòng vo đen ngòm, nương theo thế nước. Cửa thông nước dùng ván gỗ chia bậc chắn ngang, mỗi bậc đều có thước tấc để tùy lúc đóng mở, cũng lấy đó mà qui ước giới hạn. Đập chia phải trái hai bờ, lấy đá lớn đắp làm móng đề phòng nước lũ xói mòn hai bên bờ sông, trên móng lại chất không biết bao nhiêu là đá, qui cách có hơi mới. Bây giờ, ông già bà cả trong hạt vây quanh mà xem ước có cả trăm người, họ đều bảo rằng từ lúc làm Đập Đá này đến nay, được 2 vụ trúng mùa lớn, dân tình rất vui vẻ. Nhà nông ở tỉnh rất coi trọng việc đắp đập, phàm đắp đập ngang dọc, chứa nước bao nhiêu, xả nước ít nhiều đều phải có văn thư giao ước. Chỗ con Đập Đá này, nguyên trước kia có hai bà mua đất riêng, mở dòng nước riêng mà giữ nước sông Đại An. Đập lúc ấy dùng vật liệu là các thứ gốc rạ, thân tre bện với cát mà đắp thành, thường bị lũ lụt xói mòn, mỗi năm đều phải đắp lại, nhà nông phải chịu tốn kém mỗi lần đắp khoảng 3 ngàn đồng. Một lần nước lũ phá vỡ đập là cả năm phải chịu đói kém. Năm trước nhà nông Nguyễn Cẩn mới đệ đơn xin gom cổ phần mà đắp đập đá và xi măng, tính ra hơn vạn bạc, làm một năm thì xong. Những người tham gia tổ chức việc đắp đập đều được quan tỉnh tưởng thưởng. Và ông nhận xét về Đập Đá như sau: Nay thần đến xem, quả thực thấy đập này bền chắc lắm, trong các qui tắc đắp đập thì đây thực là tối tân, ta đang có chủ trương cải cách việc nông nghiệp ở Trung Kỳ, nếu phỏng theo đây mà làm thì ắt được lợi ích lâu dài vậy.

Theo Đoàn Đình Duyệt thì đây là đập xi măng đầu tiên của Trung Kỳ. Hiện nay Đập Đá vẫn còn và được xây đắp kiên cố hơn, dài khoảng 100 mét có 4 cửa, mỗi cửa có 3 hộc xả nước, mỗi hộc có 2 lớp vách ngăn, thuộc thị trấn Đập Đá, huyện An Nhơn, cách trụ sở UBND thị trấn khoảng 500 mét về hướng Nam.

Đến năm 1959, đập Bảy Yển được xây xi măng, tiếp sau đó là đập Kiền Giang và đập Lý Nhơn. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, toàn bộ hệ thống đập bổi đã được thay thế bằng đập bê tông cốt thép kiên cố.

Tên Thạch Yển (nghĩa là Đập Đá) đã có từ thời xưa. Nhưng Đập Đá được nổi danh từ sau khi đập đá đã đắp xong làm cho các vùng xung quanh trở nên trù phú, phồn thịnh. Năm 1949, thể theo nguyện vọng của nhân dân, Ủy ban Hành chánh tỉnh Bình Định đã đặt địa danh xã Đập Đá gồm 4 thôn: Phương Danh, Bằng Châu, Bả Canh, Mỹ Hòa. Và Đập Đá đã trở thành bất hủ khi đi vào ca dao:

Em về Đập Đá quê cha

Gò Găng quê mẹ, Phú Đa quê chồng

Hoặc:

Anh về Đập Đá đưa đò

Trước đưa quan khách sau dò ý em

Hoặc:

Anh về Đập Đá, Gò Găng

Để em kéo vải sáng trăng một mình.

. Nguyễn Thanh Quang

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chiến thuyền thời Tây Sơn  (02/10/2005)
Rong câu và xa xa  (30/09/2005)
Một đạo sắc của năm Cảnh Thịnh thứ hai  (29/09/2005)
Di tích Tây Sơn tại Huế  (27/09/2005)
Lòng cá chẻm  (25/09/2005)
Chuyện bánh trái trong văn học dân gian  (23/09/2005)
Truông Mây: một di tích bị lãng quên  (22/09/2005)
Giai thoại về Đào Duy Từ - nét mới trong kho tàng giai thoại Việt Nam  (21/09/2005)
Ghi chép về chùa Linh Phong  (19/09/2005)
Các món dưa ở Bình Định  (18/09/2005)
Kỳ công ngoại giao sau đại thắng mùa xuân Kỷ Dậu 1789  (16/09/2005)
Con nhum  (15/09/2005)
Hàu Bãi Xép  (12/09/2005)
Di tích lịch sử bến Trường Trầu  (11/09/2005)
Xoài tượng Bình Định  (14/09/2005)