Huyền thoại Măng Lung - Măng Linh
15:5', 4/10/ 2005 (GMT+7)

Từ hồ Hà Nhe (xã Vĩnh Hòa) ngược về hướng đông nam chừng vài cây số là đến chân đèo Bồ Bồ. Nơi đây trong ký ức của nhân dân Vĩnh Thạnh là một vùng đất thiêng liêng đầy huyền thoại.

Không hiểu vì sao ngày xưa trời lại lấy đèo Bồ Bồ làm ranh giới giữa ánh sáng và bóng tối. Bên này là Măng Lung - phía đông, ánh sáng; bên kia là Măng Linh - phía tây, bóng tối.

Chuyện kể rằng, phía Măng Linh núi đen, rừng đen, tối mắt không nhìn thấy gì hết, người người chỉ nhận biết nhau qua giọng nói, tiếng than. Vạn vật chỉ thấy một màn tối đen kịt, không trăng, không sao, chỉ chập chờn những mảnh lân tinh và đôi con đom đóm lập lòe. Có đôi vợ chồng trẻ, sống mãi trong cảnh có đêm không ngày, mới dắt tay nhau đi về cõi Măng Lung ánh sáng. Hai người đi mãi, đi mãi, hết lương khô họ hái rau rừng ăn cho đỡ dạ; hết cái uống họ tìm đến những giọt sương đọng trên cành lá. Họ nhận biết không gian, thời gian qua những ánh sao lọt qua kẽ lá và tiếng gà rừng tận chốn rừng xa. Đã bao ngày, bao đêm vượt qua biết bao nhiêu đèo, bao nhiêu dốc họ cũng chẳng nhớ nữa. Người chồng đã kiệt sức, lết mãi đến bên dòng suối cạn thì không nhích được nữa. Người vợ động viên cố gắng vượt qua con rựa nữa là đến đỉnh Măng Lung, người chồng gắng gượng cố chút hơi tàn rướn lên, run run chỉ tay lên rồi ngã gục bên tảng đá. Người vợ sau khi vuốt mắt, sửa tay chân cho chồng rồi từng bước, từng bước chị nhích dần lên sườn núi trong đêm dài thăm thẳm. Khi trèo lên đỉnh dốc Bồ Bồ, thấy được Măng Lung, chị chỉ kịp nở nụ cười mãn nguyện. Đôi mắt bắt ánh sáng bình minh từ từ khép lại.

Yàng kính phục lòng quyết tâm của người vợ vươn lên ánh sáng, dù chết cũng phải đón được ánh sáng bình minh, đã sai Mặt Trời làm ngày, Mặt Trăng làm đêm và lấy ranh giới đèo Bồ Bồ làm Măng Lung - Măng Linh. Nơi người vợ nằm xuống, kỳ lạ thay qua một đêm đã mọc lên một ngôi mộ đá. Kẻ qua người lại tưởng nhớ đến bà như một ký ức vươn lên trong sáng thiêng liêng, không ai bảo ai mỗi người xếp lên mộ bà một hòn đá nhỏ tưởng niệm. Ngôi mộ đá cứ ngày càng cao dần lên vững chãi, như thách thức với thời gian, mưa nắng.

Năm 1947, giặc Pháp từ An Khê tràn xuống, muốn chiếm đèo Bồ Bồ để khống chế vùng Vĩnh Thạnh, Phù Cát. Một chiến sĩ trong đoàn quân Nam tiến đã dũng cảm trụ lại ở đèo Bồ Bồ chặn địch cho đơn vị rút lui. Trận chiến không cân sức xảy ra, giữa một tiểu đoàn địch với hỏa lực mạnh mẽ và đối lại là một chiến sĩ vệ quốc quân với súng trường và một trái tim yêu nước, căm thù giặc sâu sắc. Cuối cùng quân địch chiếm được đỉnh đèo nhưng không dám đóng quân lại mà phải lập tức lui quân khi hoàng hôn buông xuống. Đồng đội đã tìm thấy người chiến sĩ anh hùng trong tư thế đặc biệt. Trước lúc nhắm mắt, người anh hùng này đã kịp giấu khẩu súng ngay dưới bụng mình, nằm đè lên để bảo vệ không cho vũ khí lọt vào tay giặc. Người anh hùng nằm lại trên đỉnh đèo Bồ Bồ là tiểu đội trưởng Nguyễn Thanh ở trường Quân chính Quảng Ngãi, tham gia đoàn quân Nam tiến.

Ngày nay, đi qua đèo Bồ Bồ chúng ta sẽ thấy có hai đống đá cạnh nhau. Mỗi khi qua lại, nhân dân với tấm lòng thành kính, mỗi người xếp một viên đá thay nén hương tưởng niệm tấm lòng trung với nước của người chiến sĩ vệ quốc anh hùng trong buổi bình minh của đất nước. Giờ đây, nơi anh nằm quanh năm tràn đầy ánh nắng và tiếng chim ríu rít ngày đêm, cánh đồng lúa Hà Nhe quanh năm xanh tốt hứa hẹn những mùa vàng ấm no và hạnh phúc.

. Nguyễn Hoàng An

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đập Đá: Đập xi măng đầu tiên xây ở Trung Kỳ  (03/10/2005)
Chiến thuyền thời Tây Sơn  (02/10/2005)
Rong câu và xa xa  (30/09/2005)
Một đạo sắc của năm Cảnh Thịnh thứ hai  (29/09/2005)
Di tích Tây Sơn tại Huế  (27/09/2005)
Lòng cá chẻm  (25/09/2005)
Chuyện bánh trái trong văn học dân gian  (23/09/2005)
Truông Mây: một di tích bị lãng quên  (22/09/2005)
Giai thoại về Đào Duy Từ - nét mới trong kho tàng giai thoại Việt Nam  (21/09/2005)
Ghi chép về chùa Linh Phong  (19/09/2005)
Các món dưa ở Bình Định  (18/09/2005)
Kỳ công ngoại giao sau đại thắng mùa xuân Kỷ Dậu 1789  (16/09/2005)
Con nhum  (15/09/2005)
Hàu Bãi Xép  (12/09/2005)
Di tích lịch sử bến Trường Trầu  (11/09/2005)