Năm ấy Học bộ đình của Đào Tấn ở Nghệ An nhận dạy thêm mấy diễn viên để bổ sung cho gánh hát "Bộ Đình". Trong số các diễn viên được chọn có một anh tầm vóc cân phân, mặt mũi khôi ngô, có giọng hát vừa nhuần nhị, vừa vang xa… chỉ khổ nỗi là tay chân thì vụng về, cầm thương cầm giáo đi tới đi lui bị đơ cứng. Cụ Đào hỏi: "Ở nhà, con có học hỏi chút ít võ nghệ gì không?"
|
Một vở hát bội do các nghệ sĩ nghiệp dư ở Bình Định biểu diễn. |
- Bẩm cụ, con chưa hề biết - anh bạn trẻ thưa.
- Tiếc quá, con được nhiều mặt, chỉ thiếu mặt này, vậy cho con trở về nhà học nửa năm võ nghệ, chú ý học nhiều về môn sử dụng binh khí rồi trở lại đây sẽ nhận ngay, bởi ở đây hiện giờ không có điều kiện chỉ bảo con mặt này.
Câu chuyện trên đây nói lên một điều: trước khi là diễn viên hát bội phải là người biết chút ít nghề võ. Các nghệ sĩ trong các gánh hát bội Bình Định ngày xưa nếu chưa phải là võ sĩ thì ít ra cũng là võ sĩ không luận là nam hay nữ. Chị Hồng Thu, chị Ngọc Cầm vừa là nghệ sĩ có tài do dân phong, vừa là tay võ nghệ cừ khôi một cách khiêm tốn. Tại sao vậy?
Như chúng ta đều biết trong nghệ thuật hát bội (nhất là hát bội Bình Định càng rõ nét) có hai bộ phận chủ yếu cấu thành: hát và múa. Hát giữ vai trò cuốn hút người xem bằng thẩm mỹ thính giác; múa giữ vai trò cuốn hút người xem bằng thẩm mỹ thị giác. Nói một cách nôm na là hát hay và múa đẹp là hai phương tiện cơ bản đưa nghệ thuật đi vào lòng người bằng hai con đường bằng mắt và bằng tai.
Muốn múa đẹp thì phải học võ. Võ thuật vốn là một môn nghệ thuật độc lập, đối với cuộc sống nó có nhu cầu riêng, chức năng riêng của nó là làm tăng sức lực của con người. Thế nhưng khi nó được gia nhập vào nghệ thuật hát bội với tư cách là một thành viên trong cơ cấu tổng hợp của nghệ thuật hát bội, nó vừa vẫn giữ trọn vẹn chức năng vốn có của nó, vừa phát huy tác dụng nghệ thuật biểu diễn tâm lý của con người, làm tăng vẻ đẹp phục vụ cuộc sống của con người.
Múa trong sân khấu hát bội chúng ta thấy do hai yếu tố tạo nên: yếu tố võ thuật và yếu tố cuộc sống. Yếu tố cuộc sống là các linh hồn của múa, yếu tố võ thuật là thể xác của múa, nhờ có yếu tố võ thuật mới có thể làm đẹp (tức là cái mà người ta thường gọi là mỹ hóa) yếu tố cuộc sống, tạo nên cái gọi là thẩm mỹ thị giác vừa nói trên. Không có yếu tố võ thuật thì các hiện tượng cuộc sống với trạng thái tự nhiên của hát bội khác gì kịch nói. Không có yếu tố võ thuật thì không gian và thời gian sân khấu hát bội không thể nới rộng đến mức có thể biểu hiện trực tiếp một cách sinh động con ngựa trên sân khấu, nếu là ở kịch nói thì đành... bó tay.
Cũng không chỉ có thế, hầu hết các loại binh khí của võ thuật đều thu nhập vào sân khấu hát bội như song kiếm, độc kiếm, song phũ, độc phũ, đao, thương, siêu, côn… Nhờ vậy mà sân khấu hát bội mới có khả năng biểu diễn chiến tranh (cố nhiên là dạng thức chiến tranh ngày xưa) một cách trực tiếp. Nếu người diễn viên hát bội không biết võ nghệ thì làm sao sử dụng binh khí rồi biến chế võ thuật thành thứ chiến tranh của nghệ thuật.
Trong sân khấu hát bội có câu đối:
- Dũng dượt dụng binh, bách chiến binh vô huyết nhẫn;
- Thung dung ẩm tửu, thiên bôi tửu bất túy nhân.
Nghĩa là: Hùng dũng ra quân, đánh trăm trận mà giáo gươm không vấy máu; ung dung ngồi uống rượu, uống đến ngàn chén mà chỉ thấy nhân vật trên sân khấu say chứ người diễn viên không say.
Ý nghĩa sâu xa của câu đối chính là nhằm phân biệt sự khác nhau giữa võ thuật sau khi gia nhập vào nghệ thuật hát bội.
Lại cũng có trường hợp ở sân khấu hát bội bê nguyên một bài thảo của võ thuật đưa vào sân khấu như bài múa song kiếm của Đắc Kỷ trong tuồng Trầm hương các chẳng hạn. Nhân tiện xin giới thiệu bạn đọc bản dịch bài thiệu của điệu múa song kiếm ấy trong tuồng Trầm hương các:
Gióng ngọn quyền
Cọp vờn thềm
Đón ngăn bên phải quét sạch khói đen
Sạch khói đen, quét sạch khói đen
Chim bằng xòe cánh trên tầng mây cao vút
Ngã ngựa giả vờ vụt dậy chém phăng
Cọp rình sát đất sang cưỡi rồng chuyển thế
Én liệng hoa lê hai mũi kiếm mở toang.
Điều đáng tiếc là hiện nay trên sân khấu hát bội đoạn diễn về bài kiếm này mỗi người một khác, do bị thất truyền, có trường hợp họ múa chiếu lệ cho có múa chứ không hợp và đẹp như lời bài thiệu.
Tôi muốn nói rằng, võ Bình Định đã gia nhập vào hát bội Bình Định khá lâu đời, trở thành một thành viên quan trọng trong cơ cấu tổng hợp của hát bội Bình Định, làm cho hát bội Bình Định mang một sắc thái riêng, nhất là tuồng võ.
. Vũ Ngọc Liễn
|